08/05/2008 18:50 GMT+7

Lão "quán" ở Chợ Lớn

Theo LAM PHONG - Sài Gòn Tiếp Thị
Theo LAM PHONG - Sài Gòn Tiếp Thị

Chợ Lớn có một ngôi chùa mang tên Khánh Vân Nam Viện có nguồn gốc từ huyện Nam Hải thuộc tỉnh Quảng Đông giáp với tỉnh Giang Môn, Trung Quốc du nhập vào Sài Gòn – Chợ Lớn những năm 1930 và nay đã phát triển rộng với lượng tín đồ hơn 2.000 người - là chùa duy nhất ở Việt Nam thờ đạo Lão, mang yếu tố tổng hợp của tam giáo: Khổng - Phật - Lão

d5sdglWl.jpgPhóng to
Ngôi chùa lớn được gọi là động, sau là viện, nhỏ hơn nữa gọi là quán

Trà Sơn Khánh Vân Nam Viện do đạo trưởng Châu Hữu Hán (Châu Viêm) – nay đã 97 tuổi – là trụ trì đời thứ ba kể từ năm 1968. Công việc hậu tự của chùa do anh Châu Huê Bang – con trai cụ Châu Viêm đảm trách.

Lược sử

Lời anh Châu Huê Bang kể về hành trình đạo Lão du nhập vào Chợ Lớn: năm 1934, 12 đạo sĩ của Trà Sơn Khánh Vân Thượng Động tại huyện Nam Hải, Quảng Đông sang Hong Kong, đến 1936, 3 người trong nhóm sang Việt Nam đưa đạo Lão vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn và lấy tên là Khánh Vân Nam Viện. Cụm từ “Khánh Vân Nam Viện” được lý giải: nguồn gốc của chùa từ Khánh Vân Động, Nam là miền Nam Việt Nam, còn viện tương tự như chùa. Khánh Vân Nam Viện đến Việt Nam đầu tiên toạ lạc tại một ngôi nhà phố trên đường Trần Hưng Đạo mang tên Toàn Khánh Đường. Từ 1936 – 1943, vị đạo trưởng đầu tiên là Trần Khải Minh trụ trì, từ 1944 – 1968, đạo trưởng Âu Diệu Duyên kế tục và tiếp sau là đạo trưởng Châu Viêm.

0iApTM24.jpgPhóng to
Khánh Vân Nam Viện cũng duy trì những đặc trưng đồng nhất về kiến trúc so với Khánh Vân Động ở Trung Quốc

Từ khi du nhập vào Việt Nam, tín đồ theo đạo tăng dần, biệt thự Toàn Khánh Đường trở nên chật chội và đến năm 1942 chuyển về địa chỉ mới ở vị trí hiện tại là 269/2 Nguyễn Thị Nhỏ, P.16, Q.11. Trước những năm 1950, người theo đạo Lão ở Khánh Vân Nam Viện chỉ là người Nam Hải, sau có thêm người Tiều, Phước Kiến và một số ít người Việt cũng gia nhập đạo theo hình thức tu tại gia, không có tu sĩ tại chùa.

Giữ truyền thống

Các đạo trưởng của Khánh Vân Nam Viện vẫn giữ nguyên những nét tín ngưỡng truyền thống của Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Động từ ngày đầu du nhập đạo vào cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn. Những bộ kinh sách dạy cách làm người, các lối sống của đạo Lão, hành thiền… đều là kinh sách đưa từ Nam Hải sang và vẫn giữ nguyên không thay đổi. Nếu xét theo tên gọi trong đạo Lão, quy mô ngôi chùa lớn được gọi là động, sau là viện, nhỏ hơn nữa gọi là quán.

Khánh Vân Nam Viện cũng duy trì những đặc trưng đồng nhất về kiến trúc so với Khánh Vân Động ở Trung Quốc, chùa được thiết kế chia theo từng lớp gồm sân, viện – nơi đặt tượng Hoàn Linh Quang hay còn gọi là Huyền Môn hộ pháp vương đại thiên quân – vị tướng bảo vệ giáo pháp trong đạo Lão, sau đó là chính điện, thờ Tam đế, Lữ tổ (Lữ Đồng Tân), bên gian phải chính điện thờ Đường Đại Thi, gian trái thờ Hoa Đà. Rất nhiều trong số các tượng này được đưa từ Trung Quốc sang.

Theo kiến trúc nguyên bản của Khánh Vân Động gồm ba lầu, Khánh Vân Nam Viện khuyết đi một lầu, anh Châu Huê Bang lý giải: “Ban đầu lập viện, có tiền đến đâu xây đến đó, phần chánh điện ở lầu 1, lầu 2 thờ Lão tử, Phật tổ, Địa tạng, lầu 3 thờ Ngọc hoàng là Khánh Vân Nam Viện còn thiếu…”

dqDp91wC.jpgPhóng to
Khánh Vân Nam Viện

Hoành phi, câu đối trong Khánh Vân Nam Viện đều do các thư pháp gia nổi danh đề tặng. Ngay lối cổng vào phía chính điện là cặp liễn: “Khánh hạp nam thiên thành đạo quả – Vân hoàn viện vũ bảo linh quang” ghi từ năm dân quốc thứ 12. Hay bức hoành ghi từ tháng 5 năm Canh Thìn: “Khánh Vân Biệt Thự Toàn Khánh Đường – Nam Hải Trà Sơn Khánh Vân Động”. Thư viện của ngôi chùa còn lưu giữ những kinh sách của Lão giáo bằng Hán tự như quyển Thái Thượng cảm ứng tập, hay quyển Y đạo hoàn nguyên – đây là sách về y học và kinh Vô cực do Lữ Đồng Tân (một vị tiên trong Bát tiên) viết.

Khánh Vân Nam Viện cũng có một đội nhạc lễ gồm nhiều pháp khí như tiêu, kèn, trống, chập choã, đàn cò, đàn tranh, tam thập lục, đàn nguyệt, phèn la… các thành viên trong đội nhạc lễ tập luyện hàng ngày, mỗi tháng họp nhau một lần luyện hoà tấu, phục vụ cho việc cầu kinh, lễ hội, cúng bái. Các bản nhạc vẫn không thay đổi so với nguồn gốc từ Khánh Vân Động ở Nam Hải

Những nghĩa cử

Nét nổi bật nhất của Khánh Vân Nam Viện là hoạt động từ thiện, chăm lo cho sức khoẻ, đời sống của cộng đồng và những người dân nghèo, bất kể dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng. Anh Châu Huê Bang cho biết: “Ngay từ ngày thành lập Khánh Vân Nam Viện, tiêu chí làm từ thiện đã là nét nổi bật của chùa.

Cũng là việc làm từ thiện, nhưng người theo đạo Lão có hai điểm khác biệt với các tôn giáo khác, đó là: phải hết sức làm từ thiện, và khi làm từ thiện phải tự lo cho mình trước. Tức là nếu mình lo cho mình ổn định rồi, mới chăm lo cho người khác, chứ nếu lo phần mình chưa xong, đi lo cho bá tánh chắc chắn sức mau tàn, lực kiệt, sẽ không có thêm nhiều cơ hội để tiếp tục làm từ thiện nữa…”

ijS1rFnE.jpgPhóng to

Người theo đạo Lão ở Khánh Vân Nam Viện chỉ là người Nam Hải, sau có thêm người Tiều, Phước Kiến và một số ít người Việt cũng gia nhập đạo theo hình thức tu tại gia

Chỉ tính trong năm 2007, tổng số tiền từ thiện của Khánh Vân Nam Viện dành cho người nghèo là hơn 1,7 tỉ đồng. Cụ Châu Viêm từng nói: “Sự vui sướng thật sự trong đời người, chẳng qua là làm nhiều việc từ thiện, giúp đỡ những người cần thiết…”

Những hoạt động thường xuyên của Khánh Vân Nam Viện như lập nhà dưỡng lão của viện cho các cụ già neo đơn cư trú, lập phòng mạch khám chữa bệnh – phát thuốc miễn phí cho mọi người, xây nhà tình thương, tình nghĩa, phát gạo hàng tháng cho người nghèo… tất thảy đều tuân theo tôn chỉ “tế nhân lợi vật, chúng thiện phụng hành” của Lữ tổ tiên sư, lấy từ xã hội, dùng về cho xã hội.

Theo LAM PHONG - Sài Gòn Tiếp Thị
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên