![]() |
Niềm vui khi nhận được phong bao lì xì - Ảnh minh họa Hồ Thị Thúy Diễm (ảnh dự thi Những nẻo đường xuân 2009) |
Thế là, cứ năm bữa nửa tháng cậu chàng lại gọi điện hỏi thăm: “Soạn được câu nào chưa?” Tôi đành ậm ừ, treo lời hứa lên tót vót trời mây. Còn nhóc cứ vài hôm lại í ới khoe những câu chúc do mình tự sọan.
Cận Tết, tôi lựa mãi mới được bộ đồ tặng nhóc. Hí hửng với đồ đẹp, nhóc hết thử ra thử vào rồi lại đến ngắm nghía, xuýt xoa. Rồi trầm ngâm ngẫm ngợi một hồi lâu, chàng ta nói: “Mua cho bố ít trà, cho mẹ cái khăn, cho em… con heo đất được rồi!”. Ra thế! Hóa ra cái kế hoạch kiếm tiền lì xì vẫn còn nung nấu ghê gớm lắm!
Chẳng biết em đặt mục tiêu “kiếm chác” bao nhiêu “xị” trong mấy ngày Tết, tôi lẳng lặng đi mua cho nhóc một con heo gốm to, đủ để chứa cả chục “chai”, có một cái nút tiện “moi ruột” chú ỉn. Tưởng với chú heo hoành tráng thế sẽ tiếp thêm hứng khởi cho nhóc, nào ngờ sau một hồi mân mê quà tặng, chàng ta phán một câu: “Mua con ba ngàn được rồi! Em chỉ xài mấy ngày Tết, hết “thu nhập” rồi em sẽ đập ra ngay!”. Trời! Chưa kiếm được xu nào đã lên kế hoạch cái vèo cho việc xài tiền rồi?.
Mải mê đi chơi Tết, tôi chẳng may may nhớ đến cái kế hoạch của nhóc. Chỉ sáng mùng 4, sau khi ăn qua quýt, chuẩn bị vọt đi, tôi thấy nhóc ngồi mân mê từng tờ tiền mới cóng “moi” từ trong ruột heo, xếp chúng gọn gàng chồng lên nhau, vuốt ve đi vuốt ve lại từng tờ. Sực nhớ mình chưa lì xì cho em, tôi lấy hai chục ngàn mới, làm một động tác giả bộ trao “món quà bất ngờ” nói “ Chúc mừng năm mới!”. Nhóc thì có vẻ bất ngờ thật sự, sau một hồi ngỡ ngàng không giấu nổi qua ánh mắt, khẽ nói bằng giọng năn nỉ: “Chị còn tờ tiền mới nào không? Đổi cho em đi! Càng nhiều càng tốt!”. Thế là có bao nhiêu tiền mới tôi đổ ra đổi cho nhóc hết. Ánh mắt em mỗi lúc một sáng lên, khuôn mặt sướng rơn khi “vớ” được mớ tiền mới cứng.
Đêm mùng 4 Tết, đang lim dim, tôi thấy nhóc ôm con heo từ ngoài tủ vào trong mùng, vuốt ve, mơn trớn nó cứ y như con heo vàng bốn số chín vậy. “Được bao nhiêu chai rồi?”. “Tổng cộng được ba trăm sáu bảy ngàn”. “Thế là chưa mua được cái bánh xe Innova!”. “Nhưng đủ mua một con xe đạp chớ bộ!”. Nhóc cẩn thận móc ruột chú heo, vuốt thẳng từng tờ một rồi giơ lên giơ xuống ngắm nghía chúng không biết chán. Mân mê một lúc lâu cậu chàng lại gấp từng tờ lại theo nếp gấp cũ, cho heo ăn từng tờ một và ôm chú heo cùng trùm chăn ngủ y chang hai đứa bạn thân.
Mùng 5 Tết, khi tôi đang ngáy pho pho thì cả nhà đã dậy từ bốn giờ sáng để chuẩn bị, nai nịt gạo gộc, muối mắm, tiêu tỏi cho mang xuống Sài Gòn. Nhóc bất ngờ chạy vèo tới: “Chúc mừng năm mới!” và dúi vào tay tôi một bao lì xì thật hoành tráng. Tôi ngạc nhiên tột độ với số tiền mới cứng, phẳng lì và được xếp cẩn thận theo mỗi mệnh giá khác nhau. “Em biết chị không có xe đi học, đi làm nên lì xì cho chị cái xe đó!”. “Thôi cầm lại đi! Chị có xe ô tô (xe buýt) đưa rước mỗi ngày, lo gì!” - tôi đẩy lại. “Bố bảo năm mới mà có tiền nhiều trong túi thì cả năm sẽ được rủng rỉnh, với lại mình lì xì cho ai mà người ta “chê” không lấy sẽ bị “dông” cả năm, xui đen thui một cục luôn! Chị phải nhận vì … sự an tòan của em!”. Thế là tôi đành phải nhận trước đủ mọi lý lẽ của chàng ta, tự nhủ sẽ cố gắng kiếm tiền để bù đắp lại sau cho em.
(*): Bài đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Tùy bút Mùa xuân với chủ đề Xuân hạnh phúc do Tuổi Trẻ Online tổ chức dịp Tết Canh Dần
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận