Hệ thống xét nghiệm virus corona của Quảng Bình vừa mua - Ảnh: QUỐC NAM
Dư luận cho rằng Bộ Công an cần vào cuộc điều tra làm rõ "miếng bánh" máy xét nghiệm đã rơi vào tay những ai, có hay không sự móc ngoặc nâng khống giá?
Trúng thầu, "thổi giá"
Trong vụ việc tại CDC Hà Nội, kết quả điều tra ban đầu xác định hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu giá 2,3 tỉ đồng, sau khi phân phối mua bán lòng vòng thì giá được "thổi" lên 7 tỉ đồng. Cùng với lãnh đạo, nhân viên của CDC Hà Nội, một nhân viên của Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông (đơn vị cung cấp máy xét nghiệm) cũng bị khởi tố.
Theo tìm hiểu, trong đợt dịch COVID-19, Công ty Phương Đông trúng nhiều gói thầu cung cấp máy xét nghiệm cho một số địa phương khác chứ không chỉ riêng Hà Nội. Cụ thể, từ đầu năm, công ty này bắt đầu lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phổi trung ương, CDC Quảng Ninh, Bắc Giang... Đây cũng chính là đơn vị cho Hải Phòng "mượn" máy Realtime PCR.
Không chỉ cung cấp máy xét nghiệm, Công ty Phương Đông còn trúng thầu cung cấp vật tư, hóa chất, sinh phẩm phục vụ chống dịch Covid-19. Theo hồ sơ từ hệ thống đấu thầu quốc gia, ngày 23-3, Công ty Phương Đông trúng gói thầu số 3: "Mua sắm máy chụp X-quang di động kỹ thuật số" của Sở Y tế Hải Phòng, giá trị 14 tỉ đồng.
Tại Bệnh viện Đa khoa Hải Dương, Công ty Phương Đông cũng trúng gói "Cung ứng vật tư thận nhân tạo phục vụ công tác chuyên môn" gần 1 tỉ đồng, và gói "Mua lô vật tư tiêu hao phục vụ công tác chuyên môn" hơn 600 triệu đồng. Trong khoảng thời gian ngắn, công ty này thậm chí đã tham gia 123 gói thầu và trúng 115 gói.
Cùng với Phương Đông, Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) cũng trúng gói thầu "Mua vật tư, hóa chất, sinh phẩm cho công tác xét nghiệm labo tỉnh phục vụ phòng dịch COVID-19 của CDC Lào Cai" với giá hơn 1 tỉ đồng.
Tại Ninh Bình, Công ty Tâm Việt cung cấp hệ thống xét nghiệm Realtime PCR với mức giá trúng khoảng 7,8 tỉ đồng. Công ty này đã từng liên danh với 20 nhà thầu trong 17 gói thầu và thắng thầu cả 17 gói. Tại Thái Bình, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ kỹ thuật Tài Lộc (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) cũng trúng thầu cung cấp máy xét nghiệm với giá gần 6 tỉ đồng...
"Mượn" thiết bị: quá nhiều nghi vấn
Có rất nhiều đơn vị cho biết đã mượn thiết bị sử dụng trong mùa dịch này. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bệnh viện Phổi trung ương, Bệnh viện Nhi trung ương, TP Hải Phòng, tỉnh Lào Cai, tỉnh Bắc Giang... cho biết họ đang mượn từ một đến vài thiết bị trong hệ thống xét nghiệm Realtime PCR. Vì sao các đơn vị cung cấp lại cho mượn thiết bị, thậm chí có nơi cho một địa phương mượn đến 6 máy xét nghiệm?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng từng có văn bản cho biết quy định hiện hành doanh nghiệp chưa được trang bị đủ thiết bị, máy móc có thể thuê tài sản, cụ thể ở đây là thuê thiết bị xét nghiệm. Tuy nhiên phía bảo hiểm yêu cầu bệnh viện phải đấu thầu test kit, hóa chất, sinh phẩm sử dụng trên thiết bị thuê/mượn này mới được bảo hiểm thanh toán chi phí.
Các đơn vị thuê, mượn thiết bị cũng phải rà soát thiết bị được đặt, tránh sử dụng hóa chất, sinh phẩm không rõ nguồn gốc, đồng thời trong hợp đồng cũng phải tránh cam kết độc quyền sử dụng sinh phẩm.
Quy định này của bảo hiểm cho thấy không phải "vô tư" mà mượn được thiết bị. Việc có đến 112 phòng xét nghiệm có thể xét nghiệm được virus corona trong đại dịch này (tính đến nay, với năng lực xét nghiệm 27.000 mẫu/ngày) đã giúp sớm phát hiện ca bệnh COVID-19 mới, cũng cho thấy những mặt trái xung quanh vấn đề thiết bị xét nghiệm.
Bộ Y tế đang rà soát các hợp đồng mua thiết bị xét nghiệm, đặc biệt những hợp đồng trong hai năm qua. Rất có thể sẽ còn những bất thường về giá được phát hiện sau cuộc rà soát này.
Luật sư Trương Anh Tú cho rằng hình thức lập hợp đồng phụ để "mượn" máy móc của doanh nghiệp dưới góc độ pháp luật dân sự việc thỏa thuận là hoàn toàn tự nguyện giữa các bên mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều khả năng loại hợp đồng đó về bản chất không phải là hợp đồng dân sự thuần túy mà có khả năng đó chính là hợp đồng giả cách để che đậy. Cơ quan cảnh sát điều tra cũng cần vào cuộc làm rõ, nếu có sai phạm cũng phải xử lý nghiêm khắc.
Bộ Công an chỉ đạo rà soát các địa phương khác
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 28-4, đại diện Bộ Công an cho biết ngay từ khi C03 vào cuộc vụ "thổi giá" máy xét nghiệm COVID-19 tại Hà Nội, lãnh đạo bộ đã chỉ đạo rà soát các địa phương khác. Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và UBND các tỉnh thanh tra việc thực hiện các gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, thuốc chữa bệnh… phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo đại diện Bộ Công an, quá trình thanh tra nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm tại các địa phương thì C03 "sẽ vào cuộc ngay". "Trong quá trình thanh tra có thông tin về móc ngoặc nâng giá, đủ tài liệu căn cứ, công an cũng sẽ khởi tố. Nếu công an có tài liệu riêng biệt cũng sẽ làm ngay, giống như Hà Nội khi có thông tin tố giác tội phạm thì công an đã chủ động điều tra" - đại diện Bộ Công an nhấn mạnh.
Tại Quảng Ninh, ngày 15-3, C03 đã làm việc với Sở Y tế liên quan đến việc mua máy xét nghiệm. Trước đó, Sở Y tế tỉnh này đã ký hợp đồng với liên danh nhà thầu Công ty CP đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt - Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao mua thiết bị Realtime PCR giá 8,4 tỉ đồng. Sở Y tế Quảng Ninh đã trình UBND tỉnh phê duyệt, nhưng sau cuộc làm việc với C03, sở này đã ký phụ lục hợp đồng, giảm xuống còn 7 tỉ đồng. Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng cho bên trúng thầu, nhưng hôm 21-4 bên trúng thầu đã hoàn lại 4,2 tỉ này.
15 đơn vị đã mua máy xét nghiệm
Ngày 28-4 là thời hạn chót được Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị báo cáo việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR từ 1-3-2018 đến 29-2-2020. Bước đầu cho thấy có 15 tỉnh thành, bệnh viện hoặc viện trực thuộc Bộ Y tế đã mua sắm thiết bị này, trong đó có một số đơn vị đã mua trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Ngoài ra, có nhiều tỉnh thành cho biết đã mượn thiết bị xét nghiệm. Riêng CDC Hà Nội vừa mua vừa mượn thiết bị.
Một số tỉnh thành như Thái Bình, Hà Nội, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam... mua toàn bộ hệ thống, với giá phổ biến từ 5,9-8,4 tỉ đồng trước khi đàm phán giá lại.
"Xóa cờ đánh lại" có thoát tội?
Ngoài CDC Hà Nội, còn đơn vị nào mua máy xét nghiệm COVID-19 giá “trên trời” nữa? Đó là câu hỏi cơ quan chức năng cần làm rõ - Ảnh: NAM TRẦN
Sau khi giám đốc CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cùng đồng phạm bị bắt bỗng xuất hiện "động thái lạ" từ nhiều địa phương, khi đồng loạt "đàm phán" với các nhà cung cấp để giảm giá mua máy xét nghiệm.
Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), đây không phải là lần đầu tiên phương pháp "xóa cờ đánh lại" được áp dụng trong thực hiện các hợp đồng kinh tế. Trước đó, vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, các bị can đã hợp đồng mua bán hơn 8.445 tỉ đồng, gây thất thoát số tiền rất lớn của Nhà nước. Sau khi cơ quan chức năng vào cuộc, hai bên có biên bản thống nhất hủy hợp đồng và AVG đã chuyển trả cho MobiFone số tiền hơn 8.774 tỉ đồng.
"Vụ MobiFone đã thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước. Tuy nhiên qua đó cho thấy không phải cứ "xóa cờ đánh lại" là thoát được tội. Bởi thực tế, tội phạm đã hoàn thành từ lúc có hành vi sai trái xảy ra" - luật sư Tú phân tích.
Luật sư Tú đặt vấn đề phải chăng việc bắt giám đốc CDC Hà Nội đã khiến nhiều người ở các tỉnh, thành khác bất an phải "đàm phán" lại để hạ giá? "Tại sao họ phải làm như vậy? Rõ ràng chúng ta có quyền đặt ra nghi ngờ, phải chăng trước đây các hoạt động mua bán, tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu không phù hợp với quy định pháp luật?".
Ông Tú phân tích thêm ngay cả việc hợp đồng ký rồi nhưng chưa chuyển tiền, tuy khó xác định hành vi phạm tội hơn nhưng không phải là không thể. Cơ quan điều tra sẽ rà soát lại toàn bộ hoạt động đấu thầu, nếu có sai phạm, có hành vi trục lợi bất chính thì tùy từng trường hợp sẽ có phương án xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, cơ bản trong số các thiết bị đã được mua, các tỉnh thành mua hệ thống xét nghiệm từ Công ty Phương Đông giá có cao hơn. Cho đến nay ngoại trừ Hà Nội thì Quảng Ninh và Thái Bình đã đàm phán giảm giá xong. Ninh Bình đã lắp đặt thiết bị, đã sử dụng nhưng chưa thanh toán tiền cho bên trúng thầu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận