07/11/2004 23:52 GMT+7

Lãng phí, thất thoát: thật kinh khủng!

ĐÀ TRANG thực hiện
ĐÀ TRANG thực hiện

TT - “Các báo cáo của các cơ quan liên quan cứ bình thường, chung chung như mọi vấn đề khác. Thậm chí có anh bảo chỗ tôi không có thất thoát lãng phí, các dự án công trình vẫn hiệu quả... Chỉ đến khi đoàn đưa ra số liệu, bằng chứng, anh mới “à, thì ra nó nghiêm trọng thật”. Chẳng ai phải bỏ tiền túi ra nên đâu có xót?!”.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn:

N5FAuBAH.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Đỗ Trọng Ngoạn
TT - “Các báo cáo của các cơ quan liên quan cứ bình thường, chung chung như mọi vấn đề khác. Thậm chí có anh bảo chỗ tôi không có thất thoát lãng phí, các dự án công trình vẫn hiệu quả... Chỉ đến khi đoàn đưa ra số liệu, bằng chứng, anh mới “à, thì ra nó nghiêm trọng thật”. Chẳng ai phải bỏ tiền túi ra nên đâu có xót?!”.

Đại biểu Quốc hội (QH) Đỗ Trọng Ngoạn - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Người cao tuổi VN - đã mở đầu cuộc gặp gỡ đầu tuần với phóng viên Tuổi Trẻ như thế, sau khi được mời tham gia đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ QH về chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản. Ông Ngoạn cho biết:

- Đây là vấn đề bức xúc từ lâu nhưng đánh giá mức độ còn khác nhau. Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ QH (gồm 16 thành viên do Phó chủ tịch QH Trương Quang Được làm trưởng đoàn - PV) đã nghe trực tiếp năm ngày với hơn mười bộ trưởng, thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan liên quan báo cáo: Quĩ Hỗ trợ phát triển, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công nghiệp, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Tổng công ty Mía đường I... Một số bộ khác như Bộ Quốc phòng, Công an thì gửi báo cáo đến các thành viên trong đoàn để nghiên cứu.

Tiếp đó đoàn giám sát chia ba đoàn đi ba miền Bắc - Trung - Nam. Tôi ở đoàn miền Nam, tập trung vào ba nơi: TP.HCM, Tây Ninh, Tiền Giang. Sau khi nghe lãnh đạo địa phương báo cáo, đoàn xuống giám sát thực tế một số công trình.Cuối cùng, kết quả của ba đoàn được tập hợp lại thành một báo cáo chung, trình QH lần này.

* Đánh giá chung nhất của đoàn giám sát là gì, thưa ông?

- Chúng ta cần phải thống nhất với nhau rằng: đất nước phát triển như hiện nay là do mình đầu tư đúng. Báo cáo trình QH cũng sẽ ghi nhận, khẳng định sự thành công trong đầu tư xây dựng cơ bản. Tuy nhiên nội dung cốt lõi của báo cáo không phải là thành tích mà là làm rõ những mặt còn hạn chế, yếu kém để tìm cách khắc phục. Cụ thể xoay quanh bốn vấn đề: dàn trải, thất thoát lãng phí, nợ đọng, chất lượng và hiệu quả đầu tư. Bốn điểm này, theo nhận định của tôi, là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho đất nước ta tụt hậu, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa bền vững.

Thế nhưng tôi đã rất không bằng lòng với cách báo cáo, nhìn nhận vấn đề chung chung, chủ yếu là thành tích của các cơ quan liên quan. Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Quĩ Hỗ trợ phát triển, Bộ NN&PTNT... đều phải làm lần hai. Thậm chí có lãnh đạo địa phương nói “chúng tôi không dàn trải, không nợ đọng, rất hiệu quả”, chỉ đến khi đoàn giám sát đưa ra dẫn chứng sát thực thì mới “à, ra thế”.

Cũng chính vì lẽ đó, báo cáo trình QH mới chỉ bước đầu, chưa phản ánh được toàn bộ thực trạng tình hình.

* Đoàn giám sát có qui rõ được trách nhiệm một cá nhân nào trong đợt giám sát này?

- Quá trình giám sát đoàn thường được nghe một câu quen thuộc theo kiểu “dự án ấy chúng tôi bàn trong tập thể thường vụ, thường vụ quyết định, trách nhiệm của ai tôi không biết” hoặc “dự án ấy từ thời bộ trưởng trước rồi”... Vậy những chuyện của một loạt cảng biển, sân bay, cảng cá,... (đầu tư dàn trải, lãng phí, thất thoát) ai chịu trách nhiệm? Khi phát biểu trong đoàn, tôi cũng đã đề nghị dứt khoát phải truy được trách nhiệm cá nhân. Nhưng quả là rất khó. Ở đây phía QH chỉ giám sát phát hiện vấn đề, còn việc này (xác định trách nhiệm cá nhân) phải do Chính phủ, các cơ quan tư pháp làm.

* Và đoàn cũng chưa trả lời được câu hỏi mà người dân quan tâm nhất: tỉ lệ thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản là bao nhiêu?

- Con số này hiện nay chưa ai tính được. Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2003 thanh tra 14 dự án đã phát hiện sai phạm 1.235 tỉ đồng, bằng 19,1% tổng số vốn. Chúng tôi (đoàn giám sát) yêu cầu cho biết danh sách cụ thể từng dự án, ai chịu trách nhiệm, thanh tra chưa trả lời được. Riêng 14 dự án đã thất thoát chừng ấy, vậy hàng ngàn dự án thì sao? Thật... kinh khủng! Nói chung từ chủ trương đầu tư đến thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu công trình, khâu nào cũng có lãng phí thất thoát, kê khống khối lượng bòn rút công trình... TP.HCM có công trình bỏ ra 3,7 tỉ mà bị tham ô tới 1,3 tỉ (hơn 35%).

Một dạng phổ biến nữa là anh rải tiền ra rồi... chôn tiền đấy. Dự án chậm so với kế hoạch 2-3 năm, thậm chí quá 10 năm vẫn không hoàn thành được. Điển hình như Dung Quất, chậm bảy năm rồi, lãng phí biết bao nhiêu! Cỡ hàng trăm tỉ đồng. Nhưng loại lãng phí khó lòng tính được bằng con số là loại công trình “treo”. Giãn dân đi, dân nhận tiền đền bù giải tỏa đâu vào đấy mà đất thì cứ ngâm mãi chẳng thấy dự án đâu.

* Theo ông, ngành, lĩnh vực nào thất thoát lãng phí đáng lo ngại nhất?

- Các nhà máy công nghiệp chế biến nông sản, nhất là hoa quả, hiệu quả rất kém, công suất có nơi chỉ 30-40% (chỉ chế biến cao su, hạt điều... là khá). Cả nước có 44 nhà máy đường thì chỉ có vài ba nhà máy làm ăn có lãi, còn lại nhiều cái phải đắp chăn ủ đấy. Chúng tôi đến nhiều nơi đều nghe người dân kêu (công trình) thủy lợi chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn.

Vừa rồi Chính phủ quyết định ngừng xây Nhà máy giấy Kon Tum. Nghe tin, cử tri điện cho tôi than: hơn 16.000ha nguyên liệu đã được trồng với chi phí 200 tỉ, khoảng 300 công nhân đã được cử đi học tại Nhà máy giấy Bãi Bằng... bây giờ tính sao? Tôi tìm anh Phúc (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & đầu tư Võ Hồng Phúc - PV) hỏi: ai chịu trách nhiệm? Anh Phúc đáp: địa phương.

* Còn tình hình nợ đọng được nhận diện ra sao, thưa ông?

- Nợ đọng cũng nhiều và phổ biến. Hôm làm việc với TP.HCM, hỏi: nợ đọng bao nhiêu? Có đồng chí nói: chúng tôi không nợ. Tôi bảo: có, anh nợ 1.300 tỉ. Sau đó bà giám đốc Sở Tài chính đưa báo cáo xác nhận điều này.

Theo tôi, vấn đề nợ đọng cũng như dàn trải, lãng phí... đều có phần xuất phát từ cách làm mang tính bao cấp, xin-cho. Cứ triển khai dự án mặc dù vốn chưa đủ. Vừa làm vừa vay. Vay không trả nổi lại được khoanh lại, giãn nợ, thậm chí xóa nợ. Tư nhân không ai làm thế vì sẽ “chết” ngay. Đằng này đồng vốn của Nhà nước thì chẳng ai sợ “chết” cả.

* Thưa ông, bất cập lớn nhất trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn nhà nước hiện nay phải chăng là hiện tượng “vòng tròn khép kín”: chủ trương đầu tư, đầu tư, giám sát, thanh kiểm tra… đều thuộc “vòng tròn” của một cơ quan chủ quản?

- Đúng là cái đó tương đối phổ biến. Lẽ ra anh tư vấn giám sát phải độc lập chứ không thể nằm cùng một bộ với anh thi công. Lẽ ra bộ chủ quản phải tách ra khỏi quản lý doanh nghiệp.

* Đoàn giám sát có đưa ra đề nghị phá dỡ “vòng tròn khép kín” này?

- Bên cạnh yêu cầu tách bạch quản lý nhà nước với quản lý doanh nghiệp, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, việc cần làm bây giờ là phải rà soát qui hoạch, bởi như Thủ tướng từng nói, “qui hoạch sai sửa rất khó”. Những cái đã rồi không sửa được thì cũng phải tìm cách ngăn ngừa không để xảy ra những sai lầm tương tự.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần kiên quyết sửa đổi cơ chế cấp phát vốn. Kể cả vay ngân hàng cũng phải gắn với trách nhiệm cá nhân cụ thể chứ không thể chung chung được.

* Muốn tìm phương thuốc đặc trị, đã đến lúc chúng ta phải tổng kiểm tra “sức khỏe” tình hình đầu tư xây dựng cơ bản. Ông nghĩ sao?

- Ủy ban Kinh tế và ngân sách trong báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội đã đề nghị QH lấy năm 2005 là “năm nâng cao hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí và nợ đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản”. Sang năm, không chỉ QH vẫn quyết liệt giám sát mà cả nước cần tổng rà soát, kiểm tra các công trình. Tỉnh nào cũng phải làm, bộ nào cũng phải làm. Chỉ khi anh cảm thấy sốt ruột, nhìn nhận ra được những mặt yếu kém hạn chế, anh mới có thể tránh lặp lại sai lầm.

* Xin cảm ơn ông.

ĐÀ TRANG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên