27/07/2008 04:15 GMT+7

Linh hồn Việt cộng

VIỆT HOÀI
VIỆT HOÀI

TT - Vẫn là những bộ hài cốt vô danh, những gương mặt lam lũ mỏi mòn chờ đợi, những người lính Mỹ mang "hội chứng Việt Nam" và những giọt nước mắt người thân liệt sĩ dù cố gắng vẫn vỡ òa, đau xé...

Ri0QSOnm.jpgPhóng to

Homer Steedy trước bàn thờ liệt sĩ Đảm ở quê nhà - hình ảnh trong phim

TT - Vẫn là những bộ hài cốt vô danh, những gương mặt lam lũ mỏi mòn chờ đợi, những người lính Mỹ mang "hội chứng Việt Nam" và những giọt nước mắt người thân liệt sĩ dù cố gắng vẫn vỡ òa, đau xé...
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Nhưng không có nỗi đau nào giống nỗi đau nào. Chính vì thế bộ phim tài liệu mới nhất của đạo diễn Minh Chuyên Linh hồn Việt cộng vừa chiếu trên VTV1 tối 23-7-2008 đã nhận được sự đồng cảm và chia sẻ sâu sắc của hàng vạn người xem.

Trước lượng thư yêu cầu quá lớn trong hai ngày 24 và 25-7-2008, Đài truyền hình VN đã quyết định phát lại bộ phim này vào giờ vàng trên VTV1, đúng vào tối 27-7-2008, ngay sau buổi tường thuật trực tiếp lễ kỷ niệm Ngày thương binh - liệt sĩ.

Hai bờ Thái Bình Dương và một nỗi đau

Nhà văn - đạo diễn Minh Chuyên chuyên viết về đề tài thương binh - liệt sĩ và hậu chiến. Từ sau hai truyện ký rất nổi tiếng Thủ tục làm người còn sống Người không cô đơn được chuyển thể thành kịch bản sân khấu, ông đã có gần 100 truyện ngắn, ký, kịch bản phim tài liệu về đề tài này. Riêng phim tài liệu về thương binh, liệt sĩ và hậu chiến, ông đã làm tới 25 phim.

39 năm rồi nhưng cái khoảnh khắc mà người lính Mỹ Homer Steedy nhìn thấy người lính Việt cộng cầm lưỡi lê lao thẳng vào mình vẫn không bao giờ có thể xóa nhòa được. Là một chiến binh, anh ta phản ứng rất nhanh và bóp cò súng. Đạn đi nhanh hơn lưỡi lê. Người lính Việt cộng chết ngay trước mặt anh ta. Lần đầu tiên anh ta giết người. Một người lính còn quá trẻ. Cái chết đeo đẳng người lính Mỹ suốt phần đời còn lại.

Homer giữ lấy những di vật của người lính đối phương đã chết, gửi về nước nhờ mẹ giữ hộ, với mong ước một ngày nào đó có thể trả nó về cho thân nhân của người lính Việt cộng. Những di vật của một người lính Việt cộng thời ấy chỉ giản dị có hai quyển sổ: một quyển ghi những bài học giải phẫu cơ thể, sơ cứu vết thương; một quyển ghi "Những dòng lưu niệm" với tên tuổi, quê quán những người bạn thân và chi chít những công thức toán học cấp III. Ngoài ra còn vài lá thư, ba tờ giấy khen.

Hết thời hạn quân dịch ở VN, Homer về nước, lại là một nông dân làm việc trong trang trại của gia đình ở Carolina. Một cựu binh mắc hội chứng VN khó mà có một cuộc sống khá giả. Không thể đủ tiền cho một chuyến quay lại VN, anh đành ôm nỗi day dứt của mình suốt gần 40 năm, cho đến một ngày...

Suốt gần 40 năm ấy, gia đình người lính Hoàng Ngọc Đảm ở xã Thái Giang, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình mang nặng một nỗi khổ tâm, đau đớn vì con-em-anh trai họ đã hi sinh ở chiến trường nhưng lại "nghe đồn" đã chiêu hồi và đang sống giàu sang sung sướng trên đất Mỹ. Có tin đồn ấy vì xác anh Đảm không tìm thấy, cả những gì thuộc về tư trang hành lý mang theo người cũng không. Nỗi đau mất người thân phải chịu cùng lúc với nỗi oan khó gột rửa thật là một gánh nặng ghê gớm.

Ở hai bên bờ Thái Bình dương, trong hai làng quê khác nhau của VN và Mỹ, cùng có những con người chịu đau đớn giằng xé gần 40 năm vì một linh hồn Việt cộng chưa được yên nghỉ.

Bộ phim ngắn của đạo diễn Minh Chuyên gây xúc động lớn vì đã lột tả được nỗi đau, sự day dứt ấy.

Linh hồn Việt cộng và bà mẹ Mỹ

Phim cũng khiến người ta thấy được sự ăn năn, thành tâm của người lính bên kia chiến tuyến từng xả súng bắn vào "chiến sĩ mình". Ống kính tài liệu đã đặc tả được sự hoang mang, lo lắng ngơ ngác của Homer khi bước chân vào cổng nhà anh Đảm, chứng kiến tiếng gào như xé ruột của em gái anh, ánh mắt lặng lẽ âm thầm của vợ anh, người vợ mà Đảm cưới trước khi ra mặt trận có sáu ngày. Dù đã được báo trước tất cả tình cảnh gia đình, Homer vẫn có một thoáng lo lắng, sợ hãi bị trả thù.

Hành trình đi tìm hài cốt anh Đảm ở Tây nguyên (huyện Ayun Pa, Gia Lai) cũng được ghi chép với sự chân thật và cảm động. Vì người làm phim thật sự cùng tham gia tìm kiếm với gia đình và người cựu binh Mỹ nên bộ phim truyền tải được không khí khắc khoải, hồi hộp, mong ngóng từ lúc lên tàu vào Nam đến khi đặt chân đến Tây nguyên, theo trí nhớ của Homer và cùng với chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng, tìm được gò đất bên gốc cây bằng lăng. Và những mái đầu chụm lại, những nhát xẻng đầu tiên chạm đất...

Một nhân vật không có nhiều hình ảnh nhưng có vai trò rất quan trọng trong hành trình trở lại VN của Homer là mẹ anh. Ngày nhận được chiếc balô con trai gửi từ VN về, bà đã khóc và nói với chồng: "Ở VN, bà mẹ của người lính này hẳn phải đau khổ lắm vì mất con. Người con của bà lại do chính con chúng mình giết hại. Một ngày nào đó, tôi và ông, nếu ai còn đủ sức sẽ cùng Homer sang VN trả lại những kỷ vật cho anh lính xấu số này". Sự đồng cảm của mọi người mẹ trên Trái đất đã khiến người mẹ Mỹ có một hành động đáng cảm kích.

Không còn sức sang VN, trước khi chết, bà chia đôi số tiền dành dụm cả đời của mình: một nửa cho con trai chữa trị "hội chứng VN", một nửa để anh làm lộ phí sang VN. Đạo diễn nói: "Tiếc là tôi không có điều kiện quay những hình ảnh về bà mẹ Mỹ tuyệt vời này, nhưng câu chuyện mà người con trai kể lại làm tôi cực kỳ xúc động, tôi muốn đưa nó vào để người xem hiểu và hoàn toàn tin được vì sao Homer quyết tâm quay lại VN đến thế - vì anh có một người mẹ như vậy".

Bộ phim kết thúc với những hình ảnh được dàn dựng, nhưng rất tự nhiên hòa nhập với không khí của câu chuyện kết thúc có hậu này: nghi thức đưa tiễn liệt sĩ. Đội cựu chiến binh xã mặc đồng phục trắng nâng quan tài lên tay, bước chầm chậm. Homer hai tay nâng quan tài đi đầu. Anh cao lênh khênh nên phải cúi gập lưng mới bằng mọi người.

Đi bên Homer là Wayner Karlin và Dong Reese (hai nhà văn cựu binh Mỹ gắn bó với VN và chính là cầu nối để tin tức về di vật của Đảm đến được với thân nhân của anh). Đi theo sau cỗ quan tài là gia đình, họ hàng, làng xóm. Dòng người trải dài trên đường làng.

Trong nghĩa trang liệt sĩ, Homer vốc một nắm đất từ từ thả lên nắp quan tài. Những giọt nước mắt lặng lẽ lăn xuống. Khóc cho hận thù qua đi, cho sự tha thứ và bình yên sẽ đến.

VIỆT HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên