08/12/2007 07:04 GMT+7

Lợi nhuận của Vietcombank không hấp dẫn, vì sao?

N.HẰNG
N.HẰNG

TT - Ngày 7-12, Vietcombank đã họp báo về đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 26-12. Những vấn đề về giá khởi điểm, đối tác chiến lược (ĐTCL) nước ngoài... đang dần được sáng tỏ.

V0155Wdh.jpgPhóng to
Sau 45 năm, Vietcombank sắp chuyển thành ngân hàng cổ phần - Ảnh: T.V.N.
TT - Ngày 7-12, Vietcombank đã họp báo về đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 26-12. Những vấn đề về giá khởi điểm, đối tác chiến lược (ĐTCL) nước ngoài... đang dần được sáng tỏ.

Ông Nguyễn Văn Tuân, phó tổng giám đốc Vietcombank, cho biết đã có khoảng 60 tổ chức tài chính, tín dụng hàng đầu thế giới quan tâm trở thành ĐTCL của Vietcombank và những đối tác mà ngân hàng đang chọn đàm phán đều đứng đầu thế giới về kinh nghiệm và uy tín. Số lượng ĐTCL tối đa mà Vietcombank sẽ chọn là hai.

Vì sao chưa chọn được "bạn"?

Giải thích cho việc chưa chọn được ĐTCL, ông Nguyễn Hòa Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Vietcombank, cho biết các bên chưa gặp nhau về giá. "Vietcombank là ngân hàng 100% vốn nhà nước, việc chọn ĐTCL và IPO không phải là vấn đề của riêng Vietcombank mà của cả Chính phủ. Chính phủ có góc nhìn rộng rãi hơn và phải đảm bảo quyền lợi quốc gia". Ông chủ tịch HĐQT từ chối cho biết giá đàm phán các ĐTCL đang chào vì lý do bảo mật thông tin nhưng hi vọng IPO lần này sẽ giúp các ĐTCL tiềm năng của Vietcombank có thêm thời gian để nghiên cứu và tìm hiểu, nhằm đưa ra một mức giá hợp lý hơn để hai bên có thể tiến hành "kết hôn" thành công.

"Số lượng cổ phần IPO của Vietcombank sẽ là 97,5 triệu, trong trường hợp bán không hết Vietcombank sẽ xem xét các phương án theo thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là thay đổi tỉ lệ bán, giảm giá khởi điểm hoặc điều chỉnh vốn điều lệ" - bà Nguyễn Bích Liên, giám đốc Công ty Chứng khoán của Vietcombank (VCBS), cho biết. Theo ông Bình, ít có khả năng xảy ra trường hợp đó, nhưng nếu không đấu giá hết số lượng cổ phiếu chào bán lần này thì phương án đầu tiên sẽ là điều chỉnh vốn điều lệ.

Vì sao khởi điểm10 "chấm"?

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, đã có 62 công ty chứng khoán đăng ký làm đại lý đấu giá cổ phần của Ngân hàng Vietcombank. Từ ngày 7-12, các đại lý đấu giá bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký tham dự đấu giá (hạn cuối là ngày 18-12). Nhà đầu tư sẽ trực tiếp bỏ phiếu tham dự đấu giá vào thùng phiếu tại các đại lý nơi làm thủ tục đăng ký chậm nhất vào 11g ngày 24-12. Thời gian tổ chức đấu giá là 9g ngày 26-12.

Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ tiến hành IPO tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM ngày 26-12. Cổ phiếu Vietcombank có mệnh giá 10.000 đồng, giá khởi điểm 100.000 đồng. Trong tổng số cổ phần được phát hành, Nhà nước chiếm 65-70%, cán bộ công nhân viên 3,5%, nhà đầu tư chiến lược nước ngoài 15-20%, nhà đầu tư chiến lược trong nước 5%, đấu giá cổ phần lần đầu trong nước 6,5%. Trong quí 1-2008 hay chậm nhất là đầu quí 2, Vietcombank sẽ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Lý giải cho việc đưa ra giá khởi điểm như trên, ông Bình cho biết ngoài cơ sở định giá và cung cầu, Vietcombank cũng dựa trên giá IPO của Bảo Việt, Công ty Tài chính dầu khí, Sacombank... Bề dày 45 năm hoạt động, mạng lưới khách hàng và hệ thống, sự tin tưởng của khách hàng và hoạt động kinh doanh hiệu quả cũng là các yếu tố được Vietcombank đưa vào làm cơ sở tính giá.

Thời điểm IPO của Vietcombank cũng gần trùng với ngày chốt danh sách trái phiếu là 25-12. Sau ngày chốt đó, trái chủ phải làm việc với công ty chứng khoán nơi mở tài khoản để nhận giấy báo quyền sở hữu về trái chủ và khi có giá đấu giá bình quân thực tế thì nhà đầu tư sẽ chuyển đổi trái phiếu, bao gồm cả số tiền gốc và lãi chưa trả, thành cổ phiếu qua các hệ thống chi nhánh Vietcombank. Giá chuyển đổi sẽ chính là giá đấu giá bình quân thực tế. "Dùng giá bình quân thực tế làm giá chuyển đổi trái phiếu sẽ đảm bảo quyền lợi hơn cho trái chủ” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Vietcombank, thừa nhận đây là thời điểm chuyển đổi bất lợi vì theo đúng qui định, lãi suất trái phiếu năm nào được tính dứt điểm năm đó. Thời điểm 25-12 cận kề ngày IPO nên "nếu ráng trước một tháng thì được lợi hơn nhưng điều này chúng tôi không tính toán mà ngẫu nhiên vô tình, khiến trái chủ có cảm giác bị thiệt" - ông Thanh nói.

Lợi nhuận giảm,vì sao?

Lợi nhuận sau thuế năm 2007 của Vietcombank dự đoán xấp xỉ 1.853 tỉ đồng, giảm so với kết quả 2.877 tỉ đồng năm ngoái. Ông Bình nói rằng đó là do lợi nhuận ròng về lãi giảm trong điều kiện tốc độ tăng của thu lãi không bằng chi lãi. Lãi suất USD liên tục giảm và biến động thị trường tài chính Mỹ năm nay cũng là nguyên nhân khiến hoạt động đầu tư ngoại tệ của Vietcombank ở nước ngoài giảm theo.

Sự gia tăng không ấn tượng trong chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế và cổ tức chi trả của Vietcombank trong ba năm sau IPO, từ 2008-2010, theo ông Bình, đó là vì Vietcombank "chưa dám đưa những gì chưa đảm bảo cân đo được vào", ý chỉ sự biến đổi đột phá mà ĐTCL có thể đem lại cho Vietcombank.

"Chúng tôi dự kiến ĐTCL sẽ hỗ trợ về hoạt động ngân hàng đầu tư và bán lẻ. Hai lĩnh vực này hứa hẹn yếu tố tăng trưởng lớn nhưng chưa thể cân đo được. Trong kế hoạch, không sớm thì muộn Vietcombank sẽ ghi nhận sự tăng trưởng ngoạn mục hơn" - ông Bình nói.

Sau IPO trong nước, Vietcombank sẽ nhằm vào việc niêm yết trên các sở giao dịch ở nước ngoài như Hong Kong hay Singapore vào năm 2009.

N.HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên