11/03/2011 11:15 GMT+7

Libya: di tích văn hóa không bị hư hại vì bất ổn

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
THƯỜNG NGA (Theo Reuters)

TTO - Người Libya tỏ ra quyết tâm bảo vệ di sản văn hóa phong phú của họ trong thời kỳ bất ổn, bảo vệ các di tích khỏi nạn cướp bóc như trong cuộc cách mạng ở nước láng giềng Ai Cập tháng trước.

73BigSRR.jpgPhóng to
Một tàn tích của thành phố cổ Leptis Magna, cách thủ đô Tripoli 130 km về phía đông - Ảnh: Reuters

Bị hầu hết các nền văn minh thống trị khắp vùng Địa Trung Hải chinh phục, kho tàng di sản văn hóa giàu có của Libya có Leptis Magna, một thành phố ven biển nổi tiếng của đế chế La Mã, cách thủ đô Tripoli 130km về phía đông. Nơi sinh của hoàng đế Septimius Severus, giảng đường, phòng tắm bằng cẩm thạch, đường phố với những hàng cột và nhà thờ ở thành cổ này được coi là viên ngọc quý trên chiếc vương miện di sản La Mã.

"Cho đến nay, người ta không ghi nhận bất kỳ khu vực di sản văn hóa nào của Libya bị ảnh hưởng bởi tình trạng lộn xộn" - Hafed Walda, người tư vấn cho cục cổ vật của đất nước này và đã từng dẫn đầu một cuộc khai quật ở thành cổ Leptis Magna, cho biết.

Tháng 1-2011, lợi dụng tình trạng hỗn loạn, những kẻ cướp đã đột nhập vào Bảo tàng Ai Cập (Cairo, Ai Cập), nơi lưu giữ bộ sưu tập các báu vật của Pharaoh lớn nhất thế giới, đập vỡ một số bức tượng và làm hư hại hai xác ướp.

"Chúng tôi luôn lo lắng về vấn đề này khi xảy ra tình trạng hỗn loạn. Cho đến nay, mọi chuyện đang đi đúng hướng nhưng tôi không chắc nó sẽ tiếp tục như thế này", ông nói.

"Người dân địa phương đang bảo vệ tài sản và những gì xung quanh họ và làm như vậy cũng là bảo vệ các di sản văn hóa", nhà khảo cổ học người Anh Paul Bennett, cũng là trưởng phái đoàn tại Hội Nghiên cứu Libya ở London, phát biểu.

"Mọi việc có vẻ ổn. Tôi không có những lo lắng cụ thể rằng các bảo tàng sẽ bị ảnh hưởng bởi tất cả những chuyện này - ông nói - Tôi tin tưởng người dân địa phương sẽ bảo vệ di sản và nhân viên cục cổ vật sẽ đảm bảo mọi thứ đúng trật tự và giữ chúng an toàn".

Công tác khảo cổ học của Libya đã bắt đầu một cách nghiêm túc trong những năm 1930 khi phát xít Ý nhảy vào chứng minh sự hiện diện của La Mã và chứng tỏ sự thống trị lịch sử của Ý đối với Địa Trung Hải. Công việc đó cũng dẫn đến việc phát hiện ra dầu.

"Nó đã bị lãng quên khá lâu trong một thời gian. Từng có thời nó bị coi không phải di sản của Libya mà là đế quốc", ông Hafed Walda nói.

Chính phủ của tổng thống Gaddafi đã tìm cách cải thiện các nguồn lực và cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây trong các nỗ lực để phát triển du lịch.

"Tôi hi vọng các thái độ sẽ thay đổi - chúng tôi muốn cục cổ vật được xem là một phần của bản sắc Libya và là tương lai của Libya", Hafed Walda nói.

THƯỜNG NGA (Theo Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên