![]() |
Địa chỉ đăng ký mới của Linkton tại tòa nhà Forum Galleria nhưng cũng là địa chỉ "ảo", vì khách hàng muốn liên hệ thì để địa chỉ, số điện thoại lại để công ty trả lời - Ảnh: V.H.Q. |
Thực chất Linkton đang hoạt động trong lĩnh vực gì tại Singapore? Phóng viên Tuổi Trẻ tiếp tục đi tìm câu trả lời.
“Chúng tôi không thể khẳng định bất cứ điều gì”!
Trưa 7-7, như đã hẹn, chúng tôi ngồi đợi đại diện Linkton tại sảnh khách sạn Lion City. Nhưng người xuất hiện không phải là hai ông chủ họ Wong của Linkton mà là hai phụ nữ. Một người xưng là Judy Lim, nghe qua giọng nói chúng tôi nhận ra đó là người đã trực điện thoại của Linkton mấy ngày vừa qua.
Người còn lại giới thiệu là Jonnie Heng. Chúng tôi tỏ ra ngạc nhiên: “Sao trong danh sách nhân viên công ty không thấy tên hai chị?”. Hai vị khách lúng túng: “À, chúng tôi mới được nhận vào làm việc tại công ty, danh thiếp cũng vừa mới... hết”.
Câu chuyện bắt đầu từ văn phòng cũ chứa đầy... gạch của Linkton ở khu nhà EASTech, Singapore. Thời điểm Linkton thuê văn phòng tại đây cũng là thời điểm công ty xin thành lập văn phòng đại diện tại VN với chức năng thúc đẩy việc thực hiện các hợp đồng về các sản phẩm điện và điện tử.
Tại Singapore, chúng tôi đã trực tiếp đến Khu công nghiệp Yishun, nơi đặt nhà máy của EDMI Limited, với vai trò là cán bộ của một công ty điện lực ở một thành phố phía Bắc muốn tìm hiểu về đồng hồ kỹ thuật số EDMI. Người tiếp chúng tôi là ông Sukant Behera, giám đốc tiếp thị vùng và ông Paul Poh, kỹ sư của EDMI. Ông Behera cho biết giá cả của đồng hồ kỹ thuật số rất vô chừng vì còn tùy thuộc các yêu cầu kỹ thuật. Chúng tôi nói muốn đặt mối quan hệ làm ăn trực tiếp với EDMI thì ông Behera cho biết: “Chúng tôi có mối quan hệ làm ăn với VN và nhiều dự án vẫn đang tiếp tục. Trước đây, Linkton từng là một đại lý của chúng tôi nhưng gần đây chúng tôi đã không còn hợp tác với nhau nhiều nữa”. Tuy nhiên sau đó chợt nghĩ ra điều gì, ông Behera ngưng cuộc nói chuyện và buộc chúng tôi phải trở về lấy giấy giới thiệu của công ty thì mới tiếp tục làm việc. |
Liên quan đến nhà máy sản xuất điện kế điện tử (ĐKĐT) 1 pha của Linkton tại Singapore, cô Judy lắc đầu: “Chúng tôi không muốn tiết lộ về nhà máy của công ty tại Singapore. Vả lại chúng tôi cũng đã đầu tư rất nhiều để xây dựng nhà máy Linkton Vina tại VN”. “Vậy chị có thể cho biết linh kiện lắp ráp ĐKĐT tại Linkton Vina có nguồn gốc từ đâu? Vì sao công ty không thể cung cấp giấy chứng nhận xuất xứ?”.
Cô Judy tỏ ra thận trọng: “Tôi không thể khẳng định bất cứ điều gì về nguồn gốc của ĐKĐT. Nhưng theo những gì tôi biết, ĐKĐT Linkton được đăng ký tại Singapore và đó là một nhãn hiệu hợp pháp. Công ty Linkton đã tham gia quá trình... thiết kế ĐKĐT, và một khi nó được thiết kế tại Singapore thì xuất xứ của nó chính là... Singapore”.
Trước những câu hỏi vì sao Linkton không có nhà máy nhưng vẫn có thể trúng thầu, chức năng kinh doanh thực tế là gì, công ty có từng tiếp đón đoàn cán bộ của Công ty Điện lực TP.HCM sang khảo sát nhà máy không, văn phòng của Linkton thật sự đang ở đâu..., cô Judy nói cô ghi nhận những ý kiến này và không thể bình luận gì thêm.
Ô, quá trời Linkton!
Vì những thông tin từ đại diện Linkton không thể làm sáng tỏ có công ty nào mang tên Linkton chuyên sản xuất ĐKĐT ở Singapore, chúng tôi trở lại một số cơ quan chức năng của Singapore để rà soát lại hồ sơ thành lập công ty. Thật bất ngờ, trong hồ sơ chúng tôi thu thập được có đến... năm công ty cùng có tên Linkton đều có liên hệ đến Wong Justin Kaleung và Wong Ka Ho.
Công ty đầu tiên trong “tập đoàn” này được thành lập vào ngày 20-1-2000 chỉ với cái tên Linkton. Trong đó, ông Wong Justin Kaleung vừa là chủ sở hữu vừa là người quản lý duy nhất (không thấy có tên các nhân viên khác). Linkton đăng ký hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bán sỉ tổng hợp và sản xuất cái ngắt điện.
Công ty thứ hai là Linkton Building Materials, được thành lập vào ngày 8-1-2001 để bán sỉ các sản phẩm bêtông, đất sét xây dựng và kinh doanh bán sỉ tổng hợp. Công ty này có hai chủ sở hữu là ông Wong Justin Kaleung và vợ ông là bà Lina Wong, trụ sở đặt tại 3016 Bedok North Ave 4, ESATech, cùng địa chỉ với “nhà thầu Linkton”.
Đến ngày 3-5-2001, hai vợ chồng ông Wong lại tiếp tục hùn vốn với một người nữa tên Tan Poh Seng để thành lập Công ty Linkton Building Materials Pte Ltd. Công ty này chuyên cung đốc. Điều trùng hợp là từ 16-6-2005, cả Linkton, Linkton Technologies và Linkton Singapore Pte Ltd cùng chuyển về địa chỉ mới là 583 Orchard Road, #16-01, Forum Galleria, Singapore, nơi phóng viên Tuổi Trẻ đã đến nhưng chỉ là một địa chỉ đăng ký nhờ để nhận thư từ.
“Công ty gia đình xuyên quốc gia”
Với kiểu kinh doanh lòng vòng như vậy nhưng trong đơn đề nghị cấp phép thành lập văn phòng đại diện tại VN, giám đốc Linkton là Wong Justin Kaleung viết: “Công ty Linkton được thành lập tại Singapore năm 2000. Giám đốc công ty từng có nhiều kinh nghiệm trong thị trường điện và điện tử trên thế giới.
Các dấu mốc hoạt động của “công ty gia đình xuyên quốc gia” * 20-1-2000: Linkton được thành lập (tại Singapore). * 8-1-2001: Linkton Building Materials được thành lập. * 3-5-2001: Linkton Building Materials Pte Ltd được thành lập. * 22-8-2002: Linkton Technologies được thành lập. * 27-12-2002: Văn phòng đại diện của Linkton tại VN được cấp phép. * 20-8-2003: Vợ chồng ông Lê Văn Hoành, phó giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM, ký thỏa thuận cho Linkton thuê toàn bộ căn nhà 43E-F Hồ Văn Huê để sản xuất lắp ráp thiết bị điện, làm phòng trưng bày, văn phòng với giá 2.500 USD/tháng. * 12-9-2003: Linkton Vina được cấp phép (liên doanh giữa Linkton và Công ty Quang Trung). * 20-10-2003: Linkton chính thức chuyển văn phòng đại diện từ Saigon Trade Center (quận 1) về nhà ông Hoành nhưng phía trước nhà lại gắn bảng hiệu... Linkton Vina. * 20-12-2003: Linkton Vina, Wong Ka Ho và bà Lê Thị Mười, vợ ông Lê Văn Hoành, ký thỏa thuận cho EDMI Vietnam (dự kiến sẽ được thành lập) thuê lại một phần căn nhà Hồ Văn Huê với giá 1.500 USD/tháng. * 12-4-2004: Linkton Singapore Pte Ltd được thành lập. * 12-4-2004: EDMI Vietnam được cấp phép thành lập (tại VN) |
Tuy nhiên, trong hồ sơ cá nhân của Wong Ka Ho và Wong Justin Kaleung mà chúng tôi có được, ngoài hệ thống “Linkton gia đình”, Kaleung còn tham gia Công ty Taicera Enterprise (s) Pte Ltd (thành lập ngày 23-4-2003), còn Ka Ho là nhà sáng lập Topwood Engineering (10-3-2005). Không có thông tin nào cho thấy Linkton có hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Trở lại hoạt động ở VN, sau khi nhận được giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại VN (vào 27-12-2002) thì ngày 14-1-2003, Wong Justin Kaleung lập tức ký giấy bổ nhiệm anh trai mình là Wong Ka Ho vào chức trưởng đại diện văn phòng. Và Wong Ka Ho cũng là người đã đại diện cho Linkton làm tất cả thủ tục để xin cấp giấy phép đầu tư thành lập Công ty TNHH Linkton Vina, liên doanh giữa Linkton và Công ty TNHH SX và TM Quang Trung. Sau khi liên doanh này được cấp phép ngày 12-9-2003, Wong Justin Kaleung nắm giữ chức tổng giám đốc, Wong Ka Ho và ông Trần Công Điền, nguyên phó giám đốc của Công ty Điện lực TP.HCM, cùng ở vị trí phó tổng giám đốc.
Gần ba tháng sau, ngày 25-12-2003, Wong Ka Ho lại đứng ra xin giấy phép đầu tư thành lập doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài có tên là EDMI Vietnam Co. Ltd với ngành nghề kinh doanh chính là cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa đồng hồ điện EDMI. Công ty được cấp phép ngày 12-4-2004 với tổng vốn đầu tư là 500.000 USD, trong đó Wong Ka Ho góp 49% và EDMI Limited, một hãng chuyên sản xuất các loại đồng hồ đo điện năng của Singapore, góp 51%. Wong Ka Ho nắm giữ chức tổng giám đốc EDMI Vietnam.
Tuy nhiên trước đó, ngày 20-12-2003, ông Wong Ka Ho, với chức danh phó tổng giám đốc Linkton Vina và thay mặt cho các chủ đầu tư của EDMI Limited, đã ký thỏa thuận với bà Lê Thị Mười, chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà số 43E-F Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận, để thuê lại một phần căn nhà từ Linkton Vina (trong khi toàn bộ căn nhà này, vợ chồng ông Lê Văn Hoành đã cho Công ty Linkton thuê chứ không phải Linkton Vina).
Việc hàng loạt các công ty Linkton được thành lập tại Singapore đều có chung một chức năng “xuất nhập khẩu tổng hợp” có liên quan gì đến việc nhập linh kiện ĐKĐT để Công ty Linkton VN lắp ráp ở VN hay không, chúng tôi sẽ tiếp tục làm rõ.
Tuy nhiên, qua điều tra của phóng viên Tuổi Trẻ cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng Singapore liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, chúng tôi có thể khẳng định rằng không hề có một công ty Linkton nào ở Singapore chuyên về sản xuất các sản phẩm điện và điện tử, máy móc và thiết bị phát điện, cáp và dây dẫn... như Linkton đã khai báo khi thâm nhập vào thị trường VN, cũng như không có một công ty Linkton chuyên về sản xuất ĐKĐT tại Singapore.
Và như thế, hồ sơ xin thành lập văn phòng đại diện của Linkton, hồ sơ Linkton xin thành lập Công ty liên doanh Linkton Vina và hồ sơ dự thầu (và trúng thầu) của Công ty Linkton có được xem là hợp pháp không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận