Phóng to |
Đào tạo thủ môn - việc làm cần kíp của bóng đá VN - Ảnh: S.H. |
Cụ thể, trong 10 năm tiến lên bóng đá chuyên nghiệp, tuy Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã tổ chức vài chục lớp đào tạo HLV từ bằng C đến bằng A cho bóng đá VN, nhưng trong số đó không hề có một lớp HLV nào dành cho việc đào tạo thủ môn.
Từ điều này cựu thủ môn đội tuyển VN Nguyễn Hồng Phẩm nói: “Thủ môn giỏi ngày càng khan hiếm bởi đây là vị trí nghiệt ngã, tập luyện thì nặng nhọc, luôn phải căng thẳng, căng mắt căng tai và căng cả hai tay để chống trả những pha dứt điểm. Chỉ với một sai sót, họ sẽ chịu đựng sự chỉ trích nặng nề dẫn đến bàn thua. Tuy nhiên, những “tai nạn” của thủ môn sẽ không đến nếu họ được đào tạo bài bản từ thuở nhập môn. Tiếc rằng chúng ta lại có quá ít người thật sự đam mê, yêu nghề và được huấn luyện bài bản từ nhỏ”.
Cách đây tám năm, hai cựu thủ môn Trần Văn Khánh, Nguyễn Hồng Phẩm đã tham dự khóa học chuyên sâu về thủ môn tại Malaysia do FIFA tổ chức và người đứng lớp từng là HLV chuyên trách thủ môn của đội tuyển Anh dự World Cup 1998. Năm 2006, có thêm hai cựu thủ môn được cử sang Thái Lan học nâng cao là Nguyễn Đức Cảnh (Quân Khu 7) và Quách Ngọc Minh (U-19 quốc gia). |
Tuy bóng đá miền Trung từng một thời cung cấp nhiều thủ môn cho đội tuyển như Dương Ngọc Hùng (Nghĩa Bình), Trương Văn Lợi (Đà Nẵng), Nguyễn Văn Cường (Bình Định), Võ Văn Hạnh (Nghệ An), Trần Minh Quang (Bình Định)... Nhưng kể từ sau thất bại của đội tuyển VN tại Tiger Cup 2004 rồi SEA Games 2007, các thủ môn ở miền Trung dần vắng bóng ở đội tuyển.
Lý giải về việc này, cựu HLV thủ môn đội tuyển VN Dương Ngọc Hùng cho biết: “Ngày nay, tuy cơ sở vật chất của thể thao ngày một phát triển nhưng càng có ít người chịu trui rèn như thế hệ trước. Hơn nữa, bóng đá ngày nay đòi hỏi thủ môn ngoài chuyên môn tốt cần phải có thể hình lý tưởng với chiều cao ít nhất là 1,8m trở lên. Đây là một đòi hỏi quá khó với người VN”.
Trong vài mùa bóng gần đây đã xuất hiện nhiều thủ môn ngoại ở V-League. Và sự có mặt của họ có cản bước tiến của các thủ môn nội?
Trả lời câu hỏi này, HLV Dương Ngọc Hùng nói: “Có thêm người giỏi càng kích thích các thủ môn nội tập luyện để cạnh tranh. Mùa trước Khánh Hòa cũng có thủ môn ngoại nhưng anh này không được ra sân thường xuyên. Thủ môn Santos có gần 10 năm bắt chính cho Đồng Tâm Long An, nhưng mỗi khi ra sân thủ môn dự bị Tiến Phong không hề kém Santos. Hình ảnh nhẫn nại, chăm chỉ rèn luyện để chờ ngày vươn lên của Tiến Phong, theo tôi là tấm gương để các thủ môn trẻ noi theo”.
Từ sự “mong manh” trong vị trí thủ môn của tuyển VN tại AFF Suzuki cup 2010, đã đến lúc Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) và các CLB cần có một cái nhìn nghiêm túc về việc đào tạo thủ môn.
Cuối năm 2009, HLV Dương Ngọc Hùng đã ký với bầu Đức hợp đồng làm việc dài hạn cho Hoàng Anh Gia Lai. Theo đó, ông Hùng sẽ mở lò đào tạo thủ môn và được bầu Đức dành riêng một sân tập đúng quy cách. Nhưng giấc mơ ấy đã tan biến khi Bình Định buộc ông phải quay về làm HLV trưởng đội bóng đất võ. Hiện nay, ông Hùng vẫn nung nấu ý định mở lò đào tạo thủ môn. Nhưng ý định này xem ra khó thành bởi theo ông Hùng: “Đất đai ở Quy Nhơn giờ quý như vàng, có tiền cũng chưa chắc mua được đất để xây dựng sân bóng”. Thuận lợi hơn, cựu thủ môn Nguyễn Hồng Phẩm (giảng viên bằng C của AFC) vừa trình lên Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM kế hoạch chiêu sinh hai lớp đào tạo thủ môn tại sân Tao Đàn. Ông Phẩm cho biết: ”Tôi rất nóng ruột khi thấy các đồng nghiệp trẻ quá thiếu nền tảng kỹ thuật căn bản. Bóng đá hiện đại đòi hỏi rất cao với thủ môn từ kỹ thuật căn bản cho đến thể lực, tâm lý, khả năng phối hợp đồng đội và điều kiện phản xạ... Không được đào tạo căn cơ từ bé thì khó đáp ứng được những đòi hỏi như trên”. Dự kiến ông Phẩm sẽ chiêu sinh hai lớp đào tạo thủ môn dành cho các em 8-10 tuổi và 11-13 tuổi, mỗi khóa học kéo dài ba tháng với học phí 1 triệu đồng/tháng. Giáo trình huấn luyện sẽ là các bài học nhập môn, được đúc kết từ kinh nghiệm, giáo án học tập từ các lớp HLV do AFC tổ chức cộng với tài liệu từ nước ngoài gửi về. Để thuận lợi cho việc đào tạo, ông Phẩm cho biết sẽ tổ chức huấn luyện vào buổi tối sau giờ học văn hóa. Tham gia lớp này còn có các cựu thủ môn Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Phụng và các giờ thỉnh giảng của các cựu thủ môn lừng danh như Lưu Kim Hoàng (Cảng Sài Gòn, hướng dẫn kỹ thuật bắt bóng bổng), Trần Văn Hiệp (Sở Công Nghiệp, hướng dẫn kỹ năng phản xạ, bay người bắt bóng sệt). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận