![]() |
Tiền, đô-la “made in” làng Cót - Ảnh: Tấn Phúc |
Từ ngôi làng cũ vừa được lên phố mới này, mỗi ngày số tiền ở đây tuồn ra xã hội hàng mấy tỉ đôla. Nhưng không phải họ cầu khấn để công an khỏi đến mà đơn giản chỉ để những đồng tiền họ làm ra “linh” như chính mục đích của nó...
Công nghệ ở “trung tâm tài chính” cõi âm
Càng ngày hòm công đức càng phổ biến ở các đền chùa. Cùng với nó là những hộc để hóa tiền vàng được xây to lên mãi. Ngày rằm, lửa ở các hộc hóa ấy cứ bùng bùng, tưởng không bao giờ tắt.
Mỗi ngày ở cái làng lô nhô, nằm chênh chếch cầu Trung Hòa, xưa gọi là làng Cót (nay là phường Yên Hòa, Cầu Giấy), những chiếc xích lô và xe tải hạng nhẹ được dịp tất bật lách trong cái chật chội của con đường nhỏ vẫn ở cấp làng để kìn kìn đưa từng xe vàng, xe đôla ra phố.
Vừa vào địa phận làng Cót, một chiếc xích lô đâm ụych phải tôi. Chẳng nói chẳng rằng anh chàng lái xe phi xuống, không phải gây gổ gì mà chỉ cặm cụi đẩy cho xe hàng quá khổ lên được cái dốc cầu dẫn ra đường Láng. Sắp rằm tháng bảy rồi, mùa vụ làm ăn lớn nhất năm, các mối hàng giục gấp, giao chậm là bị phạt.
Vào làng ngồi chưa đến 20 phút, tôi thấy anh chàng xích lô đó đã quay lại làm chuyến nữa. Làng Cót không chỉ in tiền phục vụ nhu cầu... đốt của dân thủ đô mà Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định... đều có tiền của làng này. Tiền cho các cụ ở các tỉnh được chở trên những chiếc xe tải. Từng bịch nặng cả chục ký được quẳng lên, có mối lớn mỗi lần lấy cả một xe container đem đi.
Dừng lại ở một cơ sở chuyên cung cấp tiền tài cho cõi âm ngay cạnh UBND phường Yên Hòa, mấy cô gái trẻ đang cặm cụi bó những tờ 100 USD thành một chồng lớn, vừa thấy khách, một cô nhanh nhảu: “Mua hàng hở anh?”. Đây là một trong những cơ sở lớn nhất của làng Cót.
Vừa đứng được một lát, bà chủ tên Vân từ đâu chạy xe máy về: “Em đứng gọn tí cho xe lấy hàng!”. Ngồi bệt xuống thềm nhà quay ra đường, bà chủ giới thiệu gọn lỏn về mặt hàng “từ đời ông bà chị đã làm rồi”: “Làng Cót là gốc nghề in giấy tiền, làng Vòng chỉ học rồi làm lại. Còn nếu em muốn mua sỉ vàng mã thì phải lên mạn Hà Tây hoặc Bắc Ninh”…
Tại làng Cót, không chỉ in, người ta sản xuất luôn cả giấy để làm tiền, đôla cho các cụ. Từ cái máy cán giấy đen kịt, cùng với một mùi gây gây là những tờ giấy mỏng tang cứ đều đặn trồi ra. Công nghệ in còn đơn giản hơn.
Chỉ cần thuê người trên phố vẽ mẫu, ra phim, hơn chục nhân công cứ thế hì hục bên hệ thống máy móc bán thủ công để những đồng tiền mệnh giá đều ở mức tối đa: 50.000 đồng VN, 100 USD thành hình. Khi vừa được in ra, tiền âm phủ còn nguyên cả khổ lớn to bằng tờ báo. Công đoạn tiếp theo, tiền sẽ được đưa về nhà để đóng, xén. Tại đây cũng chỉ cái kéo tay là có vẻ hiện đại nhất. “Công nghệ cổ nhưng là để phục vụ tâm lý tối cổ mà” - chị Vân thanh minh.
Người làng Cót nhanh nhạy tối đa. Vừa nghe phong thanh Mỹ sắp có tờ “200 đô”, người ta đã bàn bạc để làm sao bên Hoa Kỳ vừa có “tiền dương” thì bên ta cũng có luôn “tiền âm” để các tín đồ chuộng giá trị nhanh chóng có cái “lấy lòng” các cụ. Tháng sáu này những cỗ máy in tiền ở làng Cót đang hoạt động với công suất tối đa. Chỉ trong một ngày làng Cót cho ra thị trường không biết bao nhiêu tỉ đôla.
Vừa chỉ đạo đưa từng xấp tiền khổ to vào máy xén, vừa kiểm tra những bó 100 tờ nhỏ gọn y như ngân hàng vẫn đóng ở đầu ra, chị Vân khẳng định: “Mỗi ngày chị in được 100 vạn tờ 100 USD nhỏ, nhưng nếu em muốn lấy nhiều vẫn phải báo trước 3-4 ngày”. Cũng theo bà chủ này, tiền âm làng Cót đã chu du sang tận châu Âu, Nga, Mỹ!
Tiền nhà giàu, tiền nhà nghèo
![]() |
Tại các kho, tiền, vàng, đôla bó to bó nhỏ lúc nào cũng chất sát nóc |
Dương sao âm vậy, người ta từng nói đến địa phủ cũng có ngân hàng. Không ai biết nó ra sao nhưng chỉ cần nhìn vào mấy cái kho của vài tổ hợp in tiền trong làng Cót cũng đủ tưởng tượng sự khổng lồ của ngân hàng cõi âm. Vừa qua trụ sở Công an phường Yên Hòa, rẽ phải, đi sâu vào cái ngõ nhỏ phía trong, ngó vào chỗ có lố nhố mấy người đã thấy cả một núi tiền cao ngất.
Cơ sở của anh Thanh thuộc dạng tầm tầm nhưng cũng có đến 4-5 kho nằm rải rác khắp ngóc ngách. Tiền cho người cõi âm cũng phân loại đối tượng phục vụ hẳn hoi. Giấy in loại tiền chuyển đi các tỉnh được gia công ngay tại các cơ sở sản xuất của làng Cót.
Cầm vào chúng mềm rũ như bún: “Loại ấy có 85.000đ/hai dây, bó được 1.000 lễ em ạ - chị Dung, một trong những “đại gia” in tiền ở Yên Hòa, giải thích - Để đốt đi ấy mà, dân nghèo mua cho có thôi”... Nhưng cũng hoa văn ấy, loại giấy Bãi Bằng hẳn hoi, màu mực tươi rói thì lên đến cả trăm ngàn.
Chị Vân hỏi vặn: “Em lấy loại nào, hàng thiếu, thừa; giấy seo hay giấy thường?”. Cầm tệp 100 tờ 100 USD dày dặn, tôi hỏi: “Loại này bao nhiêu?”. Bà chủ trả lời gọn lỏn: “Giấy tốt đấy 90.000đ/vạn tờ; loại giấy nhà làm lấy kia thì chỉ 20.000đ/vạn thôi!”. Khi hỏi một cô gái tên H. đang đóng các tệp tiền: “Em vơ bừa thế, thiếu các cụ về đòi thì sao?”, cô nhấm nháy trả lời: “Có đòi thì các cụ đòi con cháu chứ đòi gì em, nếu muốn mua hàng đủ thì thêm tiền thật sẽ có ngay”…
Dù làm tiền để đốt nhưng dân làng Cót đang giàu thật. “Mỗi lam được 1.700đ, mỗi ngày làm 30-40 lam, tháng được khoảng 1,5 triệu” - cô bé L., mới 16 tuổi, kể. Chị Dung nghe thấy bồi: “Nhà này có một phó giáo sư, gần 50 tuổi rồi mà lương không cao bằng nó đâu”. Dày vốn thì mở cơ sở sản xuất, ít vốn thì nhận giấy về gia công.
“Dân thành phố có người bỏ cả triệu để mua vàng mã đốt nhoáy cái hết cơ mà”, chính lý do này khiến làng Cót phất lên và đã phân công chuyên biệt hóa đến mức cao độ. Một làng in tiền nhưng có nhà chỉ in loại tiền xu, có nhà chỉ in vàng, có nhà chỉ in đôla. Từ đây, dân buôn mới vào từng cơ sở để lấy, chia ra thành từng lễ bán ở các sạp ngoài chợ.
Giấy tiền cõi âm đã làm thay đổi cả cuộc sống thường nhật của làng Cót. Thế mới biết các cụ ngày nay “thiêng” biết chừng nào, ít nhất cũng đã “phù hộ” làng Cót sống được chỉ bằng những đồng tiền để... đốt!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận