22/02/2011 09:47 GMT+7

Lập "công thức" chọn ngành nghề

TIẾN MINH
TIẾN MINH

AT - Muốn xác định chính xác bản thân nên học ngành gì, thi trường nào để không chỉ trúng tuyển mà còn có một tương lai tốt, thí sinh cần tham khảo nhiều yếu tố. Trong đó, những yếu tố không thể thiếu là sở thích nghề nghiệp, năng lực, ngành học phù hợp và điều kiện bản thân.

Đ ược đưa ra đầu tiên là sở thích nghề nghiệp. Yếu tố này rất quan trọng bởi có sở thích, thí sinh sẽ có đam mê theo đuổi ngành nghề mà mình chọn. Sở thích nghề nghiệp thực sự đối với thí sinh là sở thích mà thí sinh đó mơ ước theo đuổi lâu dài qua nhiều năm tháng chứ không phải tức thời. Nó phải phù hợp với năng lực, tính cách và điều kiện của mỗi người.

Sở thích nghề nghiệp

Có nhiều cách khác nhau để xác định sở thích nghề nghiệp của mình như: tự đánh giá bản thân, trắc nghiệm hướng nghiệp, làm thử một số công việc liên quan tới nghề nghiệp, đi theo hoặc gặp gỡ những người trong nghề nghiệp một thời gian để hiểu rõ thêm nghề... Những việc đó để xác định xem mình có thực sự thích và hợp với nghề nghiệp đó không.

Để đảm bảo chắc chắn, chính xác khi chọn lựa nghề nghiệp, bạn có thể phối hợp nhiều cách. Khi tiến hành công việc này một cách thấu đáo, bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức. Thời gian dành cho quá trình này càng dài, sự lựa chọn sẽ càng chính xác. Bởi vậy, hãy bắt đầu càng sớm càng tốt để có thể có sự lựa chọn tốt nhất cho tương lai của mình.

Ngành học phù hợp

Sau khi đã xác định bản thân mình phù hợp với nghề nghiệp nào, bạn nên tìm hiểu thông tin về các ngành học đào tạo để xem ngành nào phù hợp với nghề nghiệp mình lựa chọn. Lưu ý bạn rằng học một ngành có thể làm được nhiều nghề, một nghề có thể đòi hỏi kiến thức nhiều ngành. Một lĩnh vực nghề nghiệp có thể được đào tạo ở nhiều ngành. Ví dụ bạn muốn học về lĩnh vực ngoại thương, bạn có thể học ở nhiều ngành khác nhau liên quan tới lĩnh vực này như: ngoại thương, kinh tế đối ngoại, thương mại, kinh doanh quốc tế, quản trị kinh doanh quốc tế.

Nhiều học sinh trong quá trình tìm hiểu thông tin về ngành nghề, trường để đăng ký thi đại học, chỉ chọn chính xác tên ngành giống như nghề nghiệp thực sự để đăng ký. Điều này làm lượng thí sinh tập trung đăng ký vào một số ít ngành của một số trường đại học tăng lên, kéo theo điểm chuẩn tăng lên và cơ hội trúng tuyển của bản thân giảm xuống. Trong khi đó, thí sinh không biết rằng có rất nhiều ngành khác có khung chương trình đào tạo và cơ hội nghề nghiệp tương tự.

Vì vậy, để chọn được ngành học phù hợp, bạn nên tìm hiểu các thông tin về mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo bao gồm các môn học nào, thời gian đào tạo và phương thức đào tạo, đặc trưng hay triết lý đào tạo của khoa, trường, chuẩn đầu ra của ngành học, yêu cầu kỹ năng, phẩm chất, tính cách, sức khỏe của ngành học ra sao, có những yêu cầu đặc biệt không, học xong có thể làm những nghề nghiệp gì, ở đâu. Những thông tin về ngành nghề sẽ giúp bạn có thêm cơ sở để xem mình nên chọn ngành học nào là phù hợp với sở thích nghề nghiệp và năng lực học tập của mình.

Năng lực học tập

Kết quả học tập hiện tại ở lớp là một trong những cơ sở quan trọng để ước định năng lực học tập của một thí sinh. Vì thế, khi đánh giá năng lực học tập, thí sinh có thể phối hợp nhiều cách để xác định. Trong đó, thí sinh hãy tự đánh giá sức học của mình căn cứ vào điểm học tập trên lớp, nhất là các môn thi tuyển sinh đầu vào của ngành bạn định theo học. Ví dụ bạn thi khối A thì hãy căn cứ các môn toán, lý, hóa.

Thí sinh cũng có thể giải thử đề thi đại học ba năm gần đây và so sánh với đáp án để đánh giá sức học của mình; nhờ thầy/cô, người thân, bạn bè đánh giá, nhận xét; đăng ký thi thử đại học tại trường hoặc tại các trung tâm uy tín hoặc trên các website để xác định năng lực học tập.

Trên cơ sở phối hợp các cách đó, bạn tự ước lượng và đánh giá năng lực bản thân có thể thi đại học hoặc cao đẳng được bao nhiêu điểm. Sau khi đã dự đoán được điểm thi đại học của mình, tốt nhất bạn hãy lập một bảng tổng hợp điểm chuẩn ngành học mà bạn định dự thi ở nhiều trường khác nhau ba đến năm năm liên tiếp để có cái nhìn tổng quan và chính xác. Việc tìm hiểu như vậy sẽ giúp bạn thấy được sự biến động điểm chuẩn của ngành, trường bạn định dự thi và so sánh với sức học của mình, cho phép bạn xác định khả năng trúng tuyển của mình vào trường đó như thế nào.

Nơi đào tạo

Công thức chọn ngành nghề

Các chuyên gia tư vấn tuyển sinh gợi ý một tập hợp các yếu tố quan trọng ví như một công thức chọn ngành nghề. Đó là: chọn ngành nghề = sở thích nghề nghiệp + ngành học phù hợp + năng lực học tập + nơi đào tạo + điều kiện bản thân.

Sau khi lựa chọn được ngành nghề và xác định được khả năng học tập, bạn cần liệt kê một số trường có thể dự thi và có khả năng trúng tuyển. Vậy căn cứ vào đâu để chọn ra ngôi trường phù hợp nhất? Khi chọn trường bạn cần quan tâm tới một số yếu tố về học phí, cơ sở vật chất, cam kết chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng viên, đánh giá của cựu sinh viên, sinh viên, doanh nghiệp về quá trình đào tạo, chất lượng đào tạo của nhà trường, việc hỗ trợ sinh viên trong quá trình theo học tại trường (học phí, học bổng, du học, thực tập, việc làm, hoạt động phong trào sinh viên)...

Nếu có điều kiện, bạn nên sắp xếp thời gian để tham quan thực tế trường, tranh thủ vào học thử vài buổi và trao đổi với các anh chị sinh viên đang theo học. Không nên quá tin vào các hình ảnh minh họa, tài liệu, thông tin quảng cáo. Bạn cũng có thể tìm hiểu thông tin về những trường mà mình quan tâm trên các bài báo liên quan. Nếu một trường nào đó liên tục bị báo chí nêu vấn đề trong khâu tổ chức đào tạo thì tốt nhất nên gạt qua một bên.

Điều kiện bản thân

Điều kiện kinh tế gia đình, sức khỏe, ngoại hình, độ tuổi, năng khiếu bản thân cũng là các yếu tố cần xem xét trước khi chọn nghề nghiệp tương lai. Nếu hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, phải có những lựa chọn hợp lý để không phải vất vả mưu sinh và lơ là việc học. Bạn có thể tính toán để chọn học một trường đại học gần nhà hoặc thay vào học đại học hoặc bạn có thể học trung cấp, cao đẳng rồi tìm việc làm trang trải cuộc sống sau đó học liên thông lên. Bạn cũng có thể tính toán phương án vừa làm vừa học nếu học ở các khu đô thị trung tâm. Có rất nhiều bạn trẻ đã thành công khi vừa làm vừa học như vậy.

Một số ngành học có yêu cầu riêng về sức khỏe, ngoại hình, năng khiếu hoặc tuổi tác như các ngành năng khiếu thể thao, công an, quân đội, giao thông vận tải (đường biển), nghệ thuật... Khi thi vào các ngành này bạn cần tìm hiểu kỹ thông tin để xem xét bản thân có phù hợp hay không.

7JcMppCn.jpgPhóng to

Áo Trắngsố 3 (số 89 bộ mới) ra ngày 15/02/2011hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TIẾN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên