10/11/2004 05:02 GMT+7

Lãng phí, thất thoát bắt nguồn từ đâu?

GS.TSKH, đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC TRÂN
GS.TSKH, đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC TRÂN

TT - Tỉ lệ lãng phí và thất thoát vốn nhà nước chi cho xây dựng cơ bản là bao nhiêu là một câu hỏi quan trọng. Nhưng quan trọng hơn là hiểu rõ lãng phí, thất thoát từ những khâu nào, các nguyên nhân là gì để có cách giải quyết căn cơ.

Trong sơ đồ dưới đây, chúng tôi thể hiện mối quan hệ và nguyên nhân của dàn trải, kéo dài, kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí và tổn thất vốn nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ bản. Bên dưới mỗi hiện tượng là các nguyên nhân trực tiếp. Như vậy, đối với mỗi hiện tượng có rất nhiều nguyên nhân, trực tiếp và gián tiếp. Xin có đôi lời bình luận thêm.

Yl1Cb9bt.jpg

Điều cần nhấn mạnh là có những thất thoát trước mắt và còn có hậu quả về sau mà chúng gây nên. Những thất thoát trong xây dựng công trình làm giảm sút chất lượng của công trình, ảnh hưởng đến tuổi thọ của công trình so với thiết kế. Đây cũng là một thất thoát vốn nhà nước phải tính đến, bởi lẽ công trình chỉ phục vụ được trong một số năm ít hơn số năm trong luận chứng được duyệt.

Thất thoát lại có phần thấy được và có phần không thấy được. Khi thời gian thực hiện một dự án công trình, vì nhiều lý do, bị kéo dài, hiệu quả của dự án công trình đó sẽ bị sụt giảm bởi lẽ khi đưa công trình vào sử dụng, những điều kiện kinh tế - xã hội đã rất khác so với lúc xây dựng luận chứng kinh tế kỹ thuật. Tính năng kỹ thuật của các trang thiết bị trong dự án công trình bị lỗi thời trong khi giá thiết bị so với tính năng kỹ thuật trở nên quá đắt. Mặt khác, trong tình hình hiện nay, dự án công trình càng bị kéo dài thì giá đất, nhất là ở các đô thị, càng tăng, kéo theo tiền giải phóng mặt bằng và tái định cư trong các dự án công trình đó và tổng dự toán cũng càng tăng.

Chất lượng của công tác quản lý vĩ mô nguồn vốn nhà nước dành cho đầu tư phát triển, đặc biệt khi nguồn vốn này hạn hẹp so với yêu cầu; chất lượng của công tác qui hoạch ngành, địa phương, vùng kinh tế và tổng thể, và sự gắn kết giữa các qui hoạch này với nhau có ý nghĩa quyết định đối với mức độ lãng phí và hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước trong xây dựng cơ bản.

Giám sát việc sử dụng nguồn vốn ODA trong 10 năm qua cho thấy qui trình và thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay khá nặng nề, nhiều khâu kém minh bạch và là mảnh đất cho phát sinh tiêu cực và thất thoát.

Còn có những nguyên nhân tác động không nhỏ đến thất thoát và lãng phí đó là:

(a) trình độ năng lực yếu kém và sự thoái hóa về đạo đức của một số không ít các chủ dự án và ban quản lý dự án;

(b) trách nhiệm của chủ đầu tư, từ chủ đầu tư cao nhất là Nhà nước đến các bộ ngành và chính quyền các cấp, chưa được thực thi đúng mức thể hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện không đầy đủ và chưa nghiêm túc, lề lối làm việc trong nhiều dự án rất thiếu khoa học;

(c) cơ chế phân công, phân cấp, phối hợp nhiều chồng chéo, không qui rõ trách nhiệm, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát sinh tình trạng cục bộ, bản vị và khép kín. Chính sách về tài chính thiếu ổn định, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư không thống nhất và thiếu nhất quán;

(d) hệ thống văn bản pháp luật từ qui hoạch, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đến đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nghiệm thu, quyết toán... chưa đầy đủ, nhiều nội dung không còn phù hợp với thực tế, thiếu cụ thể, không đồng bộ, hay thay đổi và thiếu chế tài nghiêm minh.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư trong xây dựng cơ bản, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị:

* Cần quản lý vĩ mô tốt hơn việc sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư cho xây dựng cơ bản vì sự phát triển có chất lượng và bền vững; sử dụng vốn đúng trọng tâm trọng điểm hơn, có lộ trình thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Cần qui định việc đánh giá hiệu quả của mỗi dự án đầu tư xây dựng cơ bản là khâu cuối cùng của việc thực hiện dự án đó.

* Sử dụng tối ưu nguồn vốn ngân sách nhà nước còn có nghĩa cần và biết huy động các nguồn vốn khác, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn ODA, vốn của các thành phần kinh tế khác vào các công trình kết cấu hạ tầng thích hợp bằng các chính sách và hình thức thích hợp.

* Cần làm rõ trách nhiệm và quyền hạn của tập thể và cá nhân trong công tác qui hoạch, thẩm định và quyết định phê duyệt dự án công trình. Phân cấp nhiều hơn cho địa phương là đúng, nhưng kèm theo là kỷ cương, tinh thần liên kết, phối hợp, tránh nếp tư duy sản xuất nhỏ, cá thể. Khen thưởng và kỷ luật nghiêm minh.

* Cần đổi mới những cơ chế quản lý làm phát sinh tư tưởng cục bộ trong qui hoạch, khiến các địa phương - cho dù không có cơ sở - vẫn xin trung ương cơ chế chính sách “đặc thù” cho mình, thay vì khuyến khích các địa phương liên kết, hợp tác với nhau để phát huy thế mạnh của vùng và để cùng phát triển. Chính các cơ chế này là nhân tố nội sinh của sự dàn trải trong đầu tư xây dựng cơ bản.

* Trước mắt, mọi dự án đều phải đưa ra đấu thầu công khai và ngay từ khâu lựa chọn công ty tư vấn khảo sát thiết kế lập dự án; hạn chế tối đa sự khép kín trong cùng một bộ ngành chủ quản.Mọi công trình đều phải được nghiệm thu từng giai đoạn và nghiệm thu cuối cùng với đầy đủ trách nhiệm của các bên, và mọi sai phạm phải bị chế tài nghiêm minh theo pháp luật.

* Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính thực hiện đúng Luật ngân sách, cụ thể là hai dòng ngân sách đầu tư xây dựng cơ bản và chi thường xuyên cần được quản lý thống nhất, qui định rõ bộ nào chịu trách nhiệm cuối cùng trước Chính phủ và trước Quốc hội về hiệu quả sử dụng vốn nhà nước chi cho xây dựng cơ bản.

GS.TSKH, đại biểu Quốc hội NGUYỄN NGỌC TRÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên