18/11/2010 06:51 GMT+7

Lễ hội Gióng trở thành di sản thế giới: Vinh dự thuộc về nhân dân

HÀ HƯƠNG ghi
HÀ HƯƠNG ghi

TT - Lúc 18g20 ngày 16-11 (22g20 giờ Việt Nam) tại thủ đô Nairobi (Kenya), lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) và đền Sóc (Sóc Sơn, Hà Nội) đã được Tổ chức UNESCO thế giới vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

32meTViF.jpgPhóng to
Tái hiện hội trận Thánh Gióng phá giặc Ân ở làng Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội - Ảnh: Tiến Thành

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Ngô Đức Thịnh - ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, người tham gia xây dựng và phản biện hồ sơ trước khi trình UNESCO thế giới - lý giải tính độc đáo của lễ hội Gióng:

- Thứ nhất, lễ hội Gióng thể hiện tư tưởng về chiến tranh và hòa bình của người Việt xưa. Ban đầu, hội Gióng chỉ là một lễ hội làng. Đến thời Lý Công Uẩn dời đô về Thăng Long, lễ hội Gióng mới có ý nghĩa trên diện rộng nhằm tôn vinh một trong những vấn đề quan trọng nhất của các dân tộc - đó là chiến đấu bảo vệ đất nước và khát vọng hòa bình. Phải nói rằng ông cha ta đã sáng tạo nên một hình tượng hết sức độc đáo là Thánh Gióng, cậu bé 3 tuổi được dân làng nuôi lớn và trở thành anh hùng đánh giặc ngoại xâm. Theo tôi, đó cũng là một biểu hiện của tư tưởng đoàn kết toàn dân tộc để tạo thành sức mạnh chống lại các thế lực bên ngoài. Tuy vậy, sau khi chiến thắng giặc, Thánh Gióng bay về trời. Chi tiết này thể hiện khát vọng chung không chỉ của người Việt Nam mà của toàn nhân loại về cuộc sống hòa bình, không chiến tranh. Sau này truyền thuyết về việc Lê Lợi trả gươm báu cho rùa thần cũng có ý nghĩa tương tự.

Danh hiệu “di sản đại diện” cũng là cái tốt. Nhưng nhìn từ nhiều phía sẽ thấy trên thế giới không phải nước nào cũng tham gia chương trình xây dựng hồ sơ di sản văn hóa do UNESCO phát động. Đó là một sự thật! Đối với Việt Nam, cái “được” có lẽ chính là danh hiệu của UNESCO phong tặng. Còn cái “mất” đương nhiên là số kinh phí không nhỏ cho mỗi hồ sơ. Đó là chưa kể việc hình thành tâm lý chẳng nhẽ di sản được UNESCO công nhận thì hay hơn, giá trị hơn di sản không được (chưa được) công nhận à? Đó là một thực tế. Thế nên mới hiểu việc ham muốn, nóng lòng làm hồ sơ di sản ở nhiều địa phương là điều hoàn toàn tự nhiên.

Cá nhân tôi luôn cho rằng việc quốc tế công nhận danh hiệu di sản không quan trọng bằng việc chính chúng ta phải tự ý thức và trân trọng gia tài của cha ông. Ở đây, tương lai mỗi di sản như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức của cộng đồng gìn giữ di sản đó cũng như các nhà quản lý, hoạch định chiến lược văn hóa.

Thứ hai, biểu tượng Gióng còn chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa văn hóa khác nhau. Đó là tư tưởng cầu mong mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu của các cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.

Thứ ba, có rất nhiều trò diễn xướng dân gian trong lễ hội Gióng, điển hình là các đám rước: rước khám đường, rước nước rồi hát Ải Lao... thể hiện tính dân gian sâu sắc. Đặc biệt nhất là diễn xướng ba trận đánh của Thánh Gióng. Ba địa điểm diễn ra ba trận đánh được biểu tượng thành ba chiếc chiếu, bên trên có những tờ giấy trắng biểu trưng cho mây và chiếc bát úp biểu tượng cho đồi núi, người đóng vai Thánh Gióng sẽ đá những chiếc bát để thể hiện sức mạnh bạt núi của Thánh Gióng... Nét tinh tế của lễ hội là tất cả chi tiết của truyền thuyết đều được thể hiện sinh động bằng các biểu tượng, nếu không có biểu tượng thì lễ hội sẽ hỏng.

Thứ tư, điều đặc sắc nhất, theo tôi, và cũng là điều thuyết phục được hội đồng xét duyệt chính là tính nhân dân sâu sắc của lễ hội. Đây đích thực là một lễ hội thuộc về nhân dân và hoàn toàn không bị nhà nước hóa. Hàng trăm năm nay, người dân đã góp công góp của để làm lễ hội của mình và giữ nguyên vẹn những nghi lễ do cha ông truyền lại.

* Khi lễ hội Gióng trở thành di sản đại diện nhân loại, chúng ta sẽ phải nghĩ đến việc làm thế nào để bảo tồn nguyên gốc lễ hội này theo các khuyến cáo của UNESCO?

- Như tôi đã nói, lễ hội Gióng thuộc về nhân dân, do nhân dân sáng tạo ra, chìa khóa cho việc bảo tồn và gìn giữ chính là nhân dân và không ai có thể thay thế họ làm điều đó. Nhà nước dù có bỏ ra bao nhiêu tiền của và công sức nhưng để lễ hội xa rời nhân dân thì lễ hội cũng sẽ hỏng.

Tuy nhiên, chiến tranh và cả một giai đoạn lịch sử đặc biệt đã khiến hiểu biết và ý thức về tín ngưỡng và lễ hội của người dân có sự đứt quãng và lệch lạc nhất định. Cho nên công việc trước mắt là phải làm thế nào để người dân hiểu tầm quan trọng của di sản và có ý thức bảo vệ nó.

Chúng ta đã có một công cụ rất tốt, đó là sự công nhận của quốc tế. Một khả năng mà tôi nghĩ tới là việc giáo dục lại văn hóa tín ngưỡng cho người dân.

Một việc làm nữa là chúng ta sẽ phải khôi phục những nghi lễ đã thất truyền, đồng thời đánh giá lại những nghi lễ nào còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Trong hồ sơ đệ trình lên UNESCO, chúng ta cũng đã đưa ra phương án nên duy trì lễ hội này hằng năm.

Bên cạnh đó, Nhà nước, các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế cùng góp sức với người dân để bảo tồn lễ hội. Tuy nhiên, việc góp sức này cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nhiều lễ hội khi có điều kiện về tiền của lại bị phá hỏng.

* Vậy hàng trăm năm qua, người dân đã bảo tồn lễ hội của họ như thế nào?

- Ở các làng, hương ước quy định rõ ai là người được tham gia lễ hội. Những gia đình có con cái hư hỏng, không hòa thuận... sẽ không được tham gia hội làng. Gia đình nào có con được chọn đóng vai Thánh Gióng trong diễn xướng thì dốc hết lòng hết sức để làm đúng các nghi lễ thủ tục mà cha ông truyền lại. Người đóng vai thánh sẽ được người làng cung kính gọi là ông Lệnh. Những người dân cho chúng tôi biết thông qua việc đó họ giáo dục được các thế hệ trẻ.

Cùng với lễ hội Gióng, 45 di sản phi vật thể của các quốc gia khác cũng được công nhận trong dịp này. Và như vậy, Việt Nam đã có bốn di sản phi vật thể được vinh danh gồm: nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên, dân ca quan họ, lễ hội Gióng.

Lễ hội Gióng diễn ra ở nhiều nơi nhưng độc đáo hơn cả là ở làng Phù Đổng vào mồng 9 tháng tư âm lịch (nơi Thánh Gióng sinh ra) và ở Sóc Sơn vào mồng 7 tháng giêng (nơi Thánh Gióng bay về trời). Trong ngày lễ hội, người dân sẽ diễn lại toàn bộ câu chuyện truyền thuyết đánh thắng giặc Ân của cậu bé 3 tuổi làng Phù Đổng. Cả lễ hội sẽ được biến thành một kịch trường dân gian lớn với hàng trăm vai diễn của quần chúng nhân dân. Theo các nhà nghiên cứu đánh giá, mỗi điệu múa trong lễ hội Gióng còn bao hàm cả những triết lý về phép dùng quân và đánh trận của cha ông ta xưa. Bên cạnh đó, lễ hội Gióng còn có nhiều màn diễn xướng dân gian khác phản ánh ước nguyện của các cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, tín ngưỡng phồn thực...

HÀ HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên