17/12/2004 16:11 GMT+7

Lời cảnh báo các doanh nghiệp: Nợ lương!

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Theo Sài Gòn Giải Phóng

Trong dịp Tết năm trước và trong cả năm nay, gần 2/3 số vụ đình công bắt nguồn từ chuyện nợ lương, không thưởng Tết...

T6xAm8LQ.jpgPhóng to
Công nhân chờ lãnh lương
Trong dịp Tết năm trước và trong cả năm nay, gần 2/3 số vụ đình công bắt nguồn từ chuyện nợ lương, không thưởng Tết...

Nhật ký đình công

Công ty Vàng bạc đá quý T.A là nơi thường xuyên nợ lương đến nỗi NLĐ muốn đòi quyền lợi chỉ còn biết… đình công. Nhiều hộ dân quanh vùng ngao ngán: “Họ làm ăn thế nào mà nợ lương công nhân miết, mấy đứa trẻ cứ than tháng nào cũng bị chậm lương 5 - 10 ngày”.

Không dưới 3 lần, chủ DN cam kết với các cơ quan chức năng quận Gò Vấp sẽ thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ theo đúng pháp luật hiện hành. Nhưng hầu như mọi việc vẫn như cũ: nợ lương, không trả tiền làm thêm giờ, phạt tiền NLĐ tùy tiện (đi trễ phạt 20.000 đồng, nghỉ không phép phạt 60.000 đồng, mất thẻ xe cũng phạt 10.000 đồng!).

Trong cuốn sổ nhật ký đình công, chúng tôi thống kê trên 80% số vụ đình công liên quan đến lương, thưởng- không chỉ rộ lên vào dịp giáp Tết mà lai rai suốt năm qua. Các công ty Thái Thuận (KCX Linh Trung), Thảo Tú (quận Tân Phú) không thông báo tiền thưởng năm 2003; Công ty Il- Shin Cap VN, Công ty Kwang Nam, Cơ sở Vinh Cường không công khai tiền lương, thưởng Tết hay lịch nghỉ Tết; Công ty Wei Hua, Karos, Phát Kim, Thiên An, Tohu Bohu, Style-Lab VN, H.P khất lương, chậm trả lương… đã từng phải hứng chịu áp lực đình công.

“Vắt chanh bỏ vỏ”

Tính từ năm 1995 đến nay, cả nước xảy ra trên 700 vụ đình công, những năm gần đây số vụ đình công đang có xu hướng gia tăng.

Pháp luật quy định tiền lương do NLĐ và chủ DN thỏa thuận trong hợp đồng lao động và được trả theo năng suất, chất lượng và hiệu quả công việc. Tuy nhiên, nhiều chủ DN vẫn còn quan niệm thay máu lao động một cách lạnh lùng theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” vì cho rằng NLĐ cần việc làm chứ chưa nghĩ rằng đôi bên phải gắn bó lâu dài cùng tiến.

Họ phớt lờ việc xây dựng hệ thống thang, bảng lương, quy chế trả lương, viện dẫn lý do này nọ để nợ lương, chậm trả lương, không công khai đơn giá tiền lương, không tổ chức nâng lương, nâng bậc, không trả thưởng, không trả lương ngừng việc, thay đổi hình thức trả lương không đúng quy định, xây dựng định mức lao động bất hợp lý. Thậm chí, Công ty P.P không thực hiện lời hứa nâng lương 2 năm/lần, không trả phụ cấp làm đêm, cúp phạt tiền lương thay cho hình thức kỷ luật lao động, còn Công ty Th.B không trả phụ cấp tiền lương làm ban đêm...

Không thể chấp nhận chuyện nợ lương

Không ít lần, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận bức xúc: “Tiền lương và những khoản tiền thưởng là nguồn thu nhập duy nhất của NLĐ sau khi đã vắt kiệt sức phục vụ sự phát triển của DN. Do vậy, chuyện nợ lương là điều không thể chấp nhận, cần được ngăn chặn triệt để vì nó có ý nghĩa về mặt pháp lý và đạo lý, thể hiện sự nhân bản và bản chất chế độ XHCN”.

LS Trương Thị Hòa nhận định: Khi nào pháp luật liên quan đến việc trả lương và trả thưởng chưa đi vào cuộc sống, khi mức chế tài đối với chủ DN vi phạm về trả lương- thưởng còn quá nhẹ, thì khó lòng đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ.

Trưởng phòng Lao động- Tiền lương- Tiền công Nguyễn Hoàng Kháng (Sở LĐ-TBXH TPHCM) nhấn mạnh các yêu cầu: chủ DN xây dựng hoàn chỉnh nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể và công khai quy chế trả lương, thưởng, có định mức lao động hợp lý theo nguyên tắc phân phối gắn với kết quả lao động. Việc thỏa thuận mức lương cần được sự góp ý của công đoàn cơ sở theo cơ chế dân chủ. Cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn và thanh tra lao động trong việc đôn đốc, giám sát thực hiện việc trả lương, thưởng cho NLĐ và nâng cao hiệu quả tuyên truyền pháp luật để NLĐ biết bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước.

Cùng với việc phấn đấu hoàn thành kế hoạch sản xuất năm, nhiều DN đang tính toán lời lỗ để tìm khoản thưởng cho NLĐ - nhất là khi Tổng cục Thuế đã cho phép tính tiền lương tháng 13 vào chi phí. Kinh nghiệm cho thấy món tiền thưởng đối với NLĐ có giá trị tinh thần lớn hơn vật chất vì họ ăn Tết vui vẻ thì sẽ làm việc hưng phấn hơn vào đầu năm mới.

Đầu tháng 11 vừa qua, Sở LĐTB-XH đã ra công văn yêu cầu các DN xây dựng quy chế trả lương, thưởng Tết cho người lao động. LĐLĐ TP cũng chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường giám sát việc trả lương, thưởng. Thực tế, với số lượng 5 thanh tra viên lao động của Sở LĐ-TBXH, việc giám sát, kiểm tra hàng ngàn DN đã quá tải nên họ chủ trương “phòng cháy là chính” dù trong năm nay đã phạt khoảng 50 DN trên 330 triệu đồng.

Hy vọng những động thái kiên quyết cuối năm của cơ quan quản lý lao động sẽ hạn chế tình trạng nợ lương, giúp NLĐ nhập cư kịp mua được vé tàu xe về quê.

Theo Sài Gòn Giải Phóng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên