03/05/2007 02:47 GMT+7

Loạn thu phí và lệ phí ở nông thôn - Bài 2: Chạy trời không khỏi nắng!

V.TRƯỜNG - Đ.VỊNH - NG.DIỆN - Đ.NAM
V.TRƯỜNG - Đ.VỊNH - NG.DIỆN - Đ.NAM

TT - Không nộp tiền thì không được chứng giấy, bị chặn bắt, làm khó dễ khiến tuyệt kế sinh nhai... Có người phải bán đất đóng thuế cho xã. Đau lòng hơn, gả bán được con mới có đồng tiền trả nợ chính quyền...

4hierRfl.jpgPhóng to
Một điểm thu phí dã chiến ở An Giang - Ảnh: Đ.Vịnh
TT - Không nộp tiền thì không được chứng giấy, bị chặn bắt, làm khó dễ khiến tuyệt kế sinh nhai... Có người phải bán đất đóng thuế cho xã. Đau lòng hơn, gả bán được con mới có đồng tiền trả nợ chính quyền...

Bài 1: Các khoản thu ngập đầu!

Biện pháp... cấm vận

Trong giấy báo yêu cầu nộp tiền, nhiều xã ở huyện Phú Tân (An Giang) ghi kèm câu đe dọa “nếu không chấp hành sẽ bị xử phạt theo pháp luật”. Và tại xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới (An Giang) có lần cán bộ cấp xã đã xử theo “luật” của họ thật: đoàn đi thu phí đê bao của xã thu không được bèn lao vào nhà xúc lúa của dân rồi xảy ra chuyện giành giật, xô xát khiến một phụ nữ có thai bị té ngã phải đi cấp cứu. Nhưng đó cũng là chuyện cá biệt, còn thường vẫn là “mời lên mời xuống”. Mời hoài mà chưa hiệu quả thì xã, ấp tổ chức đoàn đến từng nhà... thu gom.

Nhưng cách hiệu quả nhất mà hầu như chính quyền xã mọi nơi đang áp dụng là biện pháp... “cấm vận”: không ký xác nhận vào bất kỳ giấy tờ nào mà người dân cần khi họ còn thiếu thứ quĩ, phí nào. “Muốn ký giấy tờ gì phải nộp đủ phí”, đó là luật bất thành văn gần như ở nhiều địa phương! Thường trước khi ký xác nhận cho ai, xã cho rà soát xem gia đình đương sự đã đóng đủ các khoản chưa. Cảnh khổ này nhan nhản khắp nơi.

Ngoài ra lực lượng xã ấp còn lập chốt chặn, tuần tra xét giấy nộp phí GTNT đối với các phương tiện. Trên những tuyến đường nông thôn chật hẹp ở Thoại Sơn, Phú Tân thỉnh thoảng xảy ra cảnh rượt truy đuổi bắt xe gắn máy khiến người dân bức xúc.

Đầu tiên là ấp, xã không xác nhận những giấy tờ liên quan đến đất đai, thậm chí giấy đỏ cũng bị giam lại, chỉ khi nào dân đóng đủ tiền mới giao. “Tôi thiếu phí làm điện chiếu sáng, phí giao thông nông thôn 470.000 đồng. Phải vay nóng nộp đủ mới nhận được cái giấy đất” - anh Lê Văn Bỉnh, tổ 21, Trung Bình 2, Vĩnh Trạch, kể khổ. Làm giấy ủy quyền, làm hồ sơ đi xin việc, thi đại học, thi bằng lái, đi học đại học, trường nghề..., tất tất đều thế.

Người nghèo thất nghiệp lên thành phố, các khu công nghiệp kiếm việc làm khi xin giấy tạm vắng địa phương cũng không cho.

Tại Núi Sập (An Giang), đất đai cằn cỗi, từ khi cấm khai thác đá tại đây hàng trăm người bỏ đi nơi khác làm thuê. “Mỗi lần về quê lại bị mời lên mời xuống bắt nộp các khoản phí riết bà con không dám về” - ông Lâm Ngọc Trân, ấp Đông Sơn 1, nói. Tại bãi đá dưới chân núi Bà Đội, nơi có cả trăm hộ dân ra đi từ Núi Sập xúm xít với những túp lều lụp xụp, rách nát được gọi là xóm... “nhiều không”: không giấy tạm vắng tạm trú, con sinh ra không có giấy khai sinh và nhiều gia đình không có hộ khẩu...

Đóng đủ mới ký giấy

Trong số những lệ phí mà người nông dân ở Quảng Nam, Đà Nẵng hiện phải đóng góp, nặng nhất có lẽ vẫn là phí giao thông nông thôn. Tùy theo từng địa phương mà loại phí này cũng được tính toán hết sức linh hoạt. Ông Tân, trưởng thôn An Tân (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), cho biết: “Ở đây phí giao thông nông thôn được tính theo diện tích ruộng. Cứ một sào ruộng qui ra 10kg thóc, tương đương 15.000 đồng. Nhà tôi làm 4 sào thì lệ phí giao thông là 60.000 đồng/năm. Đất nhiều thì đóng nhiều.” Cộng tất thảy các khoản phí, lệ phí khác, năm 2007 hộ ông Tân phải đóng cho xã 106.000 đồng. Số tiền đó, theo ông Tân, dùng để trang trải cho việc sửa chữa và làm đường mới liên thôn. Nhưng không phải năm nào người ta cũng làm đường, ngược lại tiền lúc nào cũng thu đủ.

Tại nhiều xã của huyện Hòa Vang và Đại Lộc (Quảng Nam), người ta lại thu phí giao thông dựa trên số đầu xe gắn máy hiện có của mỗi gia đình. Cứ một xe gắn máy mỗi năm nộp 30.000 đồng. “Như nhà tôi cứ mỗi năm đóng hết 60.000 đồng cho cả hai xe. Vừa rồi giấy gửi về thông báo số tiền phải đóng trong năm 2006 lên đến 330.000 đồng. Hôm rồi lên xã xin ký giấy cho đứa con đi học nhưng không được chấp thuận vì cán bộ xã phát hiện chưa hoàn thành nghĩa vụ. Tôi phải chạy về bán tháo số lúa còn lại mới ký được giấy. Kiểu gì thì trong năm cũng phải lên xã một đôi lần: lúc thì ký, chứng giấy tờ vay vốn, lúc thì làm đơn xin tạm vắng cho con cái đi làm ăn xa... Vậy nên phải đóng đủ tiền mới chứng giấy” - ông Huỳnh Vinh, thôn Đông Phú, xã Đại Hiệp (Đại Lộc, Quảng Nam), tâm sự.

Việc cấm vận này đã nảy sinh tiêu cực. Không thể nào làm được các loại giấy tờ , không xin được con mộc, chữ ký của ấp, xã, người dân phải nhờ qua trung gian, từ đó cũng hình thành “cò” ký các loại giấy tờ. “Mỗi lần cần chúng tôi bỏ ít tiền nhờ người ta làm giùm” - họ nói trong cam chịu.

Phí xe ôm bằng... ôtô 1 ghế (!)

Anh Tăng Văn Thắng, chạy xe ôm ở xã Đại Hải, huyện Kế Sách (Sóc Trăng), phân trần: “Nghề xe ôm nghèo rớt mồng tơi nhưng ấp cũng bắt đóng 150.000 đồng tiền... thuế xe ôm và 50.000 đồng tiền đền ơn đáp nghĩa.”. Cầm hai tờ biên lai trong tay, anh Thắng cho biết với số tiền ấy gia đình anh có thể mua gạo sống đến ba tháng, nhưng nếu không đóng thì sẽ không được chở khách đi đâu bởi bị cán bộ ấp, xã làm khó dễ.

Nếu như ở các huyện khác, phí xe ôm chỉ có một vài xã áp dụng thì ở huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) có trên 400 người chạy xe ôm phải đóng 20.000 đồng/tháng. Anh T.V.N., một lái xe ôm ở xã Vĩnh Lợi, huyện Thạnh Trị, cho biết: “Ruộng đất ở nhà quá ít nên tụi tôi mới đi chạy xe ôm kiếm chút rau cháo sống qua ngày nhưng cũng phải đóng tiền phí bến bãi và phí... đoàn viên xe ôm. Nếu không đóng khi đưa khách ra đến huyện sẽ bị lực lượng pháp chế (thanh tra giao thông - PV) giữ xe lại”.

Để thu được phí bến bãi xe ôm, UBND huyện Thạnh Trị đã cho phép Ban điều hành giao thông áp dụng theo mức thu phí bến bãi đối với ôtô vận tải hành khách do UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành năm 1999. Theo quyết định 136 của UBND tỉnh Sóc Trăng, đối với xe khách chạy tuyến đường dưới 50km thu 500 đồng/ghế/ngày nên huyện Thạnh Trị đã áp dụng mức thu này đối với... xe ôm. Theo lý giải của ông Võ Văn Hùng, chủ tịch nghiệp đoàn vận tải huyện Thạnh Trị, xe máy chính là... xe khách một ghế (!).

Không thể khổ hơn!

Chị Huỳnh Thị Nga nhà ở cặp mé sông thuộc ấp Ba Rinh, xã Đại Hải, nói như khóc: “Tôi chỉ kê hai chiếc bàn bán trà đá cho mấy chú xe ôm ngồi tránh nắng buổi trưa nhưng trong thông báo nộp thuế do UBND xã gửi, mục thuế môn bài ghi đến 300.000 đồng/năm”.

Có 4,7 công đất, không đủ sống, cả nhà phải đi làm mướn, mò cua bắt cá kiếm gạo đắp đổi qua ngày, vậy mà từ năm 2000-2004 hộ ông Phan Văn Thành, tổ 6, ấp Trung Bình 2, Vĩnh Trạch, Thoại Sơn, An Giang, phải đóng ít nhất từ 2 triệu đồng/năm. Năm 2003, tổng cộng gia đình ông phải nộp 4.538.000 đồng; năm 2004 là 2.156.000 đồng... Ngồi lật từng xấp biên lai, ông ngậm ngùi: “Năm trước đóng chưa xong, còn nợ thì lại tới các khoản phí năm mới. Cứ chất chồng, triền miên. Bao năm vẫn không sửa nổi căn nhà lá rệu rã!”. Mỗi đợt đóng tiền như thế gia đình ông lại đi vay nóng, để rồi lâm nợ riết đành phải bán đất. Đã bán bớt đất trả nợ, năm 2006 hộ ông Trần Văn Thanh vẫn còn nợ các khoản thu của xã hơn 3 triệu đồng. “Tôi bị bệnh tai biến ngồi một chỗ thế này, vợ làm mướn, không biết bao giờ mới trả dứt!”. Khá nhiều hộ phải bán bớt đất để trả nợ và để... giảm khoản phí nộp hằng năm, nhưng rồi vẫn còn nợ như ông Thành! Có hộ bán đất rồi bán nhà trôi dạt tha phương. Có hộ đến khi gả bán con cho người Đài Loan mới hết nợ...

Một kiểu thu tùy tiện

Đó là khoản thu trên 2 triệu đồng đối với giấy chứng nhận “đủ điều kiện an toàn hàng hải” do Cảng vụ Mỹ Tho (thuộc Cục Hàng hải VN) cấp cho những hộ dân có nhu cầu nuôi cá bè để bổ sung thủ tục hành chính xin nuôi cá bè. Trong khi đó, cũng ở Tiền Giang, có hai đơn vị khác là Sở GTVT và Đoạn quản lý đường sông số 11 cũng cấp giấy chứng nhận như vậy cho dân nhưng lại không thu tiền (chỉ thu khoản chi phí hành chính theo qui định).

Theo Chi cục Quản lý nguồn lợi - chất lượng và thú y thủy sản Tiền Giang, để được thả bè trong những vùng nước được UBND tỉnh qui hoạch, người dân phải chuẩn bị các loại hồ sơ như: phương án đầu tư nuôi cá bè, xác nhận của chính quyền địa phương vào đơn xin neo đậu bè, xin giấy chứng nhận an toàn hàng hải (hoặc chứng nhận an toàn giao thông đường thủy), sơ yếu lý lịch, hồ sơ kỹ thuật bè cá… Sau khi có đủ hồ sơ, Chi cục Quản lý nguồn lợi - chất lượng và thú y thủy sản sẽ cấp phép có thu lệ phí từ 150.000-200.000 đồng/bè. Cơ quan này xác nhận họ không thu loại phí này bởi vì “đây không phải là giấy phép mà chỉ là thủ tục hành chính bổ sung cho hồ sơ xin phép thả bè”.

Tuy nhiên tất cả những hộ nuôi cá bè ở hai cù lao Thới Sơn và Tân Long thuộc vùng do Cảng vụ Mỹ Tho quản lý phải đóng lệ phí hơn 2 triệu đồng/bè. Sau khi nộp đơn tại Cảng vụ Mỹ Tho, người dân sẽ nhận được giấy báo thu phí (mức thu của mỗi hộ khác nhau). Chẳng hạn giấy báo thu phí mà Cảng vụ Mỹ Tho tống đạt cho hộ K.Ng. ở TP Mỹ Tho ghi rõ: chi phí cấp giấy chứng nhận 200.000 đồng; chi phí khảo sát bằng canô 300.000 đồng; định vị, đo độ sâu 200.000 đồng; làm việc ngoài giờ (vẽ bình đồ) 450.000 đồng; chi phí kiểm tra 12 lần/năm 1.140.000 đồng. Tổng cộng: 2.290.000 đồng. Sau khi nộp phí người dân sẽ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn hàng hải. Giấy chứng nhận có giá trị trong vòng một năm. Hết hạn, phải xin gia hạn và tiếp tục nộp phí khoảng 100.000 đồng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Minh Trí, phó giám đốc Cảng vụ Mỹ Tho, nói rằng Cục Hàng hải VN không cấp kinh phí cho cảng vụ thực hiện công việc này, nên phải thu tiền để trang trải các chi phí cấp giấy chứng nhận. “Đây là phí dịch vụ của Cảng vụ Mỹ Tho thực hiện theo hợp đồng với người dân. Anh em đi khảo sát, vẽ bình đồ toàn làm việc ngoài giờ. Canô đi khảo sát một giờ hết 25 lít xăng, chi phí giấy tờ hồ sơ, kiểm tra định kỳ xem người dân có neo đậu bè đúng tọa độ cho phép hay không... đều phải cần tiền. Chúng tôi thu phí của người nuôi cá bè đều căn cứ vào chi phí thực tế. Sau khi trừ các chi phí, chúng tôi cũng phải nộp thuế. Trước đây một phần chi phí này được trích cho quĩ công đoàn (!) nhưng hiện nay Cục Hàng hải VN yêu cầu nộp vô khoản thu khác” - ông Trí phân bua.

V.TRƯỜNG - Đ.VỊNH - NG.DIỆN - Đ.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên