Ê kíp lọc máu cho bệnh nhi -Ảnh: T.LŨY
Trước đó, bệnh nhi Nguyễn Trương Duy A. (16 tháng tuổi, ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) nhập viện cấp cứu tại khoa hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ trong tình trạng sốt 40oC, thở mệt, có vài nốt hồng ban ở lòng bàn chân.
Bác sĩ khám thấy bệnh nhi thở nhanh, khò khè, nhịp tim rất nhanh (190 lần/phút).
Chẩn đoán đây là trường hợp bệnh tay chân miệng nặng có biến chứng hô hấp, tuần hoàn, thần kinh..., ngay lập tức bé được đặt nội khí quản thở máy, truyền thuốc chống sốc, an thần và nuôi ăn qua ống thông dạ dày...
Tuy nhiên, bệnh vẫn diễn tiến theo hướng phức tạp, không đáp ứng thuốc hạ sốt, vẫn sốt cao 40 - 410C, trụy tim, huyết áp tụt dần, sonde dạ dày ra máu tươi.
Kết quả hội chẩn bệnh viện cho thấy tình trạng nguy kịch, nguy cơ tử vong khi chuyển viện rất cao, nên các bác sĩ quyết định hội chẩn tại chỗ với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, quyết định chỉ có lọc máu liên tục mới có thể giành lại sự sống cho bé.
Sau 1 chu kỳ lọc, bệnh nhi đáp ứng tốt với điều trị, giảm sốt hẳn, nhịp tim trở về bình thường... Kết quả sau 12 ngày điều trị, bé hồi phục hoàn toàn, xuất viện trong niềm vui của cha mẹ và tập thể y bác sĩ.
Bác sĩ Trần Văn Dễ - giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ - nói: Đây là trường hợp thứ hai bệnh viện lọc máu thành công cho bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng nặng, nhờ sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM.
Phương pháp lọc máu liên tục là một trong những kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, được chỉ định cho những bệnh nhân có tổn thương đa cơ quan trong bệnh lý tay chân miệng nặng, suy thận cấp do ong đốt, viêm tụy cấp, sốc nhiễm trùng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận