
Trạm y tế phường xã vắng hoe (ảnh chụp lúc 11h15 tại một trạm y tế ở Q.5, TP.HCM) - Ảnh: HOÀNG LỘC
Trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Thành tựu lớn nhất trong thời gian vừa qua là đã từng bước khôi phục, củng cố, phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. VN được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước có mạng lưới y tế cơ sở hoàn chỉnh".
Trước đây chúng ta đã khẳng định y tế cơ sở là tuyến đầu và xung kích vì nó là nơi thể hiện chủ yếu tính công bằng trong chăm sóc sức khỏe (đặc biệt là với người nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc thiểu số), là nơi đầu tiên phát hiện và xử lý bệnh tật, và còn là một trong những chân đế vững chắc của hệ thống chính trị để an dân. Ngày nay nhận thức đó có phần bị lãng quên và coi nhẹ
GS PHẠM MẠNH HÙNG
"Thành tựu lớn" hay "sự lộn xộn"?
Theo bộ trưởng, hiện nay cả nước có 669 bệnh viện/trung tâm y tế huyện (gần 78.500 giường bệnh), 354 phòng khám đa khoa khu vực, hơn 11.000 trạm y tế xã (gần 50.000 giường). Ngoài ra còn có hàng chục ngàn phòng khám tư nhân, 240 phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân.
Tổng số nhân lực y tế tuyến huyện là gần 110.000 người (trong đó có 19.000 bác sĩ), tuyến xã có 71.000 người (trong đó có 8.500 bác sĩ).
Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên cũng cho rằng khác với nhiều nước, VN đã rất quan tâm và thành công trong xây dựng mạng lưới y tế cơ sở, có thể đảm bảo yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân trong 10-15 năm nữa.
"Nhưng có một thực tế, nhiều địa phương chính quyền không quan tâm đến hoạt động của y tế xã, cứ nghĩ rằng nó nhỏ bé quá nên bỏ qua. Tôi xin lưu ý rằng y tế xã họ không cần nhà cao cửa rộng, họ cũng không yếu kém quá như nhiều người nghĩ, mà y tế cơ sở vẫn gắn bó với nhân dân và họ cần cơ chế tốt để hoạt động tốt hơn".
"Chúng ta có quan tâm y tế cơ sở không? Phải nói rằng có. Chúng ta có nhiều văn bản, nghị quyết đề cập đến y tế cơ sở, bỏ khá nhiều tiền của (kể cả đầu tư của Nhà nước, viện trợ nước ngoài của các tổ chức quốc tế) nhưng hiệu quả chưa cao và chưa bền vững, chưa thấy những chuyển biến rõ nét, tích cực trong thực tế hằng ngày" - GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng, nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, bình luận.
Theo ông Hùng, "có một cảm nhận chung là y tế cơ sở đã dần mất vị trí tuyến đầu của nền y tế, mà thay vào đó là một thực trạng lộn xộn: lộn xộn về phương hướng, lộn xộn về nội dung, lộn xộn về tổ chức mạng lưới và cơ chế hoạt động".
Nếu bác sĩ không có chất lượng cao thì không có ý nghĩa. Chúng tôi đang đưa ra giải pháp là luân phiên: hằng tuần có bác sĩ của trung tâm y tế huyện, tỉnh xuống xã khám chữa bệnh, thậm chí là phối hợp với các bệnh viện trung ương để khám chữa bệnh tại tuyến xã.
Bộ trưởng NGUYỄN THỊ KIM TIẾN
Chưa đảm bảo khám chữa cho bệnh nhân
Theo GS Phạm Mạnh Hùng, việc phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng bởi sẽ giúp giảm chi phí chữa bệnh rất nhiều so với để đến khi bệnh nặng mới chữa. Điều này khẳng định vai trò rất quan trọng của y tế cơ sở.
Ở nhiều nước quy định các bệnh nhân đến bệnh viện nếu không xuất trình được các kết quả khám sức khỏe định kỳ thì họ sẽ phải chịu chi phí chữa bệnh cao hơn.
Đề xuất giải pháp, ông cho rằng đồng thời với nhận thức thì phải tăng cường đầu tư, mà quan trọng nhất là đảm bảo cuộc sống của đội ngũ làm y tế cơ sở.
"Muốn đội ngũ nhân viên, bác sĩ tuyến cơ sở làm tốt thì phải có chính sách để họ có thu nhập đủ sống. Tại sao họ đo huyết áp, kiểm tra tim mạch thì lại không được tính tiền?" - ông Hùng nói.
Nhìn vào con số được bộ trưởng cung cấp, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng tỉ lệ bác sĩ tại các trung tâm y tế tuyến huyện, trạm y tế xã còn rất nhỏ, khó mà đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đại biểu Dương Xuân Hòa nêu ba tồn tại phổ biến của y tế cơ sở là: chăm sóc sức khỏe ban đầu chưa tốt, năng lực nhân viên y tế còn yếu, chưa sẵn sàng đáp ứng các dịch vụ khám chữa bệnh, thiết bị và thuốc tại chỗ, đề nghị bộ trưởng cho biết giải pháp?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận: "Người dân chưa tin tưởng vào chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại một số bệnh viện huyện, trạm y tế xã nên thường vượt tuyến không cần thiết, gây quá tải ở tuyến trên và lãng phí xã hội.
Y tế cơ sở chưa làm tốt công tác chăm sóc ban đầu nên nhiều người dân chưa quan tâm nhiều đến y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.
Chất lượng nguồn nhân lực còn yếu, số lượng còn thiếu, nhiều nơi không có nhân lực đủ trình độ chuyên môn để thực hiện dịch vụ nên chưa thực hiện được đầy đủ danh mục kỹ thuật tuyến huyện, tuyến xã theo quy định của Bộ Y tế.
Trong khi đó, đầu tư còn thấp, chưa tương xứng với nhiệm vụ, đến nay còn 40% trạm y tế xã chưa đạt tiêu chí quốc gia".
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải tăng cường hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh ban đầu, đặc biệt là đào tạo, đưa bác sĩ xuống tuyến cơ sở.
Ngoài ra, đề nghị tăng nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước cho y tế cơ sở để họ làm tốt vai trò "gác cổng" và điều phối bệnh nhân cũng như chuyển tuyến bệnh nhân tới các cơ sở y tế tuyến trên, đồng thời tiếp tục tính đúng, tính đủ giá dịch vụ.
Các đơn vị y tế vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, nguồn thu không đảm bảo chi hoạt động thường xuyên thì tiếp tục được ngân sách cấp phần thiếu hụt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận