![]() |
Linus Torvalds |
Nét phác họa
Thoạt nhìn, Linus Torvalds giống như một thư ký văn phòng - Mái tóc nâu loà xoà làm nền cho cặp mắt xanh hơn bình thường, khuôn mặt rộng mở với chiếc mũi to, quai hàm cứng cỏi, nụ cười hiền hòa luôn thường trực trên môi, trang phục thể thao giản dị với chiếc áo phông màu trắng, loại áo thường được phát miễn phí tại các sự kiện Linux.
Nhưng sau vẻ bên ngoài hình tuềnh toàng đó là một nhân vật "sinh ra để làm cách mạng". Bà cụ thân sinh ra anh từng công tác tại Thông Tấn Xã Phần Lan. Cha anh là một đảng viên cộng sản, một giảng viên cấp tiến tại trường đại học Helsinki vào những năm 60. Chính trong căn phòng tồi tàn của cha mẹ, anh đã nhóm ngọn lửa đầu cho HĐH Linux, sản phẩm cộng gộp của 10 ngàn lập trình viên trên toàn thế giới (một con số kỉ lục!), vị anh hùng đã tới mọi ngóc ngách của thế giới computer, hình ảnh "chim cánh cụt kinh hoàng" đối với các HĐH khác như Microsoft Windows...
Đi cùng Linux còn có PM máy chủ web Apache, ngôn ngữ lập trình Perl và trình gửi thư điện tử SendMail với cương lĩnh: "Làm bất cứ điều gì bạn muốn để cải tiến sản phẩm, bán nó hay không tuỳ bạn, nhưng hãy chia sẻ các dòng mã nguồn". Mặc dù vậy, "Linux nổi bật trong hàng ngũ, chính là nhờ L-I-N-U-S", Miller - người đã từng đóng góp vào Linux nhận xét. "Anh là một nhà lãnh đạo thiên tài, mặc dù anh thường không nhận ra điều đó". Thật ngạc nhiên là Torvalds hoàn toàn không được đào tạo về quản lý. Anh thú nhận trong cuộc sống mình rất vô tổ chức. Vì vậy, 12 năm dẫn dắt đội ngũ lập trình viên tình nguyện bất trị của Torvalds đáng để cho bất cứ giảng viên MBA nào của Mỹ nghiên cứu và đưa vào chương trình của mình.
Chỉ một mà thôi
Cái mà ông tổ của Linux sở hữu là cái tên, còn tất cả dòng lệnh thuộc về... thiên hạ. Ai cũng có thể sửa mã và dùng bất cứ tên gì để đặt cho sản phẩm mới tạo ra. Quyền lực duy nhất mà Linus có được là sự kính trọng của tất cả cộng sự. Ngay từ đầu, Torvalds đã có bên mình những cánh tay đắc lực mà anh gọi là "nhà bảo dưỡng". Họ là những nhà lập trình đã đạt được những thành tích nhất định. Torvalds không bao giờ chính thức tuyên bố ai nhận chức vụ gì. Anh mặc nhiên giao phó cho họ trọng trách đánh giá phần đóng góp của cộng đồng gửi đến, các lập trình viên sẽ tự nhận ra giá trị của nhiệm vụ mà mình đang đảm trách.
Hiện nay, Torvalds có trên 10 đại diện. Mỗi năm họ nhóm họp ít nhất một lần để định ra chiến lược phát triển cho HĐH. "Linus đưa ra định hướng phát triển Linux và chúng tôi nghe theo", Alan Cox, người có vai trò quan trọng trong mảng viết trình điều khiển đĩa cứng nói. Trong các cuộc họp này, Torvalds thường làm người điều phối. Quan điểm của anh là để cả nhóm tranh luận cùng một vấn đề hơn là chia thành hai nhóm nhỏ để rồi mỗi nhóm chỉ đứng lên bảo vệ ý kiến của mình mà bác bỏ quan điểm của nhóm kia. Nếu ai đó gợi ý hướng theo các ưu thế của Microsoft, Torvalds thẳng thừng ngay: "Đó là chiến lược của Oracle và Sun. Khi anh nghĩ rằng có điều gì quan trọng hơn việc làm ra sản phẩm tốt nhất, anh đã đi chệch đường".
Trong thế giới của Linus, nguyên tắc số 1 là: chỉ có những gì tốt nhất mới được chọn. Anh không bao giờ để sức ép tài chính buộc mình phải chọn một sản phẩm xoàng. "Torvalds chỉ quyết định thêm các thành phần vào Linux nếu anh ấy thấy nó có thiết kế rõ ràng, chất lượng tốt, dễ bảo trì và quan trọng hơn cả là đáp ứng được nhu cầu của đông đảo người dùng cuối", Dan Frye, giám đốc trung tâm công nghệ Linux của IMB nhận xét.Nguyên tắc này được tuân thủ ngay từ những ngày đầu. Sau khi công bố HĐH Linux trên nhóm tin những người sử dụng Minix[1] không lâu, theo yêu cầu của người dùng, anh đã thêm vào tiện ích nén cho phép Linux có thể chạy trên các máy tính cấu hình thấp, mặc dù bản thân anh lúc đó hoàn toàn không cần đến tiện ích nói trên. Đây chính là động lực để Linux nhanh chóng qua mặt các HĐH khác.
Tiền ư?
Khi Linux trở nên nổi tiếng, cuộc sống riêng tư của Torvalds lập tức trở thành mục tiêu của các cuộc tranh luận. Sự việc càng trở nên tồi tệ hơn khi dự án của anh được nhà đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen, tài trợ. Khi Torvalds đến Silicon Valley, Microsoft đã trở thành gã khổng lồ Golliat thống trị thế giới CNTT. Công chúng đang chờ đợi sự xuất hiện của chàng David, Linus Torvalds. Giới báo chí dành nhiều giấy mực để so sánh Torvalds, người có vẻ thờ ơ với sự giàu có đến nỗi không thèm tính một xu cho sản phẩm của mình, với Gate, nhà độc quyền. Thực ra anh cũng vô tình góp phần vào câu chuyện này khi từ chối lời đề nghị mức lương 10 triệu đô la của một công ty phân phối Linux.
Những năm đầu ở Silicon Valley, cuộc sống của Torvalds chẳng lấy gì làm khấm khá. Những thanh niên dotcom làm ra những thứ không thấm tháp gì so với Linux cũng đã trở thành những ông chủ giàu có. Vận may đến với Linus năm 1999 khi 2 nhà cung cấp Linux là Red Hat và VA Linux được niêm yết ở thị trường chứng khoán. Họ tặng anh một lượng cổ phiếu thay lời cảm ơn. Trị giá số cổ phiếu Torvalds nắm giữ có lúc lên đến 20 triệu USD, nhưng lúc anh có thể bán chúng thì số tiền thu được lại chỉ là một phần nhỏ nhoi.
Hiện tại, Torvalds an tâm với vị trí của mình ở Phòng Thí Nghiệm Phát Triển PMNM (OSDL), nơi đã cùng thăng trầm với Linux. Thành lập năm 2000 bằng nguồn tài trợ từ các công ty kỹ thuật, trong đó có Intel và HP, mục tiêu hoạt động của OSDL là mở rộng cộng đồng sử dụng Linux bằng cách tài trợ cho các phòng thí nghiệm để phát triển và kiểm thử sản phẩm. Ngày nay, tổ chức này có khoảng hơn 20 nhân viên với các phòng thí nghiệm ở Beaverton, Oregon và Yokohama, được 23 công ty tài trợ.
Thế giới đâu chỉ có 1
Linux đã trở thành hiểm họa lớn nhất của Microsoft khi các công ty đổ xô tích hợp sản phẩm của họ với nền HĐH này. Tuy nhiên, Linux cũng đang đứng trước thách thức lớn nhất của mình: các vụ kiện về quyền sở hữu trí tuệ. SCO, công ty PM giữ bản quyền Unix đã buộc tội IBM về việc sử dụng hàng ngàn dòng lệnh của Unix vào Linux. Hơn thế nữa, ban điều hành SCO còn đề nghị xem xét lại cả quy trình làm PMNM. Linux xây dựng từ mã nguồn được tặng, do đó Torvalds và đồng nghiệp của anh đã sử dụng các mã nguồn được gửi đến. Họ không có căn cứ nào để đảm bảo rằng chúng không thuộc mã ăn cắp! "Chúng ta cần nhìn lại một cách thấu đáo về mô hình kinh doanh mã nguồn mở, mô hình này hoàn toàn không giúp bảo hộ các doanh nghiệp tư nhân như chúng tôi", giám đốc điều hành SCO, Darl McBride tuyên bố hồi tháng 8. Để theo vụ kiện này, SCO đã thuê David Boies, người đại diện của chính phủ trong vụ kiện với Microsoft và đại diện cho Gore chống lại Bush trong kỳ bầu cử tổng thống vừa rồi. Việc xét xử có thể sẽ diễn ra vào năm 2005.
Trong lúc chờ đợi, SCO đưa ra thêm các bằng chứng của mình. Tháng 6/2003, công ty này sửa đổi đơn kiện, thêm vào một bức thư điện tử của Torvalds viết theo chính sách "không biết, không nói" đối với các vấn đề về bằng sáng chế như sau: "Về nguyên tắc, tôi không xem các bằng sáng chế vì: (a) đó là công việc lãng phí thời giờ, và (b) tôi không muốn biết". Torvalds không biện hộ về bức thư của mình. "Đã có luật sư lo chuyện đó, một kỹ sư không cần phải xem bằng sáng chế". Torvalds cho rằng, SCO trích dẫn bức thư của anh đơn giản chỉ để ghi điểm trên các phương tiện thông tin đại chúng và thổi phồng cuộc tranh luận này thành cuộc chiến ầm ĩ về quyền sở hữu trí tuệ. "Tôi không nghĩ rằng kết cục của nó sẽ có ý nghĩa quyết định", anh nhận định.
Đó là đánh giá của người đàn ông với suy nghĩ quyền sở hữu trí tuệ làm tiêu tốn thời giờ quý báu mà lẽ ra anh có thể dành cho các thần dân của mình trong vương quốc Linux. Anh là một "quốc vương" phi thường, cả "thần dân" của anh cũng khác thường…
Người dịch bài này hy vọng bạn đọc qua đó sẽ hiểu kỹ hơn về Torvalds và cộng đồng PMNM do anh sáng lập. Việt Nam cần một cộng đồng như vậy tham gia vào vương quốc của anh, hơn là vội vàng đặt ra 1-2 mục tiêu cụ thể, trong thời hạn xác định nào đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận