Reuters cho biết ngày 18-3, hàng trăm người tụ tập ở thành phố Sitra tham gia lễ tang một người biểu tình thiệt mạng trong vụ đụng độ ngày 16-3, ngày được mô tả là “ngày đẫm máu nhất” kể từ khi cuộc biểu tình nổ ra khiến ít nhất ba dân thường thiệt mạng. Ngày trước đó, bảy thủ lĩnh phe đối lập đã bị bắt giữ và một cuộc biểu tình ở Deih, phía tây thủ đô Manama, đã bị giải tán bằng súng ngắn và hơi cay.
Hàng trăm người đã bị thương kể từ khi Bahrain tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia kéo dài ba tháng, bắt đầu từ 15-3, và cho phép khoảng 1.000 binh lính Saudi Arabia vào hỗ trợ.
Truyền thông phương Tây đưa tin quân đội Bahrain đã phong tỏa một bệnh viện lớn ở Manama và một số trung tâm y tế. Nhân viên y tế cho biết họ bị đánh khi giúp đỡ những người bị thương trong đợt biểu tình. Trong khi đó kênh truyền hình quốc gia cho biết về một chiến dịch nhằm “thanh lọc những kẻ phá hoại”.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã bày tỏ “quan ngại sâu sắc nhất” và cho rằng “những động thái như vậy có thể vi phạm nhân quyền và nhân đạo quốc tế”, trang aljazeera.net dẫn lời ông Ban Ki Moon. Lãnh đạo Cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc Navi Pillay mô tả việc chiếm giữ các bệnh viện là “gây sốc và phạm luật”.
Lãnh đạo phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton kêu gọi Bahrain kiềm chế, trong khi Tổ chức Ân xá quốc tế chỉ trích việc Bahrain dùng súng ngắn, hơi cay và đạn cao su đối với người biểu tình.
“Làm sao có thể chấp nhận một chính phủ mời quân đội nước ngoài vào để gây áp lực lên chính người dân của mình” - Ngoại trưởng Iran Ali Akbar Salehi lên tiếng trong thư gửi ông Ban Ki Moon.
Mỹ gọi việc đưa quân vào Bahrain là sai lầm của Saudi Arabia và các nước vùng Vịnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận