![]() |
Tự dưng tôi thấy mình có lỗi. Hơn thế, tôi vô cùng kinh ngạc trước xúc cảm quá ư đặc biệt của sư thầy lần này. Sư thầy bật khóc vì nghe tôi kể chuyện về cây nguyệt quế, về con mèo mun hay là chuyện của hai người đàn bà gốc Bắc, đồng hương với sư thầy? Tôi không biết, chỉ đến lúc nhìn thấy hai giọt nước mắt lăn trên gương mặt thường nhật vốn dĩ bình thản đến xa cách của thầy, tôi chợt nhớ lời người dạy: người tu hành phải biết tự hóa giải mọi tục lụy trần gian mới mong đạt đến cứu cánh giải thoát.
Một con mèo thích nghe nhạc, chỉ duy nhất một bài, mà lại phải là bài nhạc được ghi trong cuốn băng cassette đầy tạp âm vì quá xưa cũ và cũng bởi sử dụng quá nhiều lần.
Bạn tin không?
Một sớm đầy nắng. Nắng rọi qua mấy song gỗ mun của khung cửa sổ lùa hiên trước nhà hậu. Nhìn nắng chờn vờn trên tấm lưng con mèo mướp mập ú của sư thầy nuôi trong chùa, bất giác tôi muốn hỏi rằng sư thầy cho mèo ăn chay hay ăn mặn vì chợt nhớ chuyện con mèo của Trạng Quỳnh nhưng lại thôi. Cũng may mà cái miệng của tôi còn thắng kịp lúc chứ không thì... ngớ ngẩn biết chừng nào. Hỏi câu ấy chẳng khác nào dám hỏi có lúc nào thầy khóc một mình hay than vãn một mình vì thế thái nhân tình hay không.
Chẳng lý giải bằng chân tướng khoa học mà cũng không lý giải theo ánh sáng Phật pháp, sư thầy im lặng và cũng nhìn nắng chờn vờn trên tấm lưng con mướp mập ú. Thôi, chuyện mèo biết thưởng nhạc, thầy chưa giải thích tôi để bụng... "tự xem sao".
Con mèo mun già một màu lông đen tuyền ấy đã bao nhiêu tuổi, không ai biết. Từ ngày bà Bắc dọn về ngôi nhà ngói thâm u và lặng lẽ thì nó cũng đã chừng ấy. Trong chừng bấy năm nó chỉ già đi và đôi mắt thì trong vắt màu vàng chanh, một màu vàng vừa xa xăm vừa bí ẩn, màu của đạo sĩ. Mấy người hàng xóm không ưa tính ít nói và kín đáo của chủ nhân ngôi nhà, họ bảo bà hách dịch và kênh kiệu, và còn rỉ tai với nhau rằng người đàn bà gốc Bắc kia có hành tung mờ ám rất khả nghi với con mèo mun đã hóa linh miêu.
Mẹ tôi bảo linh miêu mà phóng qua xác người thì xác người bật dậy và ôm chầm lấy bất kỳ ai thì người đó chết theo nên người ta hay lừa cho xác người ôm chầm phải cột nhà để bật ngửa ra mà chết lần... hai. Bạn tin không? Rồi chuyện đúng ngọ linh miêu chỉ cần nhìn con chim trên cây thì chim rụng xuống đất chết tươi. Nhiều người đàn bà trong ngõ nhỏ nhà tôi còn khẳng định rằng từ ngày có bà Bắc dọn về xóm mình đâu còn con se sẻ nào dám léo hánh.
Ngôi nhà ngói có chậu nguyệt quế ở góc sân của người đàn bà cô độc vẫn lặng lẽ và bí ẩn. Người đàn bà và một con mèo, đúng hơn là một con linh miêu. Bất giác tôi nghĩ đến ngày cuối cùng của người bạn láng giềng của mẹ tôi và liên tưởng đến sự có mặt của con linh miêu mà sởn gai ốc. Rủi lúc bà "nằm" một mình khi chưa ai phát hiện mà linh miêu nhảy qua thi thể thì sao nhỉ.
Tôi cố nhớ lại, nhớ cho rõ, cho chắc chắn mười mươi là ngôi nhà của bà không có chiếc cột nào (nếu cái xác chết chạy bừa thì tông phải vách tường mà lăn đùng ra... chết lại thôi!). Tôi biết được như vậy vì trong một lần sang mời bà qua nhà trò chuyện cùng mẹ tôi. Lúc ấy bà đang nằm trên chiếc ghế dựa, tay ôm con linh miêu, cả hai cùng nghe Thái Thanh hát Đôi mắt người Sơn Tây.
Bà Bắc là đồng hương với mẹ. Cám cảnh người bạn vong niên một mình đơn độc nên dẹp một bên điều tiếng thị phi, mẹ thân tình với bà. Và còn điều này, chính Phật pháp làm cho hai người xích lại gần hơn. Hai bà là phật tử thuần thành và thường đến lễ Phật ở chùa Hải Long. Có lẽ sư thầy cũng là người đồng hương nên ngoài tình sư đệ ra họ còn chung một nỗi "ta nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/em có bao giờ em nhớ thương"?
Điều này thì tôi chỉ giữ kín trong bụng chứ biết được mẹ tôi sẽ giận vì cho là tôi bất kính với sư thầy. Ngay cả như việc tôi thắc mắc vì sao bà Bắc về quê rồi mà không ở được ngoài ấy lại trở vô, mà mẹ cho là tôi xúc phạm đến nhân cách người quê mẹ vì ngầm cho rằng bà con không biết bảo bọc nhau.
Mẹ tôi luôn sống bằng hoài niệm. Ngày bà Bắc mất, mẹ rất buồn, sai tôi lau chùi lại bức hình chụp cảnh hồ Tây có mấy cành cây la đà, có đôi tình nhân âu yếm bên nhau nhìn hoàng hôn đang đậu xuống mặt hồ. Bức hình ấy trông cũ kỹ và nhàm chán vì nhà nào có người gốc Bắc là y như rằng có chưng bức hình ấy.
Tôi chưa hiểu mẹ và những người xa xứ? Một đêm nhớ ra, mẹ lấy cuộn băng cassette cũ kỹ, kỷ vật của người bạn quá cố, run run bỏ vào máy. Run run nhấn nút play. Tiếng đàn violon réo rắt như tiếng đàn nhị của ông già mù đầu phố ngày bé mẹ vẫn nghe. Một nỗi buồn nẫu nẫu như tàu chuối úa rách bươm trong chiều cả gió. "Thương nhớ ơ... hờ...". Tiếng hát Thái Thanh trong veo, cao vút bay vào trời đêm... Suốt cả cuộn băng chỉ có một bài Đôi mắt người Sơn Tây.
Bỗng trong gió như có tiếng khóc. Mẹ run run vặn nhỏ volume máy hát. Nghe rõ dần thì ra là tiếng mèo. Linh miêu? Từ ngày chủ mất, nó bỏ nhà. Nay nghe bài hát bỗng quay về?
Ngoài hiên trăng sáng. Tôi ra sân quan sát. Chỉ có ánh trăng đổ vàng lên thềm, lên đám hoa nguyệt quế trắng xóa và thơm nồng nàn. Không thấy bóng dáng linh miêu. Tôi trở vào nhà, mẹ đang ngồi niệm Phật mà mắt chăm chắm về phía tấm hình hồ Tây.
Thái Thanh vẫn "Thương nhớ... ơ hờ...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận