03/05/2012 19:59 GMT+7

Lời nói và việc làm

NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)

TTO - “Ai bảo là người khiếm thị thì không thể học toán” - cô luôn khẳng định với mọi người như vậy và cũng luôn dùng câu nói đó để khích lệ những học trò khiếm thị như chúng tôi.

Chuẩn bị lên cấp III, tôi đi liên hệ khắp nơi để được theo học hòa nhập tiếp nhưng không nơi nào nhận, tôi cứ ngỡ là chuyện học hành của mình đến đây dừng lại. May sao tôi tình cờ được người bạn khiếm thị giới thiệu tôi đến Trung tâm Giáo dục thường xuyên Nguyễn Văn Tố. Tuy trường cách nhà tôi khá xa và nghỉ học lâu tôi đã làm thất lạc hồ sơ cũ nên hơi e ngại, nhưng nghĩ lúc này đó là cơ hội duy nhất để mình lại được đi học nên tôi đã đến thử và quả nhiên không gặp bất cứ trở ngại gì.

Ngày đầu tiên trở lại với việc cắp sách đến trường, tâm trạng tôi dĩ nhiên là vui mừng nhưng lập tức bị bao trùm bởi sự hồi hộp và lo lắng, vì tôi tuy bị khiếm thị bẩm sinh song vẫn có thể nhìn được chút xíu nên không học ở Trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu mà được học hòa nhập tại một trường gần nhà.

Lần đầu tiên tôi học cùng những người đồng tật nên không biết môi trường học mới, thầy cô mới, bạn bè mới sẽ thế nào? Phần lớn mọi người vì nhiều lý do khác nhau đã lỡ mất không ít thời gian và rồi lòng ham thích học hỏi của học trò cộng với tình yêu thương, sự cảm thông và lòng nhiệt tình của các thầy cô đã gặp nhau, thế là lớp học văn hóa chuyên biệt dành cho người khiếm thị của trường ra đời.

Lúc ban đầu cả cô và trò đều bỡ ngỡ vì trò đã lâu không được động tới sách vở, có người tuổi đã cao nên không tự tin lắm so với lớp trẻ, còn với cô thì chưa từng dạy nhiều học trò khiếm thị cùng lúc lại ở nhiều độ tuổi nên nhất định không dễ để truyền thụ kiến thức. Tôi nhanh chóng quên đi cảm giác hồi hộp và lo lắng ban đầu khi tiếp xúc với mọi người, họ không khép mình như tôi tưởng mà ai cũng vui vẻ, hòa đồng.

Tôi càng yên tâm hơn khi các thầy cô đều thân thiện và gần gũi, họ sẵn sàng lắng nghe chúng tôi mà cũng rất cởi mở khi trao đổi với lớp về cách thức học làm sao cho phù hợp với mọi người.

Với học sinh khiếm thị chúng tôi những môn học xã hội còn đỡ chứ với các môn tự nhiên thì quả là khó khăn không nhỏ. Đã không có sách giáo khoa nổi, ký hiệu chữ Braille cũng rất rườm rà, dễ nhầm lẫn, thế mà giờ toán của cô luôn sôi nổi nhất vì cô phải giải đáp không biết bao nhiêu thắc mắc của chúng tôi.

Có những câu hỏi chỉ đơn giản đến ngây ngô: “Cô ơi, hình parabol trông như thế nào ạ? Cô ơi, hàm số này mà vẽ lên đồ thị thì thế nào ạ?". Cô không cười mà lại nhiệt tình giải thích từng câu hỏi, cô dùng những hình ảnh tương tự mà chúng tôi có thể gặp ngoài đời sống để dễ hình dung.

Không ít lần tôi cảm nhận giọng nói của cô như có phần xúc động, tôi hiểu là cô thương chúng tôi nhiều vì cô đã tìm đủ mọi cách để chia sẻ với chúng tôi bất kể chuyện học hành hay những tâm sự đời thường. Cô dành ra rất nhiều thời gian và tâm huyết ngồi bên chiếc máy vi tính để mày mò vẽ từng hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa, khó cái là cô nhìn từ hình xuôi và vẽ ngược lại, rồi sau đó dùng một cây kim đâm vào nét vẽ để tạo thành hình nổi xuôi chiều cho chúng tôi có thể dễ dàng “quan sát” bằng tay.

Tôi rất hứng thú với mỗi bài học song nhiều lúc không tránh khỏi hoang mang không biết rồi đây khi học hết phổ thông rồi biết đâu cả đại học nữa thì sẽ làm gì? Người khiếm thị chúng tôi biết kiếm đâu ra cơ hội việc làm để có thể nuôi sống bản thân và thật sự hòa nhập với cộng đồng?

Như hiểu được tâm tư của học trò, một hôm trong lúc đang giảng bài cô bỗng nhiên nói với cả lớp: “Dù là ai cũng có quyền được học, học không hẳn là để làm điều gì to tát mà trước hết là chúng ta cùng nhau trao đổi thông tin, học hỏi kiến thức và chia sẻ với nhau; tiếp đó là có thêm kỹ năng để sống sao cho có ích. Học trò khiếm thị không có nghĩa là không có cơ hội, bởi vậy học còn là để biết nắm bắt cơ hội khi nó đến với mình chứ khi có cơ hội mà chúng ta không có kiến thức để sẵn sàng đón nhận thì sẽ vụt khỏi tầm tay".

Nhờ có câu nói đó mà tâm lý nặng nề của tôi như được giải tỏa và tôi thấy bớt tự ti nhiều. Cô cũng thường tranh thủ giờ giải lao ngắn của mỗi giờ toán để đọc cho chúng tôi nghe những bài báo hoặc những câu chuyện hay và ý nghĩa về mọi mặt cuộc sống, nhất là nếu thấy có tấm gương người khiếm thị vượt khó thì có khi cô đọc lại vài lần, sau đó còn đem ra thảo luận cùng chúng tôi một cách sôi nổi hào hứng.

Tất cả những gì cô đã làm đều thật sự xuất phát từ tấm lòng thương yêu đối với những học trò kém may mắn của cô vì thế đến giờ tôi vẫn khắc ghi những lời cô đã dạy và luôn coi đó là động lực mạnh mẽ để phấn đấu cũng như vượt qua mọi rào cản trong mọi nỗ lực hòa nhập cộng đồng.

Tuy đã ra trường nhiều năm nhưng với tôi mái Trường Nguyễn Văn Tố mãi là nơi gần gũi, thân thiết. Cô giáo dạy toán của chúng tôi ngày nào giờ đã là phó giám đốc của trường và cũng đã có thêm nhiều học trò khiếm thị khác, nhưng cô vẫn nhớ từng đứa trò cũ chúng tôi khiến tôi cảm thấy vừa hân hoan vừa ấm áp mỗi dịp về thăm trường. Năm nào cũng vậy khối học sinh khiếm thị cũng chọn ra ngày chủ nhật gần với ngày 20-11 nhất để tất cả học sinh khiếm thị đang và đã học tại trường kỷ niệm Ngày hiến chương các nhà giáo.

Chúng tôi đã hát tặng tất cả bài hát hay nhất về thầy cô mà dường như cũng không thể hiện hết tình cảm cũng như lòng biết ơn của chúng tôi. Tuy vậy tôi vẫn cảm nhận được niềm vui ẩn chứa trong giọng nói xúc động của cô khi phát biểu: “Với các thầy cô thì được nhìn thấy những thành tựu dù là nhỏ bé của học trò, nhất là những học trò khiếm thị thì đó là món quà lớn nhất, là điều hạnh phúc nhất”.

NGUYỄN THỊ KHÁNH VÂN (Nguồn: www.netbuttrian.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân