Phóng to |
Ảnh: M.ĐỨC |
"Đúng ra tỉ giá liên ngân hàng hằng ngày phải có lên có xuống, để thị trường dần quen hơn là cố định rồi dồn mức tăng vào một đợt điều chỉnh tỉ giá. Việc tăng tỉ giá một lần thiếu linh hoạt cũng góp phần hình thành tâm lý găm giữ ngoại tệ" PGS.TS Trần Hoàng Ngân |
* Ông đánh giá thế nào về tác động của tỉ giá USD lên môi trường đầu tư?
- Hiện nay, hằng ngày Ngân hàng Nhà nước vẫn công bố tỉ giá liên ngân hàng là 18.932 đồng và ngân hàng thương mại niêm yết giá tối đa là 19.500 đồng/USD nhưng không ai giao dịch theo giá này. Họ cộng thêm phí cho ngang ngửa với giá của thị trường tự do làm thị trường xáo trộn và không phản ánh trung thực hoạt động sản xuất kinh doanh.
Điều đáng lo ngại là tỉ giá tăng đang tác động xấu đến hoạt động đầu tư, làm trì trệ các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán, thậm chí ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế. VND cứ mất giá so với USD, người dân không mặn mà với việc đầu tư vì lợi nhuận không bù đắp được sự mất giá của đồng tiền. Mỗi ngày, USD tự do có mức giá mới, người dân có khoản tiết kiệm cũng băn khoăn nên gửi tiền đồng hay mua USD.
Không chỉ cá nhân mà cả nhà đầu tư nước ngoài, dù họ kỳ vọng vào kinh tế Việt Nam nhưng tỉ giá tăng mãi khiến họ cũng không dám bỏ vốn. Vì họ đem ngoại tệ vào, bán lấy VND để đầu tư, tỉ giá tăng xem như bị lỗ. Nhà đầu tư nước ngoài không thể giao dịch “nửa sáng (theo giá niêm yết) nửa tối (chung chi thêm phí)” vì không hạch toán được. Kéo dài tình trạng này sẽ để mất cơ hội thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cần có gói giải pháp cấp bách đem lại sự ổn định của thị trường ngoại hối.
* Giải pháp đã được đưa ra, Ngân hàng Nhà nước đã siết chặt kinh doanh vàng nhưng tỉ giá lại nóng hơn, vì sao?
- Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động huy động và cho vay vàng của ngân hàng không thể tác động ngay đến thị trường mà đòi hỏi phải có thời gian. Khi giá vàng thế giới giảm, có chênh lệch với giá trong nước thì giới kinh doanh lại gom USD để nhập lậu vàng. Nhưng về dài hạn, chắc chắn thông tư 22 sẽ góp phần ổn định tỉ giá, sau khi các ngân hàng đã mua lại đủ số vốn vàng đã bán, người vay mua đủ vàng để thanh toán dứt nợ vay khi hợp đồng vay đáo hạn.
Phóng to |
Tỉ giá tăng gây sức ép lên lạm phát khiến người tiêu dùng lo lắng - Ảnh: CÔNG ANH |
* Vì sao USD trên thế giới giảm, nhiều nước đang phải giữ đồng nội tệ không tăng giá, còn ở Việt Nam thì diễn ra ngược lại?
- Tỉ giá là phản ánh của cung cầu ngoại tệ, cầu lớn hơn thì giá tăng. Ở Việt Nam, cầu về ngoại tệ đã lớn lại càng cao hơn do cầu ảo, doanh nghiệp chưa cần USD cũng gom mua để cất giữ, còn doanh nghiệp có USD lại không muốn bán. Người dân vì sốt ruột, có ít tiền cũng mua USD tạo cơ hội cho giới kinh doanh đẩy giá lên. Trong khi các nước thì xuất siêu, cung ngoại tệ lớn hơn cầu nên giá ngoại tệ có xu hướng giảm. Về tổng thể, dù nhập siêu nhưng Việt Nam vẫn có nguồn ngoại tệ từ vốn viện trợ phát triển, vốn đầu tư nước ngoài, kiều hối... để bù đắp. Tuy nhiên, do lòng tin của thị trường thấp từ đó phản ứng quá mức càng làm cán cân cung - cầu ngoại tệ bị lệch, tăng thêm sức ép lên tỉ giá.
* Ổn định tỉ giá, theo ông, giải pháp là gì?
- Phải cần gói giải pháp, có ngắn hạn và lâu dài, có cả hành chính và kinh tế. Nhà nước cần giải thích bức tranh thật về cung - cầu ngoại tệ, hướng điều hành tỉ giá trong thời gian tới, bán ngoại tệ can thiệp để đưa cung - cầu về mức thật, xóa bỏ tình trạng găm giữ, thu vét USD như hiện nay.
Đặc biệt chú ý giải tỏa yếu tố tâm lý cho rằng VND sẽ còn tiếp tục mất giá so với USD. Giải tỏa được yếu tố này sẽ giúp giảm cầu và tăng cung ngoại tệ. Về lâu dài phải có nhiều giải pháp để kiểm soát nhập siêu, trong đó có kiểm soát chi tiêu công và không để kinh tế tăng trưởng nóng.
* Vì sao ông cho rằng để ổn định tỉ giá cần phải siết chặt chi tiêu công?
- Trong thời gian qua đầu tư công vẫn tăng trong khi hiệu quả không cao. Kiểm soát chi tiêu công tốt thì khoản cầu về hàng hóa giảm, nhập siêu cũng giảm.
Về dài hạn chúng ta phải chấp nhận tăng trưởng ở mức vừa phải, tức là giảm đầu tư xã hội để giảm bớt nhu cầu về hàng hóa nhập khẩu, giảm nhập siêu. Năm nào cũng nhập siêu ở mức 20% kim ngạch xuất khẩu thì biết bao giờ cân bằng được cán cân thương mại. Giảm nhập siêu, đưa tỉ giá ổn định trở lại góp phần kiểm soát lạm phát dễ dàng hơn, lúc đó mới có thể hạ lãi suất để giúp phát triển sản xuất trong nước.
* Thưa ông, có chuyên gia cho rằng VND được định giá quá cao, cần phải đưa tỉ giá lên mức cao hơn. Nay tỉ giá đang tăng cao, vậy có nên kềm lại?
- Tỉ giá tác động đến nhiều lĩnh vực nhưng lại là con dao hai lưỡi, được mặt này sẽ mất mặt kia. Việc điều hành tỉ giá vì thế không thể dựa vào lý thuyết hay mô hình của các nước. Nếu để tỉ giá tăng cao sẽ phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát không kiểm soát nổi. Chúng ta cứ tăng tỉ giá, đưa ra mức mới thì thị trường lại muốn lên mức cao hơn và cuộc đua sẽ không bao giờ dừng. Những năm qua, nhiều ý kiến cho rằng nhập siêu là do định giá VND quá cao, khuyến khích nhập khẩu vì hàng hóa nhập về sẽ rẻ hơn. Nhưng nhiều lần chúng ta tăng tỉ giá, nhập siêu vẫn cao.
Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu, tăng tỉ giá cũng có nghĩa tăng chi phí đầu vào của nguyên vật liệu, lạm phát sẽ bị thổi bùng lên. Mà lạm phát cao có nghĩa đời sống người dân đi xuống. Vì vậy, phải điều hành tỉ giá sao cho vẫn thu hút được đầu tư, khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận