09/03/2006 06:01 GMT+7

Làng Việt kiều giữa tứ giác Long Xuyên

KIM EM
KIM EM

TT - “Cũng là Việt kiều mà cả làng từ ngày về quê hương tới giờ vẫn nghèo rớt mồng tơi. Sống ngay trên quê hương mà như người xa lạ, nhà không, đất cũng không...” ông Hai Măng, một Việt kiều ở làng Ninh Phước, Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) buồn buồn nói.

CO8T1hBK.jpgPhóng to
Một góc làng Việt kiều Ninh Phước - Ảnh: K.Em
TT - “Cũng là Việt kiều mà cả làng từ ngày về quê hương tới giờ vẫn nghèo rớt mồng tơi. Sống ngay trên quê hương mà như người xa lạ, nhà không, đất cũng không...” ông Hai Măng, một Việt kiều ở làng Ninh Phước, Lương An Trà (huyện Tri Tôn, An Giang) buồn buồn nói.

Trôi dạt về quê nhà

Đó là ngôi làng nằm heo hút giữa vùng tứ giác Long Xuyên trù phú. Đường dẫn vào làng khúc khuỷu, gồ ghề đầy ổ sống trâu. Thấy khách lạ, những đứa trẻ mình trần chân đất lem luốc từ trong những căn nhà rách nát túa ra vây quanh. Cái nghèo hiện rõ trên từng gương mặt gầy guộc, hom hem.

“Hồi gia đình tui chống xuồng tới đây, đất rộng mênh mông mà toàn muỗi mòng, bụi rậm. Mấy chục gia đình đầu tiên chạy nạn từ bên kia về từ những năm 1990, khổ ghê gớm lắm, không ai thừa nhận tụi tui, đi đâu cũng bị đuổi vì không có giấy tờ, hộ khẩu. Cả làng sống lây lất, nghèo rớt mồng tơi cho tới giờ...” - ông Hai Măng, một trong những Việt kiều đầu tiên về đây, hiện được bà con tín nhiệm bầu làm ấp phó làng Ninh Phước, bắt đầu “sự tích” làng mình như vậy.

Hồi ức của ông Hai Măng như một cuốn phim quay chậm. “Mới đầu xóm chỉ có vài chục hộ từ khắp nơi ở Campuchia bị Pol Pot khủng bố, giết chóc nên phải bỏ tất cả mọi thứ của cải, nhà cửa nhắm hướng quê nhà chạy dạt về. Dần dà, bà con kéo về mỗi năm một nhiều.

Tính đến nay cả làng có gần 300 gia đình với hơn 1.700 nhân khẩu. Không nghề nghiệp, của cải, ruộng đất nên cả làng chỉ biết đi làm thuê, làm mướn quanh vùng tự mưu sinh”. Nhà ông trống trước vắng sau, vắng cả bóng người vì mấy đứa con ông đều đi gặt thuê trên miệt Tịnh Biên. Hồi trước bên Campuchia, gia đình ông Hai làm nghề đánh cá trên biển Hồ, không giàu có gì nhưng cuộc sống khá tươm tất.

Ông Hai Măng vẫn còn nhớ cái thời sung túc của làng nổi Việt kiều bên hồ Tônglêsap Campuchia: hễ cứ nghe vận động gì cho bà con bên quê nhà là mọi người ùn ùn kéo đến Hội Việt kiều nhờ gửi tiền, vàng về quê nhà ủng hộ, ủy lạo, chưa kể nhiều gia đình còn cho con em về nước tham gia chiến đấu.

Quả thật đi khắp làng, đâu đâu cũng thấy bà con treo đầy huân chương, huy chưong, bằng khen trên vách nhà vì đã có thành tích đóng góp cho đất nước trong công cuộc kháng chiến đã qua. Vậy mà bây giờ ước mơ được một miếng đất quê mẹ sao quá xa vời đối với bà con Việt kiều ở cái làng Ninh Phước “nghèo rớt mồng tơi” này.

Lúc bị khủng bố, ông Hai bàn với bà con nên bỏ hết để tìm đường chạy về quê hương. Mấy chục gia đình nghe lời ông Hai mà bỏ lại tất cả để về nước, ai cũng nghĩ sống trên quê cha đất tổ ít nhiều gì cũng khá hơn xứ người.

Còn với ông Nguyễn Văn Tư, năm nay đã 70 tuổi, mới đưa gia đình về đây chừng gần chục năm, ký ức về những năm tháng phiêu dạt từ Campuchia về VN như mới ngày hôm qua. Cả nhà gồng gánh nhau đi hết con sông này đến vùng đất khác mà vẫn không kiếm nổi cái ăn cho một gia đình với năm đứa con.

Bầy con của ông không đứa nào biết cái chữ của đất mẹ. Chúng vẫn xa lạ với những người đồng tộc sống xung quanh. Ông Tư kể: “Rày đây mai đó như người du mục, may mà nghe nói ở Lương An Trà có làng Việt kiều từ Campuchia về nên tui đưa cả gia đình tìm đến. Người cùng cảnh ngộ nên dễ thông cảm nhau hơn”.

Khát đất mẹ

Đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân nên trong làng vắng bóng người. Đơn giản là Việt kiều Lương An Trà đã đi khắp đồng bằng để gặt lúa mướn. Trong những túp lều xập xệ bằng đủ loại vật liệu tôn, lá dừa, bìa giấy... chỉ toàn người già và trẻ con nheo nhóc.

Bà cụ Tứ, năm nay đã 71 tuổi, đang ngồi bó gối trong căn lều tồi tàn như một cái ổ chuột. Đã hơn tháng nay, con trai bà - anh Nguyễn Văn Đen, 35 tuổi và cô con dâu Nguyễn Thị Nở, 25 tuổi đi gặt thuê trên miệt Châu Đốc không thấy ghé về nhà. Hũ gạo để lại cho hai bà cháu của nhà bà đã vét đến hạt cuối cùng từ mấy hôm rồi.

Nhìn đứa cháu - cu Hiếu, ánh mắt bà cụ bỗng rưng rưng: “Cha mẹ nó đi làm mướn quanh năm, nên để nó ở nhà với tui từ lúc mới tập đi, bây giờ đã tám tuổi rồi. Ở với bà chừng đó năm cứ đói lên đói xuống”.

Có lẽ vì vậy mà cu Hiếu lên tám mà cứ như đứa bé bốn tuổi. Bà kể: “Ở làng này cũng hay được bà con ở nhiều nơi giúp đỡ khi thì gạo, mì, lúc quà bánh... Nhưng nói thiệt, nhận trợ cấp hoài tụi tui cũng ngại lắm. Mình có sức thì tự làm mà ăn, ai mà giúp đỡ hoài. Dân làng này chỉ mong mỗi nhà có được một công đất là tốt rồi. Cha mẹ thằng Hiếu mà có đất thì tụi nó ở nhà mần ăn, đâu có bỏ bà cháu tui đi biệt xứ như vầy”.

Sát bên cạnh nhà bà cụ Tứ là nhà vợ chồng anh Đinh Văn Lùng với một lũ mười đứa con nheo nhóc và đều thất học. Ba đứa con lớn của anh Lùng đã đi gặt mướn ở tận Hà Tiên. Còn anh đi phụ hồ mỗi ngày kiếm 30.000 đồng ngày có ngày không. “Nói thiệt nếu có miếng đất là hai vợ chồng tui đâu có khổ đến như vầy”.

Chị Tám, vợ anh Lùng, ngồi cạnh cũng góp chuyện với giọng buồn bã: “Tới mùa gặt mướn, thấy lúa của ngừoi ta chín đầy đồng mà thấy thương cho mình. Biết đến bao giờ tui mới ăn được hột gạo do chính mình trồng. Tết hôm rồi bà con ngồi lại với nhau, ai cũng nhắc đến chuyện thèm có miếng ruộng lắm rồi”.

Anh Nguyễn Văn Dũng - bí thư Đảng ủy xã Lương An Trà cho biết: “Xã này là xã kinh tế mới, đất ruộng đâu còn nhiều. Có bao nhiêu đất đã cấp hết cho dân trong xã hết rồi. Lúc quĩ đất còn thì bà con ở xóm Việt kiều lại chưa có hộ khẩu làm sao tụi tui dám cấp đất. Đến bây giờ thì đất không còn, đành bó tay.

Lúc trước họ sống trong những túp lều tạm bợ dọc theo bờ sông còn khổ hơn. Sau này xã có xin kinh phí của tỉnh đắp đất dọc theo tuyến lộ cho họ lên bờ, nhưng cũng chỉ đủ cấp cho mỗi hộ một nền nhà thôi”. Anh Dũng cho biết thêm: xã đã làm dự án cho 20 hộ đầu tiên vay tiền chăn nuôi heo và làm nấm rơm với mức vay 5 triệu đồng/hộ. Nhưng quả tình chẳng thấm tháp gì so với 300 hộ cũng đói nghèo như nhau.

KIM EM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên