19/03/2013 09:30 GMT+7

Lo với vòng xoáy cá cược

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TT - Việc các trang web cá cược châu Á đưa những trận đấu ở V-League lên đánh cá khiến giới chuyên môn và dư luận không khỏi lo lắng khi cầu thủ VN có thể tham gia cá cược, dàn xếp diễn biến trận đấu theo ý định đặt cược của mình.

E9akcVzv.jpgPhóng to
Trận tranh Siêu cúp quốc gia 2012 bị nghi ngờ giữa XMXTSG và SHB Đà Nẵng - Ảnh: S.H.

Cụ thể, trong hai vòng đầu tiên ở V-League Eximbank 2013, các trang web cá cược châu Á đều chọn những trận đấu đinh của vòng đấu để đưa lên mạng phục vụ dân cá độ.

Rất nhiều cầu thủ chơi cá cược

“Cần có phương án đề phòng”

Về chuyện cầu thủ VN có tham gia cá cược các trận đấu ở V-League hay không, chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết các nhà quản lý bóng đá cần có phương án đề phòng cho dù cá cược bóng đá trong tương lai có được cho phép hay không.

Ông Hỷ nói: “Nếu các trận đấu ở V-League có hiện tượng thì phải điều tra. Nếu công tác điều tra tốt sẽ đề phòng tốt. Xung quanh trận Siêu cúp quốc gia 2012 bị dư luận lên tiếng, C45 đã có hai cuộc làm việc với VFF. Tuy nhiên, đây mới là thông tin một chiều từ người nhắn tin nặc danh nên VFF vẫn phải chờ kết quả điều tra. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải hợp thức hóa việc cá cược để có thể kiểm soát được tình hình. Khi ấy nếu cầu thủ chơi với tài khoản khác, chúng ta sẽ nhờ đến chuyên môn của cơ quan an ninh trong việc phát hiện. Nếu cá cược được hợp thức hóa tại VN, trước mắt chúng ta chỉ nên cho cá cược các giải quốc tế. Còn cá cược các giải trong nước (việc có thể kéo khán giả đến sân) phải chờ thêm một thời gian”.

huyện cầu thủ VN chơi cá cược bóng đá quốc tế là việc diễn ra nhiều năm qua. Thậm chí nó còn nở rộ hơn khi cá cược ngày càng đơn giản với việc lên mạng đăng ký tài khoản và chơi trực tiếp mà chẳng lo bị phát hiện.

Về chuyện này, tiền vệ Tài Em cho biết: “Chuyện cầu thủ cá cược chúng tôi nghe phong thanh và chỉ khi nào thấy ai nợ nhiều thì mới biết. Anh em có hỏi, họ đều nói đánh cho vui, 2-3 triệu đồng”. Giám đốc điều hành CLB Ximăng Xuân Thành Sài Gòn Trần Tiến Đại tiết lộ từng cắt hợp đồng nhiều cầu thủ ở đội dính đến cá độ với lý do không phù hợp chuyên môn mà không nói thẳng ra là do cá độ.

Thực tế, ban đầu cầu thủ VN chỉ cá cược vài triệu đồng/trận ở các giải quốc tế. Nhưng có những cầu thủ khi thua thì chơi lớn hơn để gỡ, rồi dần ngập đầu vào nợ nần dẫn đến sự nghiệp ngày một xuống dốc. Cựu giám đốc điều hành CLB B.Bình Dương Trần Văn Đường khi nói về chuyện cầu thủ VN cá cược chỉ đặt câu hỏi: “Tại sao một trung vệ từng là số 1 VN và kiếm được rất nhiều tiền lại chìm ngập trong nợ nần? Nếu làm ăn thua lỗ thì không nói làm gì. Còn đằng này anh chỉ thi đấu thôi thì số tiền lớn có được đã đi về đâu?”.

Ngay như bầu Trường - người đã rút khỏi vị trí chủ tịch CLB Vissai Ninh Bình nhưng vẫn đứng đằng sau đội bóng này - cũng khẳng định có chuyện cầu thủ VN tham gia cá cược bóng đá quốc tế. Thậm chí bầu Trường còn cho rằng cầu thủ VN tham gia cá cược cả những trận đấu trong nước: “Cầu thủ VN cá cược nhiều lắm, không chỉ các giải quốc tế mà còn ở giải trong nước. Cầu thủ của tôi trước kia cũng chơi cá độ và nợ nần khiến nhiều khi chủ nợ đến tận CLB tìm cầu thủ đòi tiền”.

Ngăn chặn bằng cách nào?

Việc các trận đấu V-League 2013 xuất hiện trở lại ở các trang web cá cược cho thấy giải đã bắt đầu được dân cá độ trong nước và quốc tế chú ý. Điều này đòi hỏi các CLB, Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF), LĐBĐVN (VFF) cần phải quản lý một cách chặt chẽ để hạn chế cầu thủ nhúng chàm. Nhưng quản lý thế nào lại là điều không hề đơn giản như thừa nhận từ chính những người trong cuộc.

Ông chủ một đội bóng lớn cho biết dù trước một mùa giải, ban tổ chức giải lẫn các CLB đều cho cầu thủ ký cam kết không chơi cờ bạc, cá cược bóng đá; nếu phát hiện sẽ cấm thi đấu dài hạn nhưng vẫn không thể nắm được cầu thủ có thực hiện đúng điều đó hay không. Hiện nay cầu thủ có chơi cá cược cũng không thể nào quản lý được khi họ đánh trực tiếp qua mạng. Do đó, nếu cầu thủ VN có cá cược các trận đấu ở V-League cũng bó tay.

3w2eizma.jpgPhóng to
Một trang web mời gọi cá cược các trận đấu ở VN - Ảnh chụp từ Internet

Cũng từ đây, tiền vệ Tài Em chia sẻ: “Chuyện cầu thủ VN có cá cược các trận đấu ở V-League là điều có thể xảy ra. Chẳng hạn khi họ rơi vào cảnh nợ nần do cá cược thua các trận đấu quốc tế, việc xã hội đen kiếm đòi nợ khiến họ buộc phải làm liều. Do đó, tôi hi vọng phương án hợp thức hóa cá cược sắp tới sẽ được Chính phủ đồng ý để loại bỏ việc cầu thủ VN có thể cá cược các trận đấu trong nước và ảnh hưởng đến kết quả trận đấu”.

Nói về chuyện ngăn ngừa cầu thủ VN tham gia cá cược, đặc biệt là cá cược các trận đấu ở V-League, phó chủ tịch VFF và là tổng giám đốc VPF Phạm Ngọc Viễn cũng thừa nhận là rất khó. Mặc dù là người viết đề án phát triển bóng đá VN từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó có đề xuất hợp thức hóa cá cược bóng đá tại VN, nhưng chính ông Viễn cũng nói cầu thủ tự giác là chính, vì VFF hay VPF chỉ có thể cấm bằng văn bản chứ khó quản lý được.

Ông Viễn nói: “Bóng đá VN phát triển nên việc các trang web cá cược châu Á đưa các trận đấu ở V-League vào đánh cá là chuyện bình thường. Vấn đề là chúng ta cần phải tăng cường phòng chống và giáo dục cho cầu thủ. Tôi nghĩ việc hợp thức hóa cá cược tại VN sẽ phần nào đẩy lùi được chuyện cầu thủ tham gia cá cược, bởi khi đó mọi chuyện đều được công khai. Lực lượng an ninh cũng có cơ sở để đưa vào tầm ngắm những tài khoản nghi ngờ hoặc tiến hành điều tra”.

Nhưng không phải ai cũng đồng tình với ý kiến của ông Viễn. Cựu giám đốc điều hành CLB B.Bình Dương Trần Văn Đường cho rằng việc cầu thủ VN tham gia cá cược khi chưa quản lý đã khó, mà giờ còn đề xuất hợp thức hóa chuyện này sẽ càng khó quản lý hơn. Điều này cũng được bầu Trường đồng tình khi nói dù báo chí và dư luận nghi ngờ ở trận tranh Siêu cúp quốc gia VN 2012 vừa qua giữa CLB Ximăng Xuân Thành Sài Gòn và SHB Đà Nẵng nhưng phản ứng của những người có trách nhiệm chỉ là... bắt cóc bỏ đĩa. Ông Trường nói: “Các quan chức VPF, VFF nói sẽ mời công an vào cuộc nhưng rốt cuộc sự việc chẳng đi đến đâu. Nói mà không làm, cầu thủ dính đến tiêu cực (nếu có) sẽ được đà lấn tới”.

Châu Á: hang ổ của dàn xếp tỉ số

Vài năm gần đây, châu Á nổi lên như “hang ổ” của các băng nhóm chuyên dàn xếp tỉ số và có quy mô lớn đến nỗi FIFA đã chọn Malaysia làm nơi nhóm họp cho hơn 200 lãnh đạo của 43 liên đoàn bóng đá quốc gia, vùng lãnh thổ để tìm giải pháp dẹp tệ nạn này.

Cảnh sát châu Âu (Europol) đã phát hiện hơn 680 trận đấu bị dàn xếp, trong đó có các trận đấu vòng loại Euro, World Cup... được điều hành bởi một tổ chức xuyên quốc gia đóng tại Singapore. Trong đó khoảng 300 trận được “làm” ngay tại châu Á.

Tại Singapore, 11 cầu thủ bị nghi bán độ đã bị đưa ra tòa xét xử, đồng thời bắt giam hai cầu thủ người Hàn Quốc đá thuê tại Singapore. LĐBĐ Trung Quốc cũng treo giò vĩnh viễn 33 cầu thủ và nhiều quan chức CLB. Trong khi đó, Hàn Quốc cấm thi đấu suốt đời 41 cầu thủ vì bán độ.

Bóng đá Malaysia từng rúng động khi LĐBĐ Malaysia (FAM) cấm hành nghề suốt đời với 1 HLV và đình chỉ thi đấu 18 cầu thủ của ba đội bóng vì tội dàn xếp tỉ số tại Giải U-20 President’s Cup. Số tiền họ nhận được lên đến hàng chục ngàn USD. Sau đó, đến lượt cựu thủ môn tuyển quốc gia Ahmad Sharbinee Allawee bị CLB Terengganu sa thải vì nghi vấn cố ý đẩy bóng vào lưới nhà từ tình huống chịu phạt góc, giúp đối phương san bằng tỉ số 1-1 trong trận gặp CLB Kedah ở Cúp quốc gia Malaysia năm 2012.

Mới đây nhất là vụ hai cầu thủ người Libăng bị LĐBĐ Libăng treo giò vĩnh viễn, buộc nộp phạt 15.000 USD/người vì dàn xếp tỉ số. Đó là tiền vệ Ramez Dayoub (CLB Selangor, Malaysia) và tiền đạo Mahmoud El-Ali (CLB Persiba Balikpapan, Indonesia).

T.PHÚC

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên