26/11/2013 13:33 GMT+7

Lễ hội dòng sông

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TTO - Đúng là lễ hội của dòng sông, vị nữ thần được cư dân trong vùng thờ phụng, cúng bái theo lệ trăm năm xưa mang tên của dòng sông: Thu Bồn.

TTO - Đúng là lễ hội của dòng sông, vị nữ thần được cư dân trong vùng thờ phụng, cúng bái theo lệ trăm năm xưa mang tên của dòng sông: Thu Bồn.

Kỳ 1: Cảng thị của "con đường tơ lụa trên biển"Kỳ 2: Kinh đô lụa là

Và còn thêm những lễ hội khác, tất cả là để vinh danh công đức của những bậc thần nhân đối với cư dân, cho họ thêm gắn bó với dòng sông xứ sở...

6hcvPMFn.jpgPhóng to
Đua thuyền là hoạt động vui chơi không thể thiếu trong các lễ hội của các địa phương dọc sông Thu Bồn và thường được các huyện tổ chức mỗi khi có điều kiện - Ảnh: H.V.Mỹ

Lễ hội bà Thu Bồn

“Năm nào cũng vậy, cứ qua tết là dân làng Thu Bồn mình bắt đầu lo. Nhưng nói vậy chứ được lo cho lễ hội dân mình vui mừng lắm. Lễ là chỗ dựa tâm linh của dân làng mình, của người dân vùng Thu Bồn, còn hội là niềm vui chung của không biết bao nhiêu người...”, dù lễ hội bà Thu Bồn qua đã hơn năm tháng nhưng ông Thái Lịch - thành viên trong ban tế lễ lăng bà Thu Bồn - vẫn còn lộ niềm vui khi nói.

Những người có tuổi tác ở làng Thu Bồn (xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên) - ngôi làng sát sông kề núi - nói làng của họ được mang tên dòng sông, được nhiều nơi biết đến là nhờ có lăng mộ cũng như lễ hội bà Thu Bồn.

Lễ hội bà Thu Bồn là lễ hội của dòng sông. Cũng như thời trước, những người làm nghề sông nước ở xa như Huế, Đà Nẵng nay cũng mang lễ đến viếng Bà. Còn người vùng sông nước Thu Bồn, người các nơi trong tỉnh đến dự thì đông vô kể. Lễ hội kéo dài từ ngày 11 đến chiều 12-2 âm lịch. Có rất nhiều trò vui chơi, giải trí nhưng hào hứng, sôi nổi hơn hết là màn đua ghe trên sông Thu Bồn giữa nhiều đội ghe trong tỉnh, ngoài tỉnh...

Họ kể rằng bà Thu Bồn là vị thần nhân, vốn là nữ tướng người Chăm. Trong một lần giao tranh, quân bà thất trận phải chạy, do mái tóc quá dài bị gió xõa làm quấn vào cây, bà bị ngã khỏi bành voi và bị đối phương giết chết bên làng Thu Bồn.

Sau khi bà mất, dân làng đem chôn bà bên làng và lập lăng thờ tự, kèm theo là một búi tóc dài. Từ đó bà rất hiển linh, dân làng luôn cầu bà phù trợ khi thiên tai, bệnh tật. Bên lăng mộ bà hiện còn một bia lớn bằng đá sa thạch có khắc chữ Chăm nhưng đã bị mờ.

Một truyền thuyết khác cho rằng bà sinh ra trong một gia đình giàu có ở làng Thu Bồn, vừa sinh ra đã có mái tóc dài, hàm răng trắng, luôn tươi cười, lên năm tuổi đã biết dùng thảo dược để chữa bệnh, cứu giúp rất nhiều người. Đến 50 tuổi bà quy tiên, đúng giờ ngọ ngày 12-2 âm lịch.

Theo lời dặn của bà, dân làng dùng hoa lá khâm liệm, đem quan tài đặt ở nhà làng đủ bảy ngày đêm. Đến hết hạn kỳ đó, dân làng bỗng nghe mùi thơm từ đình làng tỏa ra, đến xem thì thấy nắp áo quan bật lên, trong đó chỉ toàn là hoa sứ mà không có xác bà. Biết bà là thần nhân, dân làng xây lăng để thờ phụng.

“Việc dân làng Thu Bồn thờ cúng, làm lễ hội bà Thu Bồn trọng vọng hằng năm có từ rất lâu đời. Đây là nét độc đáo trong sự kế thừa và tiếp biến văn hóa bản địa của các lớp di dân Đại Việt đến vùng Thu Bồn mở đất. Một sinh hoạt văn hóa tâm linh có ý nghĩa hiện thực sâu sắc...”, ông Dương Đức Quý, nguyên trưởng Phòng Văn hóa huyện Duy Xuyên, nói.

Việc thờ tự bà Thu Bồn càng sớm được trọng vọng, chính danh khi bà được vua Minh Mạng phong hiệu là Pô Pô phu nhân tôn thần, vua Tự Đức thăng thượng đẳng thần, hiệu là “Mỹ đức thục hạnh Pô Pô phu nhân”.

esUgnZO2.jpgPhóng to
Lăng mộ bà Thu Bồn mới được trùng tu, kề bên là tấm bia bằng sa thạch có khắc chữ Chăm (bị mờ) - Ảnh: H.V.Mỹ

Theo ông Lịch, lễ hội của vị nữ thần gắn liền với dòng Thu Bồn những năm gần đây ngày càng linh đình, trọng thể. Phần lễ nghi trang trọng, nhiều chi tiết, phần hội tưng bừng, rầm rộ.

Lễ hội bà Chiêm Sơn, bà chúa Tàm Tang

Làm giàu đời sống tâm linh của mình từ những di sản văn hóa bản địa, tạo nên sự tiếp biến, hỗn dung văn hóa đặc sắc có lẽ là tính cách nổi bật của cư dân Thu Bồn. Việc dân làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên) làm dinh thờ, làm lễ hội bà Chiêm Sơn hằng năm nói lên điều đó.

Vua Duy Tân đã sắc phong bà Chiêm Sơn là Thái Dương phu nhân, thần hiệu Nhàn uyển dực bảo trung hưng chi thần (1911). Còn vua Khải Định sắc phong bà là Trinh uyển dực bảo trung hưng Thái Dương phu nhân tôn thần, gia tặng Trai tĩnh trung đẳng thần (1925).

Không lớn như lễ hội bà Thu Bồn, nhưng lễ hội bà Chiêm Sơn vào ngày 12 tháng giêng âm lịch hằng năm cũng là lễ hội ấn tượng của người Thu Bồn vùng trung Duy Xuyên.

Từ việc bắt gặp và lập dinh thờ tượng đá thần Vishnu của người Chăm xưa bị vùi lấp nơi một bãi cát, từ niềm tin được vị nữ thần này độ trì, che chở, cư dân đã bản địa hóa vị nữ thần bằng tên gọi của làng, của pho tượng: bà Chiêm Sơn, bà Đá. Càng khích lệ hơn với cư dân, lễ hội được tổ chức trang trọng, to lớn hơn khi vị nữ thần họ tôn thờ được triều đình ban sắc phong.

Lễ hội bà Chiêm Sơn lại cũng đánh thức, làm rộn rã dòng Thu Bồn với lễ rước sắc từ bến Giá, với hội đua ghe tưng bừng, rộn rã. Niềm tin tâm linh, tình yêu dòng sông làm lễ hội bà Chiêm Sơn lớn thêm mỗi năm. Và lễ hội này được xã hội hóa thành công.

“Để dinh bà được uy nghi hơn, người trong làng ngoài xã, nhất là số người địa phương định cư ở TP.HCM, đã góp được 500 triệu đồng để làm lại dinh bà Chiêm Sơn vào giữa tháng 7-2012. Chính lễ hội đã góp phần kết nối sự hỗ trợ to lớn này...”, bà Nguyễn Thị Tuyết - chuyên viên Phòng Văn hóa thông tin huyện Duy Xuyên - nói.

LpcQiOAI.jpgPhóng to
Lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu (Đoàn Quý Phi) ở gò Cốc Hùng, xã Duy Trinh, di tich lịch sử văn hóa quốc gia, mới được trùng tu - Ảnh: H.V.Mỹ

Thêm phong phú với người Thu Bồn là lễ hội Bà chúa Tàm Tang. Mới được tổ chức lần đầu vào năm 2006, lễ hội nhằm tôn vinh bà Đoàn Quý Phi - được phong Hiếu Chiêu hoàng hậu - vốn là người làng Chiêm Sơn (xã Duy Trinh) có công chấn hưng nghề tằm tơ canh cửi của vùng Thu Bồn.

Quá khứ gần 400 năm còn nối được mạch liền với hiện tại, lễ hội là sự hồi nhớ đến người con gái của làng từ trên ngôi cao vẫn canh cánh với sự phát triển của nghề tơ lụa quê nhà.

“Hấp dẫn, cảm động nhất với dân mình là cảnh tái hiện thuyền của thế tử Nguyễn Phúc Lan hiện ra trên gành Điện Châu sông Thu Bồn trong đêm trăng, cảnh Bà tức là cô gái Đoàn Thị Ngọc hái dâu bên bãi cất tiếng hát để rồi Chúa và Bà thành vợ chồng. Nó làm dân mình bồi hồi quá...”, những người dệt vải, dệt lụa ở dọc bờ Thu Bồn xã Duy Trinh kể.

Họ cũng cố sao để cứ năm năm làm lễ hội Bà chúa Tàm Tang một lần. Để nhớ ơn bà, để có được niềm khích lệ mà làm ăn khá thêm lên.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên