Từ ngày 28-6 đến 1-7, tại Nhà hát TP.HCM:
Lê Khanh không sập cửa... nhà búp bê
Phóng to |
Bá Anh và Lê Khanh trong Nhà búp bê Ảnh: N.Đ.Toán |
TT - Dễ đến hàng trăm năm sau khi H. Ibsen, nhà viết kịch Na Uy qua đời (1828-1906), công chúng kịch phương Tây và cả phương Đông có khi vẫn còn ám ảnh bởi tiếng sập cửa của Nôra trong kịch Nhà búp bê của ông.
Trong cả chuỗi kịch luận đề nổi tiếng viết về thân phận người phụ nữ của Ibsen, Nhà búp bê đặt vấn đề thật rốt ráo: Một gia đình hạnh phúc xảy ra sự biến khi bất ngờ người vợ trẻ Nôra phát hiện mình sống giả, hệt như con búp bê xinh đẹp trong tay chồng. Và người chồng mà Nôra tôn thờ, dốc lòng yêu chiều đến quên mình đã hiện nguyên hình là kẻ ích kỷ, tàn bạo, gia trưởng và độc đoán. Anh ta rốt cuộc chỉ yêu chính bản thân mình.
Thế là chỉ trong chốc lát, toàn bộ hạnh phúc gia đình bỗng tan thành hoang tưởng. Vỡ lẽ trong đớn đau, Nôra sập cửa, bỏ lại tất cả ảo ảnh hạnh phúc bên thềm ngôi nhà bi kịch, vĩnh biệt thân phận người-vợ-búp-bê hoa sói hoa hòe. Dứt áo ra đi, Nôra quyết dấn thân vào cuộc sống mới của người đàn bà tự trưởng thành từ chính nỗi đau của mình, không bao giờ còn cho phép mình ngây thơ nhẫn nhịn nữa!
Ngay khi xuất hiện Nhà búp bê (1879), cả châu Âu đã bàng hoàng sửng sốt. Sau này, B.Shaw, nhà viết kịch lừng danh của nước Anh, đã kêu lên thán phục: “Tiếng sập cửa của Nôra ở hồi cuối còn vang rền hơn cả tiếng đại bác ở cứ điểm Metz hay trong trận Sedan buộc Napoleon III phải đầu hàng và bị bắt sống”.
Lê Khanh không sập cửa
Cuối năm ngoái, đạo diễn Lê Hùng và Nhà hát Tuổi Trẻ ra mắt Nhà búp bê, nhân lễ hội Ibsen tại Việt Nam 2006, được tổ chức trang trọng và tưng bừng tại Hà Nội. Trong vai chính Nôra, Lê Khanh ra đi mà không sập cửa. Lê Hùng đã có ý tưởng thiết kế cho Lê Khanh diễn đoạn kết vở kịch này thật ấn tượng: sau lời cuối với chồng, Nôra-Lê Khanh lặng lẽ quay lưng đi xuống, băng qua hàng ghế đầu của khán phòng, rồi lại bước vòng lên sàn diễn, độc thoại mấy tiếng rời rạc: nhà búp bê… nhà búp bê... với đôi mắt ráo khô. Nhạc nền là tiếng đồng hồ quả lắc được phóng thanh như tiếng đập khác thường của trái tim Nôra đang bị tổn thương. Lê Khanh đã cố tình kiệm lời, với cách diễn gần như phẳng lặng, rất ít động tác ngoại hình.
Nhưng chính vì thế mà Nôra của Lê Khanh đã nuốt trọn nỗi đau nhân vật tận cuối lòng, đã nhận chìm những đợt sóng ngầm xuống mãi đáy sâu của niềm đau... Màn đã khép, tiếng sập cửa không vang lên như mặc định của kịch bản Ibsen, nhưng có lẽ còn ngân vọng mãi nỗi niềm bi kịch của Nôra trong tiếng đập thổn thức của chiếc đồng hồ to tướng treo giữa sân khấu. Lê Hùng đã xử lý chiếc đồng hồ này theo cách ước lệ thật tinh tế, với vai trò làm cửa ra vào của “nhà búp bê” - không gian nghệ thuật duy nhất của vở diễn. Tất cả nhân vật của vở kịch đều vào, ra qua cánh cửa ngôi nhà ấy. Họ có thể gặp hạnh phúc hoặc bất hạnh, có khi là gặp cái chết, và quan trọng nhất, cánh cửa - đồng hồ ấy sẽ là nơi chốn (là thời khắc) mà Nôra bỏ nhà, một đi không trở lại cuối vở kịch…
Nôra rất “Việt Nam”
Thật ra để có một vở diễn trọn vẹn được khép lại trong cái kết thúc đầy sáng tạo, không có hậu nhưng lại rất có hậu theo cách “Việt hóa” tinh tế đến thế, cả đạo diễn Lê Hùng và nghệ sĩ Lê Khanh đều khởi đi từ… những giấc mơ xa lắc.
Ngay từ đầu những năm 1980, khi đang học đại học đạo diễn ở Matxcơva, Lê Hùng đã tâm niệm phải dựng bằng được Shakespeare và Ibsen. Cho đến đầu thế kỷ 21, Lê Hùng mới đạt ước nguyện dựng Macbeth của Shakespeare và Nhà búp bê của Ibsen cho Nhà hát Tuổi Trẻ trong sự chín muồi của nghề đạo diễn.
Ông tâm sự: “Thêm nữa, tình trạng ngược đãi phụ nữ và nạn bạo hành đang được nói tới ngày một nhiều trong xã hội. Tôi là người rất trân trọng phái đẹp nên càng mong muốn được dựng vở này”.
Còn Lê Khanh tự thú: “26 năm trước đây, khi là sinh viên năm 2 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, tôi đã muốn làm bài tập là một trích đoạn trong vở Nhà búp bê của Ibsen. Hôm nay tôi càng muốn hóa thân vào Nôra của Ibsen. Tôi cảm nhận một Nôra rất Việt Nam. Sự ngộ nhận về hạnh phúc làm ta phải trả giá. Sự thỏa hiệp dần dần làm xóa nhòa con người thật trong mỗi con người. Tìm ra được là mình hay không phải là mình - đó là cuộc đấu tranh nội tâm nghiệt ngã. Nôra là bản năng phụ nữ”...
Các nhà tổ chức sự kiện Ibsen ở Hà Nội đồng thuận đánh giá trong hội thảo “Ibsel trong thời đại chúng ta” tổ chức sau đêm diễn Nhà búp bê tại đại giảng đường ĐHQG Hà Nội: “Lê Khanh là một phát hiện mới về Nôra và Lê Hùng là một phát kiến mới của sân khấu Việt Nam về hình thái vở diễn Nhà búp bê. Và đặc biệt, bằng nghệ thuật của mình, cả hai đã tạo ra một tác phẩm sân khấu của Ibsen, vừa mang đậm bản thể sân khấu VN, lại rất hiện đại phương Tây”.
“Hạt cơ bản” Lê Khanh
Lê Khanh đã như một thứ “hạt cơ bản”, thu hút về mình tất cả va chạm với nhân vật xung quanh và tỏa sáng rực rỡ trên sân khấu, song không hề lấn át ánh sáng riêng của các vai phụ. Vừa đậm đặc chi tiết tả thực, vừa bay bổng lãng mạn, vai diễn của Lê Khanh chứng tỏ nghệ thuật điều tiết uyển chuyển trong nhả chữ sân khấu, trong ứng xử với bạn diễn. Khanh biết chọn sở trường của bạn diễn mà tung hứng: linh động, thương mến với Linđa (Hoa Thúy), ý nhị, hài hước với bác sĩ Rank (Bá Anh), cương nghị, khôn khéo với viên chủ nợ Krôgxtat (Văn Thành), và đặc biệt vừa âu yếm, nũng nịu, vừa thẳng thắn, quyết liệt với Henmer, chồng Nôra, do Sỹ Tiến thể hiện. Đoạn diễn hay nhất của Lê Khanh có lẽ là đoạn múa, khi Nôra-của-Khanh không còn lời, buộc phải “nói” bằng múa mới diễn đạt hết sự vò xé nội tâm đầy hoang mang, loạn lạc của mình. Thấp thoáng dáng hình “Xúy Vân giả dại” trong cảnh múa không lời rất đắc địa này của Lê Khanh và cũng đồng thời hiện rõ hiệu quả sân khấu của đạo diễn Lê Hùng khi sử dụng có ý thức ngôn ngữ ước lệ đa nghĩa của tuồng chèo cổ VN. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận