![]() |
Đường lên đèo Viôlắc |
Qua khỏi thành phố Kon Tum, con lộ hẹp dần. Có những lúc xe phải vượt qua những đoạn đường quanh co, hiểm trở mà có người ví như ải Chi Lăng. Cuối cùng chúng tôi cũng đến được khu vực chân đèo Viôlắc thuộc xã Pờ Ê, huyện Kon Plông.
Hai bên đường, những dãy núi cao ngất cứ lần lượt lùi về phía sau. Những mảnh ruộng nhỏ dưới chân thung lũng dần hiện ra. Lúc này đã vào mùa thu hoạch, dưới ruộng chỉ còn trơ gốc rạ, mùi rơm thơm vẫn còn thoang thoảng.
Khác với Gia Lai và Đắk Lắk, đất đai ở vùng này không phù hợp với việc trồng các loại cây công nghiệp. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây gồm M'Nông, Xê Đăng, H'Rê... chỉ trồng được cây lúa và nuôi thêm một số gia súc gia cầm. Những bờ dốc thoai thoải có thể làm ruộng bậc thang rất hiếm hoi. Thi thoảng chúng tôi bắt gặp những ngôi trường tiểu học, trung học cơ sở khá khang trang nằm cạnh quốc lộ. Quả thật, mở một ngôi trường trên vùng cao như thế này là một kỳ công.
![]() |
Đứng trên đỉnh đèo Viôlắc |
Vào chân đèo, trời bắt đầu se lạnh dù lúc này đã 10 giờ. Hai bên đường 24, những thảm hoa cúc quỳ nở vàng rực, còn phía dưới chân đồi, từng đàn trâu ung dung gặm cỏ tạo nên một bức tranh sinh động về vùng đất Tây nguyên. Điều khá ngạc nhiên là chỉ mới bước qua mùa khô mà các dòng suối gần như kiệt nước, một màu vàng đục, chảy lờ đờ. Xe bắt đầu leo đèo chậm chạp qua nhiều khúc cua, ngoặt hiểm trở.
Bắt đầu từ đây, con đường dốc dần lên, như sợi chỉ trắng quấn trên triền núi xanh lục cho tới khi lên đến đỉnh. Một bên là vách núi cao, một bên vực thẳm, xa xa những dãy núi cao trùng trùng điệp điệp chồng chất sắc màu đậm nhạt hài hòa như có bàn tay danh họa tô vẽ. Ở giữa đèo ít thấy có người dân sinh sống, chỉ có các loại cây rừng mà nhiều nhất là thông. Những rừng thông mọc hai bên đường chính là do bàn tay con người trồng và chăm sóc, còn xa hơn nữa mới là rừng thông nguyên sinh. Thật đáng tự hào khi độ phủ của rừng ở Kon Tum chiếm 80%, tương đương với khu rừng nổi tiếng Amazôn ở Nam Mỹ.
Đứng trên đỉnh đèo Viôlắc với độ cao gần 1.300m, phóng tầm mắt nhìn đông, nhìn tây mới thấy hết phong cảnh thật hùng vĩ nhưng cũng nên thơ với mây trắng bay là đà trên đỉnh núi. Có những lúc mây nhiều che phủ cả khúc đèo.
Từ đây nhìn xuống thấy bờ vực dốc đứng, sâu thẳm, lấp ló qua những chặng thông là con đường ngoằn ngoèo rắn lượn. Lác đác vài chiếc xe khách, xe tải nhỏ như con kiến “bò” lên đỉnh đèo. Xa xa, các thửa ruộng bậc thang của người dân tộc với một màu xanh ngát chẳng khác nào đang ở vùng Đông Bắc nước ta. Nằm rải rác lưng chừng núi là những nếp nhà đơn độc bên sườn đá cheo leo. Du khách cảm thấy ngất ngây trước trời mây non nước, tận hưởng hết vẻ đẹp vô cùng ngoạn mục của cảnh núi cao.
Có lẽ đến đây bất cứ ai cũng thấy mình bé nhỏ trước thiên nhiên hùng vĩ và sẽ nhận thức được khả năng của con người trong việc chinh phục thiên nhiên. Cảnh đẹp đã làm say đắm lòng người. Quả thật đứng trên đỉnh đèo mới thấy hết vẻ đẹp hùng vĩ và ngoạn mục của núi non. Ai cũng tranh thủ lấy máy ảnh ra chụp vài tấm làm kỷ niệm. Người thích cảnh phía Đông, người ưng cảnh phía Tây nhưng phần lớn thích lấy cảnh nền kỳ vĩ bên dưới.
Chính ngay trên đỉnh đèo này là điểm phân giới giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, cũng là điểm phân chia thời tiết của vùng Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn. Người dân miền Nam như chúng tôi lâu nay biết đến Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây qua các bài thơ, nhạc chứ hiếm có dịp được đứng đúng vị trí của nó trên dãy Trường Sơn.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: vào thời điểm thích hợp (khoảng tháng 6) đứng trên đèo nhìn xuống ta sẽ thấy cảnh tượng thú vị một bên đông nắng vàng rực rỡ, bên tây mây mù trắng xóa. Theo nhà thơ Tạ Văn Sỹ (Hội Văn học nghệ thuật Kon Tum), từ dưới chân đèo thuộc địa phận huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) mà trông lên sẽ thấy những cung đường gấp khúc như hình chữ Z, không thua gì đèo Hải Vân thu nhỏ. Thực ra đoạn đường đi qua con đèo này mới chỉ được khai thác và đi vào sử dụng gần 20 năm nay thôi.
Trước đây, đường 24 chỉ thông được hai đầu. Đầu Quảng Ngãi ôtô đi được từ Thạch Trụ đến chân đèo Viôlắc. Đầu Tây nguyên chỉ đi được từ thị xã Kon Tum đến Kon Rẫy. Còn lại khúc giữa hơn 50km là huyện Kon Plông bây giờ, đường sá bị bỏ bê hoang phế. Kon Tum như bị nằm trong thế ngõ cụt. Từ khi quốc lộ 24 được thông toàn tuyến thì bộ mặt các huyện Đông - Bắc Kon Tum như Kon Plông, Kon Rẫy... được khởi sắc nhanh chóng.
Trước nay, chúng tôi chỉ biết đến những ngọn đèo nổi tiếng ở Tây nguyên như Prenn, Ngoạn Mục, Bảo Lộc..., đến hôm nay mới chiêm ngưỡng được thêm một ngọn đèo khá kỳ vĩ mang tên Viôlắc. Những gì thiên nhiên ban tặng, qua thời gian và qua bàn tay con người, sẽ trở thành những giá trị nhân văn. Đến Viôlắc là đến với nơi giao thoa giữa hai vùng đất, là thỏa mãn tâm lý chiếm lĩnh đỉnh cao, hòa mình trong âm vọng sử thi của Tây nguyên. Hi vọng khi khu du lịch sinh thái Măng Đen trở thành điểm đến lý tưởng của du khách thập phương, thì đỉnh đèo Viôlắc cũng là điểm dừng chân không thể thiếu trong chuyến hành trình.
Áo Trắngsố 13 (số 96 bộ mới) ra ngày 15/07/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận