03/04/2008 08:00 GMT+7

Léonard de Vinci và buồng tối của mắt

TRỊNH XUÂN THUẬN
TRỊNH XUÂN THUẬN

TTO -Trong thời kỳ Phục hưng, thời kỳ quá độ giữa Trung cổ và kỷ nguyên hiện đại, khoa học tự nhiên đã bắt đầu tách khỏi Nhà thờ và triết học Aristote.

FAXWvXEm.jpgPhóng to

Thời kỳ này chứng kiến sự xuất hiện một lớp người làm các nghề mới - nghệ sỹ, kiến trúc sư, thiết kế đồ họa, v.v…- họ không thuộc tầng lớp thầy tu cũng không phải là các giảng viên đại học, nên họ không phải chịu những gò bó cứng nhắc của các truyền thống kinh viện.

Máy in được Gutenberg phát minh vào năm 1440 đã góp phần quan trọng vào việc phổ cập khoa học bằng cách thúc đẩy việc truyền bá tư tưởng. Léonard de Vinci người xứ Florence (Italia) (1452-1519) là một trong những người nổi tiếng nhất của thời kỳ này. Là họa sỹ thiên tài, ông cũng đã có những đóng góp quan trọng cho điêu khắc, kiến trúc, cơ học, giải phẫu học và quang học. Quang học, một khoa học bị tàn lụi trong thời Trung cổ, đã cất cánh trở lại trong thời Phục hưng nhờ một phát minh lớn vào khoảng năm 1280: đó là kính. Kính có lẽ đã được phát minh bởi một thợ thủy tinh ở Venise (Venise thời đó đã phát triển một nền công nghiệp thủy tinh lớn) khi nhận thấy rằng các vật nhìn qua một mẩu thủy tinh ở tâm dầy hơn xung quanh sẽ được phóng đại lên. Kính đã trở thành phổ biến, nhiều trí thức và các nhà bác học đã đeo kính mà không hiểu nguyên nhân gì đã tạo ra khả năng phóng đại của nó (H. 2). Một số người thậm chí còn cho rằng kính làm biến dạng hiện thực, mang lại một hình ảnh “sai lệch” về hiện thực.

Khi tấn công vấn đề thị giác, Léonard de Vinci đã biết đến kính. Ông cũng đã biết thí nghiệm Buồng tối đã được Alhazen miêu tả vào năm 1000: chọc một lỗ nhỏ vào tấm rèm phủ kín một buồng tối, lập tức các hình ảnh của thế giới được chiếu sáng từ bên ngoài sẽ hiện lên bức tường đối diện, nhưng lộn ngược (H. 3)! Trong một cơn xuất thần của trí tưởng tượng sáng tạo, Léonard đã tổng hợp hai sự kiện này lại. Ông là người đầu tiên đã đồng nhất mắt với buồng tối, nơi các hình ảnh của thế giới được phóng chiếu, các tia sáng từ bên ngoài đi vào qua lỗ con ngươi. Các tia sáng này sau đó bị lệch hướng và được tụ tiêu bởi thủy tinh thể trên dây thần kinh thị giác, cũng giống như mắt kính làm lệch hướng và tụ tiêu ánh sáng. Ý tưởng này rất quan trọng. Léonard đã bác bỏ quan niệm của Galien cho rằng thủy tinh thể là trung tâm của thị giác. Vai trò của thủy tinh thể bây giờ bị rút lại thành vai trò của một dụng cụ quang học đơn thuần giống như mắt của một cái kính. Nhưng sự đồng nhất mắt với buồng tối đặt ra một vấn đề: các hình ảnh bị đảo ngược, ấy vậy mà mắt vẫn nhìn thế giới theo đúng tư thế thuận của nó ! Léonard đã nghĩ một cách sai lầm rằng đường đi của các tia sáng qua thấu kính thủy tinh thể chịu một sự đảo ngược kép có khả năng tái dựng lại chiều chính xác của các hình ảnh bằng một cơ chế mà ông không giải thích (H. 4).

Léonard de Vinci là một trong số những người có đóng góp to lớn cuối cùng cho khoa học về thị giác trước cuộc đại cách mạng cho ra đời khoa học hiện đại, vào cuối thế kỷ XVI. Cảnh đã được dàn dựng để đón nhân vật có vai trò lớn trong câu chuyện truyền kỳ về ánh sáng bước lên sân khấu: đó là Johannes Kepler, một nhà khoa học người Đức.

TRỊNH XUÂN THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên