19/07/2005 10:12 GMT+7

Lấy ý kiến dân về 8 vấn đề quan trọng

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TT - Ngày mai 20-7, dự án Luật phòng, chống tham nhũng sẽ bắt đầu được trình xin ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh sự kiện này, ông Dương Ngọc Ngưu - ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) - nói:

OolH37NF.jpgPhóng to
TT - Ngày mai 20-7, dự án Luật phòng, chống tham nhũng sẽ bắt đầu được trình xin ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp. Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh sự kiện này, ông Dương Ngọc Ngưu - ủy viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật của Quốc hội (QH) - nói:

- Chúng tôi dự kiến tám vấn đề đưa ra xin ý kiến gồm: phạm vi điều chỉnh của luật; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; kê khai tài sản, thu nhập; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; việc tiếp nhận, xử lý tố cáo hành vi tham nhũng; Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng; vai trò của báo chí trong phòng, chống tham nhũng; vai trò và trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng.

* Trong vấn đề kê khai tài sản, những nội dung cụ thể nào sẽ được xin ý kiến, thưa ông?

- Dự kiến sẽ gợi ý ba phương án để thảo luận, lấy ý kiến: một, người có chức vụ, quyền hạn ngoài việc kê khai tài sản của mình còn phải kê khai cả tài sản của vợ (chồng) và con; hai, chỉ phải kê khai tài sản thuộc sở hữu của mình; ba, ngoài việc kê khai tài sản của mình, còn phải kê khai cả tài sản của vợ (chồng) và con trong cùng một hộ khẩu.

* Khi thảo luận tại QH, phần đông đại biểu đã đề nghị không nên thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng mà nên hình thành một cơ quan chuyên trách. Vì sao vấn đề lập ban chỉ đạo đến nay vẫn được giữ trong dự thảo?

- Trong tình trạng tham nhũng hiện nay, cũng cần có một đầu mối phối hợp hoạt động giữa các cơ quan tư pháp, cơ quan thanh tra để thúc đẩy các hoạt động phòng, chống tham nhũng lên. Xung quanh tổ chức và địa vị pháp lý của cơ quan này, có nhiều phương án được đưa ra, nhưng có lẽ phương án chỉ lập ban chỉ đạo ở trung ương hợp lý hơn. Một số ý kiến khác vẫn muốn có cả ban chỉ đạo ở địa phương. Tuy nhiên, để rộng đường cho nhân dân đóng góp ý kiến, chúng tôi vẫn đưa ra cả hai phương án.

* Dự thảo đưa ra xin ý kiến đã có những điều chỉnh gì so với dự thảo trình QH tại kỳ họp thứ 7, thưa ông?

- Khác nhiều. Sau khi chúng tôi tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa, dự luật chỉ còn 88 điều (so với 104 điều ở dự luật trình QH-PV). Một số nội dung không phù hợp đã được loại bỏ.

* Trong đó có vấn đề cán bộ, công chức khi bị khởi tố về hành vi liên quan tới tham nhũng phải tự chứng minh nguồn gốc tài sản?

- Những điều này đã có trong các qui định về tố tụng hình sự. Khi một người bị khởi tố thì đương nhiên anh ta phải giải trình với cơ quan điều tra, còn cơ quan điều tra sẽ thu thập chứng cứ và có quyền chấp nhận hay không chấp nhận giải trình đó.

* Theo ông, thời gian đưa dự án Luật phòng, chống tham nhũng ra lấy ý kiến chưa đầy hai tháng liệu có hơi... gấp?

- Bắt đầu từ 20-7 và kết thúc vào 10-9, như vậy là vừa. Trước đây Bộ luật dân sự tới 800 điều mà cũng chỉ tổ chức lấy ý kiến trong một tháng. Người dân có thể góp ý kiến thông qua nhiều kênh: phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, gửi thư hoặc trực tiếp góp ý kiến thông qua HĐND các cấp, đoàn đại biểu QH hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương; hoặc có thể gửi ý kiến về Văn phòng QH (37 Hùng Vương, Hà Nội).

* Xin cảm ơn ông.

Một số nội dung khác sẽ được trình xin ý kiến nhân dân:

- Phạm vi điều chỉnh: Phương án một: chỉ điều chỉnh hành vi tham nhũng của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước (như pháp lệnh chống tham nhũng hiện hành). Phương án hai: mở rộng điều chỉnh cả hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi của những người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị ngoài khu vực nhà nước.

- Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức đã đầy đủ chưa?

- Vấn đề tố cáo và giải quyết tố cáo tham nhũng nên qui định (về cơ bản) giống như trong Luật khiếu nại, tố cáo hay qui định tiếp nhận và xử lý cả những tin báo tham nhũng nặc danh nhưng lại có nội dung sự việc cụ thể, rõ ràng?

- Có cần qui định rõ hơn về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng như: quyền thẩm tra, xác minh về các vụ việc tham nhũng; quyền công bố, đưa tin về kết quả điều tra xác minh; trách nhiệm trước pháp luật đối với việc đưa tin và công bố kết quả điều tra vụ việc tham nhũng?

- Vai trò của Mặt trận Tổ quốc VN và các tổ chức thành viên, vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và của công dân qui định như dự thảo đã hợp lý và đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng chưa?

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên