Ai cũng nói bố mẹ may phước phen này nở mày nở mặt.
Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Em gái mừng lắm, cả làng có mấy ai được như anh. Em bỏ học mà em mừng trong dạ. Anh vỗ vai em an ủi: “Lo gì! Anh đi học về nhà mình đổi đời em nhé”.
Ngày tiễn anh lên sân bay, bố lạc lõng màu áo xanh bộ đội cũ mèm trước những bộ quần áo sang trọng, lạc lõng trước cả anh.
Ba năm, anh trở về với tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh.
Bố bảo con gái: “Lần này anh con về, nó đi làm có tiền, con lấy chồng bố cho ít vốn làm ăn. Con vất vả nhiều rồi!”.
Anh mở chiếc laptop bóng loáng cho em gái xem hình, hình anh thật đẹp, thật sang trong những phòng ăn sang trọng, trong những bộ quần áo đúng đẳng cấp thoát ly. Em nhìn xuống bộ quần áo đẹp nhất của mình ngày tiễn anh đi, ngày đón anh về thầm mừng cho anh nhiều quá.
Em gái mân mê chiếc laptop nâng lên hạ xuống ngắm nghía thích mê. Anh ở đâu lao vào mặt mũi đỏ gay: “Mày biết gì mà đụng vào, hỏng hết cơm cháo bây giờ”.
Em gái vội vàng đặt xuống vẻ ăn năn. Anh lại đến bên vỗ vai bảo: “Thôi! Lo gì, vài bữa đi làm anh mua cho chiếc mà chơi, mà tiếp xúc với văn minh nhé”.
Bữa cơm mẹ dọn lên có thịt ba chỉ kho đậu, cà chua thơm phưng phức, anh nhăn mũi bảo: “Cơm canh gì nhìn đã phát ngán, ở bên ấy loáng cái hết ba năm, về nhà mấy ngày mà thấy như lâu lắm”.
Tối. Mẹ hất hàm bảo em gái đi thịt con gà. Em gái bắt được con gà mái mẹ, ôm nó vào lòng vuốt vuốt không nỡ.
Anh chống nạnh đứng ở bậc cửa bảo: “Tiếc gì, anh mày làm một ngày bằng mấy chục con gà đấy chứ”.
Em gái gần mếu: “Con gà này đẻ hơn chục trứng rồi, thịt nó lấy gì mà ấp cho trứng nở?”.
Anh trai nhếch mép bảo: “Mày toàn thích cầm tiền lẻ, như thế bao giờ mới đổi đời được hả em?”.
Bố đi xuống chỉ mặt em gái bảo: “Con bé này, anh nói rồi sao không nghe? Chỉ giỏi lằng nhằng”.
Em vừa vặt lông cổ gà vừa khóc...
Hàng xóm sang chơi, anh diện đồ ngoại ngồi vắt chân chữ ngũ, nói toàn chuyện mãi đẩu mãi đâu. Bố ngồi gật gù đầy tự hào. Hàng xóm mắt chữ O miệng chữ A đầy thán phục. Hôm sau, những chuyện anh nói đã lan đi khắp làng. Em gái bước chân ra cổng cũng được thơm lây.
Chiếc đài của bố lại dở chứng đập mãi không kêu, bố hì hụi lau lau sửa sửa. Anh nhìn nhíu mắt: “Thôi, bố bỏ đi, dùng gì mấy thứ thất thập cổ lai hi, nhìn cứ như cục gạch, vài bữa con mua cái mới về cho bố dùng. Lo gì!”.
Bố lặng lẽ xếp chiếc đài vào bịch nilông cho vào thùng cất vào một góc.
Đêm. Mẹ húng hắng ho, anh trở dậy vén mùng mở laptop vào Facebook trò chuyện với bạn bè. Hôm sau anh bảo: “Người Việt mình tự nhiên quá, làm gì cũng không lo người khác nghĩ gì, ở bên ấy hắt hơi, ngáp tối kỵ...”.
Đêm hôm ấy, em gái nằm bên mẹ, mẹ lên cơn ho cố kìm, chỉ dám khập khè thở, ho nín nín vào tấm chăn chiên cũ. Đêm ấy anh ngủ ngon giấc, sáng dậy đứng giữa cửa vươn vai sảng khoái. Thấy em gái lóp ngóp trong ao, anh quan tâm hỏi: “Em làm gì đấy? Sáng sớm lội xuống ao làm gì cho lạnh?”.
Em gái vừa cười vừa vuốt mấy sợi tóc lòa xòa: “Nhiều cá lắm anh ạ, em quây lưới kéo nặng luôn”.
Anh xoay xoay cổ tay làm động tác thể dục hỏi: “Bố đâu?”.
Em gái vắt tà áo ướt cột lại ngang bụng nói: “Bố bị khớp xuống nước không được nên em kéo luôn”.
Anh trai đá chân lắc hông bảo: “Ừ! Thế cố gắng nhé!”.
Em gái cười méo miệng vì lưới nặng, một đầu lưới cột vào cây duối nước sắp bật ra. Em gái hốt hoảng: “Anh, ra cột lại cho em với”.
Anh bậm bạch xỏ dép chạy ra cầu ao, ngã đánh huỵch. Em gái bỏ lưới chạy lên bờ xem cái chân anh rỉ máu.
Anh bặm môi: “Thời nào rồi còn kè đá cầu ao, ximăng đâu mà không đổ vào vài bao cho chắc chắn?”.
Em gái nhìn anh vẻ như có lỗi: “Đắt lắm anh ạ, chục bao hết cả dăm trăm”.
Anh phát cáu: “Lo gì, anh mày nói vài câu thì kè cả chục cái cầu ao thế này”.
Em gái nhìn anh hãnh diện lắm, hi vọng lắm.
Bố vác cuốc ở đồng về phấn khởi: “Ruộng nhà mình năm nay lên giá vì đất tốt, gần đường lớn, nay không dưng lại có người trả bảy chục triệu một sào. Mình có bán đâu mà hỏi”...
Anh đang bóp cái chân đau, chạy lên hào hứng: “Tốt quá! vậy nhà mình cũng được hơn ba trăm triệu còn gì. Bố thu xếp cho con đi tu nghiệp nửa năm nữa. Vèo cái hết nửa năm con về, bố chẳng phải lo gì nữa!”.
Bố lẳng lặng vác cuốc đi vào bếp.
Em gái quên tấm lưới trong ao...
Ngày đi, anh gọi taxi bảo bố không phải đón đưa cho vất vả. Bước vào xe trước khi bấm cửa kính lên, anh thò đầu qua cửa xe bảo: “Cả nhà cứ yên tâm nghỉ ngơi, nửa năm nữa con về, đừng lo gì nhé!”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận