16/05/2004 23:36 GMT+7

Lính "bay"

XUÂN HIẾU
XUÂN HIẾU

TT - Năm 2003, Trường sĩ quan không quân chỉ tuyển được 132 thí sinh trong tổng số 3.000 thí sinh đăng ký. Sau đó tiếp tục loại, chỉ chọn được 1/3 trong số đó vào học chính thức...

vorU30M1.jpgPhóng to
Thực tập bay theo mô hình
TT - Năm 2003, Trường sĩ quan không quân chỉ tuyển được 132 thí sinh trong tổng số 3.000 thí sinh đăng ký. Sau đó tiếp tục loại, chỉ chọn được 1/3 trong số đó vào học chính thức...

Sáng sớm, thời tiết đẹp, nắng trải, gió thổi nhè nhẹ, sóng biển rào rạt.6 giờ 15, tiếng báo cáo của phi công về đài chỉ huy:

- 80, chuẩn bị tốt, xin mở máy.

- Chuẩn bị tốt, mở máy, 80 - đài chỉ huy trả lời.

Tiếng động cơ nổ giòn tan mạnh dần khu sân đỗ. Chiếc L39 rung nhẹ...

- 80, mở máy tốt, xin lên đường băng.

- Lên đường băng, 80.

Chiếc L39 từ từ lăn bánh.

- 80, xin phép cất cánh.

Khẩu lệnh từ đài chỉ huy phát ra: Bây giờ là 6 giờ 20 phút. Đoàn không quân C10 bắt đầu bay... Hiệp điều la bàn, ghi thời gian... 80 cất cánh.

Từng chiếc, từng chiếc L39 lướt nhanh trên đường băng rồi nhổm mình cất khỏi mặt đất vút lên. Những cánh “hải âu” (tên gọi thân mật của máy bay) đã làm cho bầu trời trên đồng lúa Tuy Hòa thêm sống động và như đẹp hơn.

...Khởi đầu nan

Trước đây, khu đất nằm phía nam sân bay Đông Tác (Tuy Hòa, Phú Yên) này chỉ có rừng dương, cát trắng và một số con đường trải nhựa đã lỗ chỗ ổ gà.

Từ tháng 5-2003, đây là nơi đào tạo phi công chiến đấu của Đoàn không quân C10 (Trường Sĩ quan không quân) - đơn vị đã có truyền thống hơn 45 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành; đã từng làm cho “thần sấm”, B52... của Mỹ phải khiếp đảm.

Cán bộ chiến sĩ trong đơn vị cho biết lúc mới từ Nha Trang ra, đây là nơi khí hậu khắc nghiệt, nắng gió như hoang dại. Nhưng rồi...

Thiếu tá Phan Đăng Thạnh, phó chủ nhiệm chính trị, đưa tôi đi thăm doanh trại. Dần dần tôi nhận ra vóc dáng của một công trình. Từ các khu nhà làm việc, học tập, nhà ở, nhà ăn, bệnh xá đến sân bóng, bãi tập thể thao... đều được qui hoạch hợp lý, trong đó nhiều hạng mục đã được xây dựng hoàn chỉnh, khang trang.

Trong sân bay, một số “hải âu” đang nằm nghỉ ngơi trong những vòm che màu xám xịt, đứng xa trông như những vỏ sò xếp đều nhau. “Đến cuối 2005 hoặc sang năm 2006 công việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở đây mới hoàn chỉnh.

Dù vậy, đầu tháng ba vừa qua, khóa huấn luyện phi công đầu tiên tại vùng đất Hòa Hiệp, huyện Tuy Hòa anh hùng này cũng là khóa huấn luyện thứ 70 của đơn vị chính thức bắt đầu” - thiếu tá Thạnh cho biết.

U3PMCBqq.jpgPhóng to
Lễ ra quân huấn luyện bay tại sân bay Đông Tác
1kg trọng lượng thân thể = 1kg vàng

Theo chân thiếu tá Thạnh, tôi đến thăm một phi đội huấn luyện bay. Đang tầm nửa buổi sáng. Nắng trải đầy mặt đường. Hơi muối mặn theo gió quất vào mặt, bám vào môi mặn chát.

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc là trung tá Phạm Văn Sáng, phi đội trưởng phi đội 1, người đã có thâm niên 24 năm lái máy bay chiến đấu với gần 2.000 giờ bay.

Hỏi về nghề phi công, anh cho biết: muốn trở thành phi công lái máy bay chiến đấu đầu tiên là sức khỏe, được kiểm tra hai vòng từ lúc còn là học sinh trung học phổ thông. Nhiều chi tiết tưởng như nhỏ nhặt nhưng cũng có thể bị loại ngay từ đầu như thuận tay trái, mắt một mí, gan bàn chân dày... Hoặc nếu như người nào chỉ cần một cái răng có vấn đề, mũi có triệu chứng xoang là... đành ngậm ngùi chia tay ước mơ chinh phục bầu trời.

Ở vòng 2, quá trình khám còn gắt gao hơn. Ngoài hàng trăm danh mục về 12 bộ dây thần kinh, các loại chuyên khoa nội, ngoại, chụp, chiếu, soi... thí sinh còn phải ngồi ghế quay (như đang bay lượn) trong vòng ba phút với vận tốc 30 vòng/phút để kiểm tra cơ quan chức năng tiền đình. Người nào không chịu đựng nổi như ngất xỉu hoặc bị nôn sẽ bị loại “khỏi vòng chiến đấu”.

Ngoài ra, thí sinh còn phải làm một số bài tập kiểm tra tri giác không gian. Cuối cùng là ngồi buồng khí áp trong môi trường thiếu ôxy giống như ở độ cao 300 - 500m. Nếu qua được hai lần kiểm tra sức khỏe nghĩa là thí sinh có đủ điều kiện dự thi. Tuy nhiên, thi đậu trở thành học viên của Trường Sĩ quan không quân rồi cũng mới “đặt được một chân” vào khoang lái máy bay.

Anh Sáng cho biết thêm để đào tạo một phi công phải mất năm năm. Trường Sĩ quan không quân là nơi duy nhất được giao nhiệm vụ đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu của nước ta. Cứ hai học viên là “một lớp” do một giáo viên hướng dẫn.

Hai năm đầu chỉ rèn luyện thể lực, học chính trị và lý thuyết; bước sang năm thứ ba mới tập bay, từ đơn giản đến phức tạp. Có không ít trường hợp (20 - 30%) đã qua năm thứ tư, nhưng sang năm cuối không thực hiện nổi các động tác nhào lộn phức tạp nên bị loại.

Trên thế giới, theo tính toán của các nhà chuyên môn, để đào tạo được một phi công chiến đấu phải chi phí khoảng 1 triệu USD. Còn ở VN, người ta đã đi đến đúc kết: giá trị của một phi công được tính bởi số vàng cân nặng đúng bằng trọng lượng cơ thể anh ta.

Phải có thần kinh thép và...

Đưa tôi ra bãi tập dã chiến giữa rừng dương, một bên là các học viên đang tập cất cánh, hạ cánh bằng mô hình trên tay, một bên là các giáo viên đang giao nhiệm vụ trước ngày bay.

Anh Sáng cho biết để thực hiện một chuyến bay, công tác chuẩn bị phải được tiến hành trước đó một ngày về hiệp đồng, biểu diễn, luyện tập buồng lái, kiểm tra kết quả công tác chuẩn bị... Trường hợp trong ngày vì thời tiết xấu không bay được, muốn bay lại vào hôm sau thì phải chuẩn bị, hiệp đồng lại từ đầu.

“Vì một mình trên không nên đòi hỏi các phi công phải có bản lĩnh chính trị, xử lý tình huống thông minh, nhanh nhạy. Đặc biệt, khi đã bước lên máy bay thì phải gác bỏ mọi buồn phiền, ưu tư trong cuộc sống (nếu có), tập trung cho chuyến bay” - anh Sáng nói.

Anh kể một lần anh đang bay đơn (bay một mình), do bị chập điện tuột tay ga, máy bay điều khiển không theo ý muốn. Sau một chút hoang mang anh trấn tĩnh tinh thần và tìm cách cho máy bay hạ cánh.

Hay như năm 2001, một phi công trẻ của quân chủng phòng không - không quân trong một lần bay huấn luyện, một động cơ máy bị hỏng. Bình tĩnh, dũng cảm, phi công này đã đưa máy bay về hạ cánh an toàn, bảo vệ được máy bay dù trong trường hợp đó anh hoàn toàn được phép nhảy dù.

“Trong nhiều tình huống, tình huống đang bay mà máy bay bị chết máy là khó khăn nhất, yêu cầu phải hạ cánh ngay. Lúc này nếu có tính quyết đoán, thông minh và bình tĩnh vẫn có thể cho máy bay hạ cánh an toàn”.

Khi tôi chuẩn bị rời Đoàn không quân C10 cũng vừa lúc một cánh bay trở về. Từng cặp thầy trò phi công bước xuống sân bay với nụ cười rạng rỡ.

Bắt chuyện với Nguyễn Duy Hải, quê Hải Phòng, một học viên bay năm 3, Hải bộc bạch: “Tôi đã học bay được một năm ở Nha Trang. Ra với Tuy Hòa còn khó khăn lắm. Nhưng làm phi công chiến đấu là ước mơ của tôi từ khi còn là học sinh phổ thông nên vượt qua được hết, anh ạ”. Đó cũng là tâm sự chung của những học viên phi công ở Đoàn không quân C10.

XUÂN HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên