Nội dung chiếm phần lớn thời lượng thảo luận với nhiều ý kiến lo ngại là mức độ gia tăng số lượng cũng như quy mô dự án sử dụng nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ.
Đơn cử như các dự án thủy lợi. Ông Phùng Quốc Hiển, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách, dẫn chứng: năm 2003, chỉ những dự án giao thông, thủy lợi cấp bách mới được sử dụng nguồn vốn này và được phân bổ 63.000 tỉ đồng; năm 2005 đã điều chỉnh thêm nhiều lĩnh vực với số vốn trái phiếu chính phủ lên đến 110.000 tỉ đồng và năm 2010 số lượng dự án dùng nguồn vốn này đã lên tới hàng ngàn, trong đó tổng mức đầu tư ban đầu của các dự án, công trình thuộc danh mục đầu tư từ nguồn vốn này giai đoạn 2003-2010 là trên 246.000 tỉ đồng nhưng trên thực tế đã lên tới trên 558.000 tỉ đồng.
Với mức dự kiến phát hành vốn trái phiếu chính phủ hằng năm khoảng 45.000 tỉ đồng như hiện nay, Ủy ban Tài chính - ngân sách đánh giá chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu, còn lại 40% chưa được quyết định sẽ bổ sung từ nguồn vốn nào.
Ông Hiển e ngại: “Nếu cả nước là một đại công trường nhưng toàn công trình dở dang là rất nguy hiểm, không những gây khó khăn cho bây giờ mà cả năm năm và nhiều năm nữa, ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia và nợ công”.
Ngoài ra, trong báo cáo của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày, một danh sách 41 dự án mới “thật sự cần thiết, cấp bách” cũng được Chính phủ đề nghị bổ sung vào danh mục các dự án dùng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với đề xuất bổ sung gần 30.000 tỉ đồng.
Bà Trương Thị Mai, chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho rằng Chính phủ và Quốc hội cần ngồi lại cùng nhau và cân nhắc xem dự án nào trong số này cần nguồn vốn trái phiếu chính phủ hay có thể dùng nguồn vốn khác.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên khẳng định: “Vốn trái phiếu chính phủ có hạn và là vốn vay nên sẽ chỉ dành cho các công trình chính, còn các công trình khác muốn đầu tư đồng bộ phải huy động nguồn khác như xổ số kiến thiết, vốn ODA, ngân sách nhà nước, vốn tư nhân...”.
Về nội dung phân bổ vốn cho 15 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011, Ủy ban Tài chính - ngân sách đồng ý với dự kiến của Chính phủ là dành 14.651 tỉ đồng trong năm 2011. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cho rằng phải rà soát các chương trình để tránh trùng lặp về mục tiêu, hoặc mục tiêu quá rộng không đảm bảo hiệu quả thực hiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận