06/08/2008 14:15 GMT+7

Lilian Thuram: bước ra từ bóng tối, bước vào là lịch sử

NHẬT ANH
NHẬT ANH

TTO - Ngày 10-6-2008 sẽ là một ngày bình thường như mọi ngày nếu như Lilian Thuram không khoác lên người chiếc áo lam, bước ra sân thi đấu với tuyển Romania trong khuôn khổ vòng bảng Euro 2008. Từ lúc ấy, ngày 10-6-2008 trở thành một phần lịch sử của tuyển Pháp, phần lịch sử có tên Thuram.

TTO - Ngày 10-6-2008 sẽ là một ngày bình thường như mọi ngày nếu như Lilian Thuram không khoác lên người chiếc áo lam, bước ra sân thi đấu với tuyển Romania trong khuôn khổ vòng bảng Euro 2008. Từ lúc ấy, ngày 10-6-2008 trở thành một phần lịch sử của tuyển Pháp, phần lịch sử có tên Thuram.

Người cận vệ cuối cùng

Có lẽ Thuram không thích người ta gọi anh là trung vệ, anh thích được gọi là cận vệ hơn. Vị trí của Thuram trên sân bao giờ cũng là người gần thủ môn nhất, anh không phải là mẫu hậu vệ “chặt chém”, vào bóng như một chiếc máy ủi. Anh thường chọn cho mình một vị trí, một chỗ đứng tốt nhất có thể tạo thành ưu thế ngay khi tranh chấp với tiền đạo đối phương. Trong những pha mặt đối mặt, sự lạnh lùng của Thuram giúp anh giành chiến thắng.

Sinh ngày 1-1-1972 ở xứ Guadeloupe thuộc Pháp, Thuram nhanh chóng nổi lên như một hậu vệ cừ khôi trong màu áo đội bóng công quốc Monaco. Thành danh từ khi chuyển sang Serie A chơi cho AC Parma, Thuram đã góp phần lớn xây dựng nên một “thế hệ vàng” mới của bóng đá Pháp, với đỉnh cao là chức vô địch thế giới năm 1998 trong một trận chung kết kỳ lạ với tuyển Brazil.

Sau kỳ Euro 2004 thất bại, những trụ cột tuyển Pháp rủ nhau rút lui. Thuram cũng vậy. Nhưng đáp lại “lời hiệu triệu” của Raymond Domenech, Thuram quay lại năm 2005, góp công lớn để tuyển Pháp lọt vào vòng chung kết World Cup 2006. Nhưng rồi “Les Blues” lại thua Ý trong trận cuối cùng. Buồn bã cùng cực, những lão tướng lại tuyên bố ra đi, chỉ còn mình Thuram ở lại. Nếu anh đi nốt, ai sẽ gánh vác hàng thủ cho “Les Blues” vốn nhiều năm chưa tìm ra một gương mặt sáng giá?

Ở tuổi 36, Thuram vẫn đầy nghị lực bước vào cuộc chiến mới ở Euro 2008. “Ông già” Thuram vẫn đá tốt và trở thành cầu thủ thi đấu nhiều trận nhất ở các vòng chung kết Euro, qua mặt cả Luis Figo, Karel Poborsky và người đồng đội Zinedine Zidane. Trên bình diện tuyển Pháp, Thuram vượt qua cả Didier Deschamp và Marcel Desailly về số lần khoác áo đội tuyển (141 lần), một kỷ lục còn lâu mới bị phá.

Đi đến đâu Thuram cũng mang lại vinh quang cho đội bóng đó. Ở AS Monaco là cúp quốc gia (1990-1991), ở Parma là cúp UEFA (1998-1999), cúp Ý (1998-1999), ở Juve là một seri chức vô địch Serie A cộng thêm hai siêu cúp Ý.

Có thể Thuram không phải là cầu thủ nổi tiếng nhất của tuyển Pháp, nhưng những kỷ lục mà Thuram tạo lập đã biến anh thành một tượng đài sống. Ở một đất nước ưa chuộng nét hào hoa, kiểu đá phòng ngự “điệu nghệ” của Thuram đủ sức làm mê mẩn người Pháp, rồi đến cả Serie A cũng “chết mê chết mệt” Thuram. Trên 15 năm thi đấu đỉnh cao, trong đó có 10 mùa bóng ở Calcio, Thuram chính là biểu tượng quảng cáo sống động nhất cho kiểu phòng ngự đặc trưng Gaulois!

Trái tim không ngủ yên

Thật kỳ lạ là mãi khi đã ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp, một cuộc kiểm tra y tế cho có lệ đã phát hiện Thuram có một quả tim to bất thường. Theo Thuram, gia đình anh vốn cũng có tiền sử bệnh tim và thậm chí một người anh của Thuram cũng từng qua đời vì bệnh này. Như vậy cũng có nghĩa là 15 năm qua hậu vệ cự phách của thế giới đã chiến đấu và chiến thắng hết trận này đến trận khác, trước những đối thủ đẳng cấp hàng đầu, bằng một con tim khuyết tật!

Thuram vừa vui vừa buồn. Buồn vì khát vọng được thi đấu tiếp dù tuổi đã cao của Thuram cho Paris St Germain không thành. Nhưng Thuram nên cười mới phải vì mấy ai có thể khẳng định trong những ngày ngắn ngủi thi đấu đỉnh cao, con tim Thuram không một lần lỡ nhịp, và biết đâu thế giới lại có thể phải chứng kiến thêm một sự ra đi đau lòng trên sân cỏ…

Giải nghệ, Thuram lập tức nhận được lời mời từ Liên đoàn Bóng đá Pháp (FFF) trong một đề án cải tổ nhân sự của tổ chức này. Có cả danh tiếng, danh hiệu cùng uy tín, Thuram là một cầu thủ “sạch” không chỉ trên sân bóng mà ngay cả trong cuộc sống ngoài đời. Anh còn là một thành viên tích cực hoạt động cho việc chống phân biệt chủng tộc trong bóng đá. Vấn để chỉ còn chờ cái gật đầu của hậu vệ da màu.

Miễn cưỡng khi nói lời chia tay sân cỏ, Thuram vẫn chưa đưa ra quyết định nào cho tương lai. Thời gian không chờ đợi ai, và rồi thì người cận vệ cuối cùng, chứng nhân cho một thời kỳ huy hoàng nhất của bóng đá Pháp cũng đã kết thúc sự nghiệp. Trái tim vẫn còn muốn đập nhịp đập sân cỏ. Tiếc thay, đó lại là một con tim khuyết tật…

NHẬT ANH

NHẬT ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên