Phóng to |
Các bạn học sinh đang "hát" quốc ca - Ảnh: Y.Trinh |
Từ bốn năm nay, những học sinh câm điếc vẫn chào cờ và “hát” quốc ca vào mỗi sáng thứ hai bằng cách rất riêng của mình như vậy...
Nghi thức của trái tim
6g30 sáng thứ hai, hơn 100 học sinh đã có mặt ở sân trường thuộc Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Đồng Nai, ngoại ô TP Biên Hòa. Tuổi học trò nào cũng nghịch ngợm, ồn ào. Nhưng không, ở đây không gian lại rất yên ắng. Có chăng âm thanh chỉ thỉnh thoảng phát ra từ thanh quản các bạn thành tiếng ú ớ như viên sỏi thả mình vào hồ nước lặng.
Hôm nay, các bạn học sinh đến trường sớm hơn. Vẫn trong bộ đồng phục trắng - xanh hằng ngày nhưng có vẻ trang trọng hơn. Trong góc sân, một số học sinh nam chỉnh lại những chiếc áo đóng thùng gọn gàng. Vài bạn khác lao xao nhờ các học sinh nữ chỉnh hộ mình chiếc khăn quàng đỏ thắm. Các bạn gọn gàng, tươm tất theo cách của những học sinh nghèo vùng quê. Nhìn xuống chân các bạn, tìm đỏ mắt cũng không ra đôi giày, chỉ thấy những đôi chân đen xỏ trong đôi dép nhựa cũ đầy bụi.
6g55, cờ Tổ quốc và cờ Đoàn trang nghiêm được đặt giữa sân. Bên trên là đội hát lễ và đội trống. Phía dưới có vài học sinh khiếm thị cùng giáo viên và hơn 100 học sinh khiếm thính (câm điếc). Học sinh bé nhất chỉ đứng tới thắt lưng học sinh lớn nhất. Tất cả đều đứng thẳng hàng, nghiêm, mắt rực sáng hướng về cờ Tổ quốc. Và bất ngờ thay, sau hiệu lệnh quốc ca thì hàng trăm cánh tay vươn lên uyển chuyển theo điệu nhạc hào hùng “Đoàn quân VN đi, chung lòng cứu quốc...”.
Những đôi tay vẫn nhịp nhàng cùng nhạc. Ai bảo người câm không biết hát? Người bình thường hát bằng tiếng, bằng miệng, còn người câm “hát” bằng tay. Tất cả thể hiện bài quốc ca trong quốc lễ trang nghiêm của người VN. Chẳng những nghe bằng tai, lúc này quốc ca phải được “nghe” bằng chính sự lắng đọng của trái tim và đôi mắt.
Ngôn ngữ của các bạn ngoài những ký hiệu có tính qui ước là những hình ảnh rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Khi tay trái duỗi thẳng xuống, bàn tay phải chụm lại chỉ từ mặt bàn tay trái lên vai trái có nghĩa là “đoàn quân”. Khi giơ hai ngón tay vẽ hình chữ S, ai cũng hiểu các bạn đang nói về đất nước VN. Hai bàn tay ngửa đưa lên ngang ngực là “tiến lên”...
| |||
Các bạn thể hiện tình cảm qua nét mặt, ánh mắt. Ai cũng cảm nhận được điều đó khi các bạn "hát" về "nước non VN ta" bằng ánh mắt hướng về quốc kỳ, tay "vẽ" vào không trung dáng hình chữ S, rồi đặt bàn tay dịu dàng lên ngực trái (ảnh trái). Cô giáo tổng phụ trách đội cùng các học sinh "hát" đoạn "... vì nhân dân chiến đấu không ngừng" - Ảnh: Yến Trinh |
“Để thêm yêu Tổ quốc”
Không ít lần nghi thức hát quốc ca của các bạn gặp “sự cố”. Đó là khi máy cassette trục trặc, nhạc dừng đột ngột. Do không nghe được nên các bạn vẫn “hát”, say sưa. Nhưng có bạn phát hiện và bật khóc, có lẽ bởi bạn chợt nhớ ra dù cố gắng nhưng cái khoảng cách với thế giới âm thanh vẫn còn đó, rất xa...
Giám đốc trung tâm Lê Thị Hiếu là người luôn trăn trở với khoảng cách đó. Trước kia, mỗi lần trường có nghi thức chào cờ, nhìn hầu hết học sinh câm điếc của mình đứng yên lặng, cô thương lắm. Sau đó năm 1999, trong một lần đi công tác ở Philippines, nhìn cảnh các bạn câm điếc của nước bạn hát quốc ca, ý nghĩ sẽ soạn bài quốc ca VN cho trẻ câm điếc càng thôi thúc.
“Ở VN còn bao nhiêu trẻ câm điếc chưa có một buổi chào cờ trọn vẹn? Các bạn phải được hát đầy tự hào bài hát của đất nước, dù đó chỉ bằng ngôn ngữ của riêng mình”. Nghĩ vậy, về VN cô cùng một giáo viên của trường soạn ngay bài quốc ca theo ngôn ngữ cử chỉ.
Bài hát phải được thể hiện tình cảm hơn cách phiên dịch lời nói thông thường. Khi “hát” quốc ca, các bạn phải thể hiện những động tác vừa trang nghiêm, hùng tráng. Lúc đó chưa có từ điển thống nhất cho ngôn ngữ cử chỉ nên các cô phải vừa soạn vừa đi sưu tầm ở các trường bạn. Những động tác sưu tầm cũng chưa đẹp, các cô tự sáng tác. Thời gian đầu, nhiều đồng nghiệp vừa bất ngờ vừa hoài nghi: “Cô Hiếu dám làm quốc ca?!”. Nhưng sau nhiều tháng mày mò, quốc ca đã được “dịch” và sáng tạo hoàn chỉnh.
Thổi sức sống của bài hát vào lòng học sinh còn là công việc nhọc nhằn, nhất là ngôi trường của những học sinh đặc biệt với nhiều lứa tuổi khác nhau. Để học quốc ca, đầu tiên giáo viên giải thích bằng tay cho học sinh lớp 1, lớp 2 thế nào là “Tổ quốc”, “quê hương”.
Các cô dạy học sinh biết tôn trọng và hát bài quốc ca như thế nào. Hết giờ học nghề, kết cườm, làm hoa giả, các bạn học sinh lớp lớn cũng say sưa luyện từng điệu xòe tay. Mỗi ngày một, hai câu lặp đi lặp lại. Sau hai tháng, các bạn đã có thể tự tin “hát” bằng tay bài quốc ca dưới cờ.
Nhớ lại ngày đầu xem học sinh của mình “hát” quốc ca, cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Trinh vẫn không giấu được xúc động: “Thiêng liêng lắm. Dưới sân cờ, các em không còn bị tách ra trong thế giới tật nguyền. Lần đầu các em còn “hát” sai, nhưng không sao cả, lại lần hai, lần ba...”.
Dù thế nào, cái chính vẫn là dần cho các bạn hiểu tình cảm lớn lao hơn đó là đất nước. Và có lẽ niềm vui nhất là bây giờ hầu hết học sinh của trường đều biết hát quốc ca. Và trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai, khi cờ Tổ quốc được giương lên cũng là lúc hàng trăm trái tim và đôi tay của các bạn cũng “hát”...
Sau lễ chào cờ, Minh Chương, một cậu bé 14 tuổi, học lớp 5, đã gặp tôi và nhờ cô giáo phiên dịch một câu: “Nhờ chị nói với mọi người dù câm điếc nhưng chúng em cũng có thể hát bài hát chung của đất nước mình...”. Vì sao em thích hát quốc ca? Đáp lời tôi, em đặt bàn tay lên ngực trái, rồi đưa tay vẽ vào không gian một hình chữ S. Nghĩa là, cô giáo dịch, em nói: “Để thêm yêu Tổ quốc”!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận