09/10/2014 07:02 GMT+7

​Lo sợ quá mức khi nhiễm giun đũa chó, mèo

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Rất hiếm người bệnh nhiễm giun đũa chó, mèo bị mù mắt, co giật, hôn mê, tử vong... nhưng nhiều người lại lo lắng quá mức khi bị nhiễm ký sinh trùng này.

Một phụ nữ đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới khám vì nghi nhiễm giun đũa chó mèo - Ảnh: T.Dương

Thậm chí có người hoảng sợ đến mức có ý định tự tử. Trong khi đó, các bác sĩ khẳng định điều trị bệnh này khá đơn giản nếu đi đúng bác sĩ chuyên khoa.

Nếu ấu trùng giun đũa chó mèo đến mắt sẽ gây mù mắt, đến não sẽ gây co giật, hôn mê, nhưng những trường hợp này rất hiếm
Ths.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn

Mỗi ngày tiếp nhận 80 người bệnh

Sáng 6-10, dắt cháu ngoại ra khỏi phòng khám ký sinh trùng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), bà Tăng Hưng (ngụ Bù Đăng, Bình Phước) thở phào khi cháu bà đã khỏi bệnh nhiễm giun đũa chó.

Bà Hưng vừa chỉ tay vào cậu bé ngồi bên cạnh bà tên Nguyễn Thanh P. (7 tuổi) vừa kể: Hơn ba tháng trước thấy cháu ăn uống được nhưng người cứ còm cõi, gia đình đưa cháu đến bệnh viện này xét nghiệm tìm con “sán chó”. Ai dè cháu bị nhiễm bệnh thật.

Cả gia đình bà đều lo lắng vì nghe nói con sán này mà chui lên mắt, đầu sẽ nguy hiểm lắm, thậm chí làm chết người. Không ngờ chỉ tổng cộng ba lần khám chữa bệnh, bác sĩ đã thông báo cháu P. khỏi bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm - bác sĩ mới thông báo kết quả cho bà của bé P. - cho biết sau hai đợt điều trị vào tháng 7 và 9-2014, kết quả xét nghiệm bạch cầu ái toan trong giới hạn bình thường, tình trạng bệnh nhi đã ổn định nên không cần điều trị tiếp.

Gặp chúng tôi tại phòng khám bệnh nói trên, anh L.Q.H. (34 tuổi, ngụ H.Bình Chánh, TP.HCM) tỏ ra khá lo lắng khi bác sĩ chẩn đoán anh bị nhiễm giun đũa chó. Anh H. kể cách đây một tháng thấy ngứa khắp cơ thể và anh thường xuyên ăn rau sống...

Rất khó kiểm soát mầm bệnh

Theo BS Mẫn, với thực trạng nuôi chó, mèo thả rông, phóng uế bừa bãi như hiện nay rất khó kiểm soát mầm bệnh hiện diện trong môi trường đất cát. Xét nghiệm chẩn đoán Toxocara tại bệnh viện hiện nay có tỉ lệ dương tính khá cao (hơn 60%), chứng tỏ nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh qua ăn uống là không ít.

Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất, theo bác sĩ Mẫn, là vệ sinh bàn tay và đảm bảo vệ sinh trong ăn uống. Còn khi phát hiện nhiễm ký sinh trùng, người bệnh nên điều trị ngay vì không biết khi nào ký sinh trùng có thể gây bệnh nặng.

ThS.BS Đinh Nguyễn Huy Mẫn, trưởng khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, cho biết mỗi ngày phòng khám ký sinh trùng của bệnh viện nhận khám khoảng 100 bệnh nhân thì 80% người đến khám vì các vấn đề liên quan đến giun đũa chó, mèo hay còn gọi là Toxocara (người dân còn gọi là bệnh sán chó).

Người mắc bệnh do nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo bị nhiễm trong thức ăn. Khi vào cơ thể người, trứng này nở ra ấu trùng. Ấu trùng giun đũa chó, mèo theo đường tiêu hóa sẽ được hấp thu vào máu và có thể đi khắp nơi trong cơ thể...

Ấu trùng giun đũa chó, mèo không thích nghi với cơ thể người nên không phát triển thành giun trưởng thành, do đó không thể sinh sản được.

Muốn tự tử vì ám ảnh bệnh tật

Theo các BS, rất ít người bệnh gặp nguy hiểm nhưng nhiều bệnh nhân đã lo lắng, hoang mang quá mức khi biết mình nhiễm giun đũa chó, mèo. Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới từng tư vấn cho một bệnh nhân bị nhiễm giun đũa chó, mèo vì quá lo sợ nên nhiều lần có ý định tự tử.

Khi người này đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các bác sĩ đã làm xét nghiệm và thông báo bệnh nhân đã khỏi bệnh nhưng do nhiều năm không được tư vấn đúng, người bệnh cứ nghĩ bệnh điều trị mãi không khỏi rồi hoang mang, lo sợ dẫn tới trầm cảm.

 Bác sĩ Mẫn khẳng định không phải cứ xét nghiệm cho kết quả dương tính với ký sinh trùng Toxocara là bệnh nhân bị bệnh. Xét nghiệm đang thực hiện tại các bệnh viện để chẩn đoán bệnh này là xét nghiệm tìm kháng thể IgG kháng Toxocara. Vì không thể biết ấu trùng ở đâu trong cơ thể nên không thể xét nghiệm trực tiếp tìm tác nhân gây bệnh.

Khi kháng thể này dương tính, người ta mới suy ngược lại là người bệnh có nhiễm ký sinh trùng thì mới có kháng thể. Tuy nhiên, khi con ký sinh trùng này bị tiêu diệt do điều trị hoặc tự chết, không còn tồn tại trong cơ thể nhưng kháng thể của người bệnh vẫn còn. Dù không còn ký sinh trùng trong cơ thể nhưng người bệnh vẫn có kết quả dương tính trong nhiều năm.

Do vậy, kết quả dương tính chỉ phản ánh được người đó từng nhiễm loại ký sinh trùng này, chứ không thể biết loại ký sinh trùng này còn trong cơ thể hay không. Để biết rõ ký sinh trùng còn trong cơ thể hay không, các bác sĩ sẽ cho người bệnh làm thêm một số xét nghiệm khác.

Chỉ số bạch cầu ái toan trong máu cũng có ý nghĩa chẩn đoán, khi có ký sinh trùng trong người thì thành phần bạch cầu này thường tăng lên. Nếu không hiểu bản chất của xét nghiệm nói trên, nhiều bác sĩ không thuộc chuyên khoa cứ thấy bệnh nhân có kết quả dương tính là điều trị.

Ngay cả bệnh nhân cũng bị ám ảnh bởi kết quả này, cứ thấy bị ngứa kéo dài, xét nghiệm dương tính với Toxocara là nghĩ có quan hệ nhân quả, nhưng không phải vậy vì chỉ cần dùng thuốc đặc trị đủ liều, ký sinh trùng này sẽ chết.

BS Mẫn nhấn mạnh khi đã điều trị đủ, đúng phác đồ thì bệnh nhân cứ yên tâm là ký sinh trùng không còn tồn tại trong cơ thể, còn xét nghiệm dương tính hay không là do sức đề kháng của cơ thể. Cũng có những trường hợp người bệnh bị nhiễm lại nhưng rất ít.

Nhiều người sau khi được điều trị đúng cách mà vẫn bị ngứa có thể vì nguyên nhân khác như mắc bệnh chàm, vẩy nến... chứ không phải do ký sinh trùng gây ra.

Theo BS Mẫn, khi nhiễm ký sinh trùng loại này, người bệnh thường không có triệu chứng, chỉ một số người thấy ngứa nhưng đa số đến bệnh viện khám với triệu chứng ngứa. Trước đó, một số bệnh nhân đã tự mua thuốc uống nhưng không bớt, đi khám da liễu cũng không hết ngứa.

Có bệnh nhân bị nhức đầu, chóng mặt, gầy ốm lâu năm không rõ nguyên nhân và trị hoài không bớt khi chưa gặp bác sĩ chuyên khoa.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên