Chim Chuông trắng (White bellbird - thuộc họ Cotingidae) gây ấn tượng đặc biệt nhờ vẻ ngoài khá kỳ lạ, với bộ lông trắng muốt từ đầu đến chân nổi bật giữa màu xanh ngút ngàn của rừng rậm Amazon và chiếc "chuông" kỳ quái mọc trên đầu, buông dài lủng lẳng ngay mép mỏ.
Loài chim nhỏ bé sống chủ yếu ở phía bắc rừng Amazon này vừa xác lập kỷ lục là loài có tiếng mời gọi bạn tình lớn nhất thế giới: 124,5dB (Decibel - đơn vị đo cường độ âm thanh).
Theo các nhà nghiên cứu, âm thanh này còn lớn hơn cả khi một chiếc máy bay cất cánh (120dB), mặc dù mỗi con Chuông trắng đực trưởng thành chỉ nặng 1/4kg.
Nhóm các nhà nghiên cứu dành nhiều năm quan sát loài chim này và nhận thấy rằng, trong khi các loài chim khác thu hút chim mái bằng cách tự xây tổ, nhảy nhót chuyền cành, khoe vũ điệu trong bộ lông sặc sỡ, thì chim Chuông trắng lại chỉ... đậu yên trên ngọn cây cao nhất có tổ của mình để cất tiếng kêu!
Và mỗi mùa giao phối đến, cánh rừng Amazon lại trở nên ồn ào bởi âm thanh cất tiếng gọi bạn tình vô cùng ‘điếc tai nhức óc’ của chúng.
Những con chim Chuông trắng mái bị âm thanh này thu hút sẽ bay đến bên cạnh con đực để kết đôi, sau đó bay về tổ của mình để đẻ trứng.
Có lẽ do tập tính tự nhiên ấy mà loài Chuông trắng có tiếng kêu lớn nhất, vang xa nhất để mời gọi sự chú ý của bạn tình.
Cách tỏ tình của Chuông trắng cũng khá đặc biệt: giai điệu khi "mời gọi" khác với khi đã "gặp gỡ", và âm thanh của "bản nhạc tình yêu" trở nên to và vang nhất khi chim mái đậu sát chim đực và chuẩn bị màn giao phối. Điều này trái ngược với hầu hết loài chim khác, tiếng hót chỉ vang xa khi chưa đến gần con mái.
Giáo sư Jeff Podos, một chuyên gia về hành vi của động vật có xương sống tại Đại học Massachusetts (Hoa Kỳ), nhận định: "Cách thức "tỏ tình" của chim Chuông trắng đực như thể muốn khiến con mái giật mình và ấn tượng hơn".
Chim muông có những cách thức tán tỉnh phức tạp, nhưng không có loài nào khác trên hành tinh được cho là có tiếng kêu lớn như vậy trước mặt con mái. Âm thanh lớn ở khoảng cách gần khiến con chim mái có thể ảnh hưởng thính giác.
Tuy nhiên chính bởi âm thanh quá to, nhanh hết không khí trong phổi nên chúng không kéo dài thời gian một lần hót. "Bản nhạc tình" gần như âm thanh hai nhịp của một chiếc còi hơi.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn đang quan sát loài chim này để hiểu cách giúp chúng phát ra âm thanh lớn như thế từ chiếc cổ họng bé xíu. "Cơ bụng dày, mỏ mở rộng và cấu tạo khung xương sườn có thể là yếu tố then chốt cho âm thanh kêu lớn của chúng", giáo sư Jeff Podos nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận