02/02/2009 14:20 GMT+7

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn: trở về nguồn cội

Theo THU HIỀN - HÀ NỘI MỚI
Theo THU HIỀN - HÀ NỘI MỚI

Ngày 1-2 (mồng 7 tháng giêng Kỷ Sửu), tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam trọng thể khai hội "Tịch điền Đọi Sơn". Về dự có Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, trung tướng Ngô Xuân Định, phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam cùng nhiều lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Hà Nam.

y4QtR7dL.jpgPhóng to
Diễn xướng tích vua Lê Đại Hành cày ruộng tại lễ hội tịch điền Đọi Sơn Ảnh: An Phúc

Lễ hội tịch điền Đọi Sơn (được khôi phục sau nhiều năm thất truyền) mang ý nghĩa khuyến nông và là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội. Mở đầu nghi lễ, chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trần Xuân Lộc đã đọc yết văn nói lên nguồn gốc của lễ hội tịch điền và bày tỏ lòng thành kính trước vua Lê Đại Hành.

Lịch sử ghi lại: mùa xuân năm 987, lần đầu tiên vua Lê Đại Hành cùng văn võ bá quan cày ruộng ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm 988 cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc, vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền. Từ đó, lễ tịch điền được nhiều đời vua sau duy trì. Đến triều Nguyễn, lễ tịch điền có nhiều "niêm luật" cụ thể, được tổ chức quy mô, do bộ lễ chủ trì.

Tiếp đó, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm công lao của vua Lê với cư dân nông nghiệp và khai mạc lễ hội. Phó chủ tịch nước nhấn mạnh: lễ tịch điền không chỉ mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của các vị vua đối với người nông dân mà còn tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, lòng biết ơn tiền nhân, tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp. Bởi thế, mỗi người dân Hà Nam nói riêng, cả nước nói chung cần phát huy truyền thống thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Lễ hội liên hoàn các nghi lễ và diễn xướng, kết hợp với văn hóa, nghệ thuật, thể thao, diễn ra trong không gian rộng từ mồng 5-7 với nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh…

Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ tịch điền Đọi Sơn, tái hiện huyền tích từ thời Thập đạo tướng quân Lê Hoàn khi ông nhận thấy núi Đọi có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư đến khi lên ngôi vua, Lê Đại Hành về chân núi Đọi cày ruộng để khuyến khích mở mang nông trang. Lễ tịch điền được tiến hành theo thứ tự: vua Lê Đại Hành (do vị bô lão của làng Đọi nhập thế, khoác long bào) cày 3 sá, lãnh đạo tỉnh Hà Nam cày 5 sá, lãnh đạo huyện Duy Tiên cày 7 sá, lãnh đạo xã Đọi Sơn và các bô lão cày 9 sá.

Hội thi trang trí trâu cũng là một hoạt động khá sôi nổi trong lễ hội này. Thay vì trang trí bằng vải đỏ thời xưa, nay những chú trâu tham gia lễ tịch điền được trang trí bằng những nét vẽ tứ linh, tứ quý…

Ông Nguyễn Như Lâm, phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, trưởng BTC lễ hội, cho biết: tái hiện một lễ hội có lịch sử hơn 1.000 năm trong khi các cứ liệu để lại quá ít là điều không dễ, nhưng chúng tôi đã thành công. Lễ hội góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời quảng bá tiềm năng du lịch của huyện Duy Tiên, nơi có nhiều danh thắng đẹp, có chùa Long Đọi Sơn.

* Cùng ngày, Sở VH-TT&DL Hà Nội phối hợp với UBND huyện Phú Xuyên tổ chức lễ hội "chạy lợn thờ" tại thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái.

Lễ hội gắn với chuyện kể vào thời Hùng Vương thứ 18, tướng Cao Sơn Đại Vương trên đường hành quân đánh đuổi giặc Thục, đi qua làng Diền (nay là làng Duyên Yết), các cụ cao niên trong làng xin được làm cỗ khao quân. Vị tướng bằng lòng nhưng yêu cầu phải làm thật nhanh để binh sĩ kịp đánh đuổi giặc. Từ đó, vào mồng 7 tháng giêng, dân làng lại mở hội "chạy lợn" để nhớ về truyền thống có ý nghĩa về tình quân dân cá nước.

PIEVJZW1.jpgPhóng to
Các đội rước mâm cúng lên đình tại lễ hội "chạy lợn" Ảnh: Dương Anh

Lễ hội "chạy lợn" xuân Kỷ Sửu bắt đầu bằng lễ dâng hương tại đình Thượng, thôn Duyên Yết. Ông Nguyễn Khắc Lợi, phó giám đốc Sở VH-TT&DL, đọc diễn văn khai mạc lễ hội và nhấn mạnh: Lễ hội "chạy lợn" làng Duyên Yết đã được Bộ VH-TT&DL đưa vào chương trình Mục tiêu quốc gia bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể từ cuối tháng 11-2008.

Dự kiến đến cuối năm 2009 sẽ được nghiệm thu với nhiều hạng mục như: hoàn thiện kịch bản lễ hội, báo cáo khoa học, album ảnh, làm phim tài liệu… Do đó, nhân dân làng Duyên Yết cần duy trì và bảo tồn vốn văn hóa quý này.

Nội dung chính của lễ hội "chạy lợn" là cuộc thi "chạy lợn" giữa 3 xóm của thôn Duyên Yết. Mỗi xóm rước 1"ông lợn" trong kiệu cũi sơn đỏ. Mỗi kiệu bày 1 mâm xôi, 1 chai rượu, 1 đĩa trầu, muối và 1 con gà trống thiến.

Các "ông lợn" được giết theo đúng quy trình chỉ trong 3 phút, sau đó lấy những phần ngon nhất, bày lên mâm đưa vào đình tế Thánh. Giải vàng của cuộc thi năm nay thuộc về xóm 2, giải bạc xóm 3 và giải đồng xóm 4.

Theo THU HIỀN - HÀ NỘI MỚI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên