11/09/2009 18:32 GMT+7

Lộ thông, trí thông

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Công bằng xã hội là một tiêu chí của một xã hội văn minh. Xã hội có công bằng thì mối quan hệ giữa người với người sẽ gần gũi và tôn trọng nhau hơn, sự mâu thuẫn trong xã hội sẽ giảm bớt và thiên hạ sẽ thái bình hơn. Nguyên nhân chủ yếu nào đã tạo nên sự bất công trong xã hội và thế nào để có một xã hội công bằng?

LTS: Bài viết “Lộ thông, tài thông” trên DNSGCT 316 đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc và bạn viết, khi từ định nghĩa chữ “lộ”, phải làm sao cho “lộ thông”, “tài thông”, tác giả đã đưa ra những ý kiến cụ thể về thực tế của Đồng bằng sông Cửu Long. Chuyên trang Vấn đề kỳ này tiếp tục giới thiệu bài viết thứ hai của tác giả Phan Chánh Dưỡng cùng một bài viết của tác giả Nguyễn Chính Tâm bàn về chuyện thi cử, bằng cấp cũng nhìn từ hướng “lộ thông” này.

Công bằng xã hội

6GXBIvfh.jpgPhóng to

Thông thường, không công bằng được thể hiện ở sự chênh lệch giàu nghèo quá đáng trong xã hội. Các nhà xã hội học có một chỉ số lượng hóa là khi so sánh tổng tài sản của 20% lớp người trên cùng của xã hội và tổng tài sản của 20% lớp người dưới cùng mà sự khác biệt chỉ lớn hơn không quá năm lần thì xã hội được xem là công bằng. Nếu lớn hơn năm lần thì xã hội đi về hướng bất công. Tỷ lệ đó càng lớn thì càng bất công.

Thế nhưng chỉ số trên chỉ nói lên sự khác biệt về của cải vật chất mà thôi. Công bằng xã hội còn thể hiện ở nhiều yếu tố như người dân có sống trong một đất nước độc lập, tự do, dân chủ hay không, có được hưởng quyền bình đẳng trước pháp luật, có cơ hội bình đẳng trong học hành, trong mưu sinh, có cùng hưởng được thành quả phát triển kinh tế xã hội của quốc gia… hay không.

Ngay trong một quốc gia hoàn toàn độc lập, có được một thể chế chính trị tự do dân chủ, luật pháp được xây dựng trên cơ sở tiến đến một xã hội công bằng văn minh nhưng nếu nền kinh tế phát triển thấp và không đồng bộ, dân cư phân bổ ở các vùng đất chưa có điều kiện giao thông tiện lợi (vùng sâu vùng xa), thì họ vẫn không có được một cơ hội mưu sinh hay cơ hội học hành công bằng.

Để thấy rõ vai trò của giao thông, chúng ta có thể làm phép so sánh như sau: trong một thành phố, trên cùng một tuyến đường, nhà của anh A ở đoạn đầu của tuyến đường có chiều rộng sáu làn xe, nhà anh B ở đoạn đường bị hẹp lại, chỉ rộng đủ hai làn xe thì rõ ràng, cơ hội làm ăn của nhà anh A thuận lợi hơn nhà anh B và sự khác biệt đó đủ làm cho cuộc sống của anh A khác anh B.

Tại một vùng được gọi là hẻo lánh nào đó, người dân chỉ biết tự sản tự túc, có thể thỏa mãn với cuộc sống đơn giản đó, nhưng đến khi nhà nước cho xây một xa lộ ngang qua, vùng đất bắt đầu thay đổi. Môi trường ở vùng đó, mọi sự vật nơi đó, từ thiên nhiên đến cuộc sống của mọi người đều bị tác động, đều bị thay đổi.

Ánh sáng văn minh đến xóa tan đi sự khép kín, lạc hậu của vùng đất, nhờ đó cuộc đổi đời của người dân dần diễn ra. Giao thông có vai trò rất to lớn trong việc phát triển kinh tế - xã hội của một vùng đất ở bất cứ thời đại nào, bất kỳ quốc gia nào.

Công bằng xã hội là một đề tài quá lớn, quá phức tạp vì nhu cầu cuộc sống của từng người trong từng giai đoạn rất khác nhau. Người đang thiếu cái ăn cái mặc có đòi hỏi công bằng khác với người có của cải, dư ăn dư mặc nhưng không đủ điều kiện để duy trì hay bảo vệ của cải, tài sản của mình. Người có khả năng, có nhiều cơ hội chọn lựa trong cuộc sống tất nhiên tư duy về công bằng xã hội khác với người kém năng lực, ít cơ hội.

Do đó, công bằng xã hội không thể đánh giá bằng sự khác biệt về điều kiện sống, điều kiện vật chất tại một thời điểm, mà phải xem xét một quá trình phát triển của mọi người trong xã hội, trong đó điểm mấu chốt là cơ chế xã hội, luật lệ đương thời có tạo điều kiện để mọi người dù sinh ra ở đâu, trong gia đình nào cũng đều có điều kiện tiếp cận với mọi phương tiện vật chất, có cơ hội đồng đều trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục... như bao nhiêu người khác để từ đó có thể vươn lên trong quá trình trưởng thành.

Sự đòi hỏi công bằng xã hội như vậy là tương đối thiết thực, khả thi, mọi nhà nước đều không thể từ chối.

Công bằng xã hội là yêu cầu xã hội, nghĩa là cho số đông của xã hội chứ không phải một thiểu số điển hình trong xã hội. Ở bất cứ cộng đồng nào cũng có những phần tử (hiếm hoi) vượt trội, không những có khả năng vượt qua những rào cản bất công của xã hội, mà còn có khả năng lợi dụng sự bất công đó để trục lợi lâu dài. Cũng chính những phần tử này lúc ban đầu chống lại sự bất công xã hội, nhưng khi vươn lên nắm lấy được quyền thế thì lại tìm mọi cách, mọi hình thức để duy trì sự bất công đó.

Lộ thông hai chiều

Nhiều người thường nói, muốn giúp đỡ người nghèo thì hãy cho cần câu chứ không phải cho cá. Điều này nghe ra rất hữu lý nhưng không đầy đủ. Nếu xây một con đường đến vùng sâu vùng xa thì chúng ta đã cho cần câu, vì có tuyến đường thì vùng đó mới có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu xét về mặt công bằng xã hội thì không hẳn đã trọn vẹn.

Có thể nơi đó có tài nguyên, có tiềm năng phát triển, nhưng khi có tuyến đường, những người có năng lực từ những vùng đất khác đến đây khai thác tiềm năng của vùng này, trong khi đó những người sở tại sống trong điều kiện thiếu thông tin và cũng thiếu năng lực nên không thể cạnh tranh được với những người từ vùng khác đến. Do đó, khi vùng đất phát triển thì kẻ được hưởng lợi là người ở vùng khác.

Điều này thật rõ ràng: khi những tuyến đường mở qua vùng dân tộc ít người, nếu không có những chính sách xã hội tốt thì cuộc sống của người dân tộc thiểu số tại những nơi đó sẽ càng khó khăn hơn. Do đó, không những vừa cho cần câu, vừa cho cá mà còn phải dạy cho họ biết câu cá và bảo vệ đầm cá đó, giúp chúng sinh sôi nảy nở cho tương hợp với sự phát triển của dân cư trong vùng nhiều năm sau. Nếu không, công bằng xã hội sẽ không được thực hiện, dù xét về mặt tổng thể, nơi đó có phát triển hơn trước.

Ngày nay, thời đại toàn cầu hóa, “lộ thông” trên bình diện toàn cầu còn có ý nghĩa sâu hơn. Khi nước ta gia nhập vào WTO nghĩa là ta đã chấp nhận một trạng thái “lộ thông” đến khắp mọi nơi, đem đến sự phát triển kinh tế - xã hội cho nước ta là điều không có gì phải bàn cãi. Nhưng sự hưởng lợi cho đôi bên có được sự công bằng lại là một vấn đề khác.

Cách đây hơn trăm năm, khi văn minh phương Tây tràn đến châu Á, có những quốc gia tiếp nhận “lộ thông vô điều kiện” như Thái Lan, Philippines, có những nước ban đầu lại cự tuyệt nhưng sau đó buộc phải mở cửa để “lộ thông”.

Có loại thứ ba là chấp nhận mở cửa để “lộ thông từ bên ngoài”, sau đó tự mở thêm một con đường mới là “lộ thông từ trong ra ngoài”. Đó là trường hợp nước Nhật. Người Nhật đã tổ chức một đoàn chuyên gia (các đại thần tâm huyết) đi vòng quanh các nước phương Tây để học hỏi (thời gian kéo dài cả năm), sau đó trở về đưa ra một chính sách mới duy tân đất nước. Nhờ đó nước Nhật không những thoát khỏi thảm họa trở thành nước thuộc địa, mà còn vươn lên thành cường quốc.

Như vậy, “lộ thông” trong một quốc gia có thể làm nhiều vùng đất phát triển. Nhưng nếu để đạt được sự công bằng xã hội thì còn phải có những chính sách thực sư quan tâm đến người dân ở vùng đất đó. Còn với “lộ thông” theo xu thế toàn cầu hóa hiện nay, bài học một trăm năm trước của nước Nhật vẫn còn đó. Nước Nhật chấp nhận “lộ thông từ bên ngoài” một cách chủ động và sử dụng một cách có hiệu quả vì người Nhật biết tạo nên một “lộ thông” khác từ Nhật ra thế giới có tên là “trí thông” (thông qua “lộ thông từ trong ra ngoài” mà tư duy của họ được mở mang). Như thế “lộ thông” phải hai chiều, nếu có chỉ một chiều vào thì càng thông càng nguy hại.

Theo PHAN CHÁNH DƯỠNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên