03/04/2006 04:32 GMT+7

Làng điều "chìm nổi"

PHƯƠNG HÀ - MỄ THÀNH THUẬN
PHƯƠNG HÀ - MỄ THÀNH THUẬN

TT - Vì lợi nhuận, các đại lý thu mua điều ở Bình Phước đã ngâm điều vào nước để tăng thêm trọng lượng. Có hẳn công nghệ “tăng ký” cho hạt điều, tinh vi hơn nhiều so với cách trộn cát hoặc ximăng trước đây.

AkmORDxI.jpgPhóng to
Điều nổi được vớt ra và tiếp tục ngâm nước để trở hành điều chìm - Ảnh: P.Hà
TT - Vì lợi nhuận, các đại lý thu mua điều ở Bình Phước đã ngâm điều vào nước để tăng thêm trọng lượng. Có hẳn công nghệ “tăng ký” cho hạt điều, tinh vi hơn nhiều so với cách trộn cát hoặc ximăng trước đây.

Ai phá ngành điều?

Xã Phước Tín (Phước Long, Bình Phước) là một trong những vùng điều có sản lượng và chất lượng tốt nhất Bình Phước.

Một năm trở lại đây, lái buôn và doanh nghiệp đã gọi Phước Tín là “làng điều chìm nổi”. Dọc hai bên đường trục của xã san sát các đại lý thu mua hạt điều.

Sân kho mỗi đại lý như những công trường với từng đống hạt điều thô (điều tươi) đang được tưới đẫm nước, kế bên là những chiếc xô, thùng lớn màu xanh, đỏ để ngâm và phân loại hạt điều giữa ban ngày. Nhiều đại lý đang áp dụng nhuần nhuyễn “công nghệ” trộn điều.

Đường 6-1 chỉ dài chưa đầy 300m song có tới bốn đại lý lớn thu mua điều tươi. Trung bình mỗi đại lý thu mua khoảng 10 tấn/ngày. Khoảng 19g, qui trình ngâm nước hạt điều bắt đầu.

Tại một đại lý, một bên sân vẫn tiếp tục nhập điều, bên kia gần chục thanh niên lực lưỡng chia ra từng đống bắt đầu phun nước. Sau hơn một giờ, hạt điều tiếp tục được đổ vào các xô nước lớn để phân loại điều chìm và điều nổi.

Điều nổi sẽ được tiếp tục cho ngâm nước để... chìm. Với loại điều này, sau khi chế biến, nếu có nhân thì cũng chỉ được xếp loại chất lượng thấp nhất nhưng vẫn được các nhà máy thu mua với giá điều tươi chất lượng cao.

Trước đây ngành điều cũng đã điêu đứng vì tình trạng trộn tạp chất là trái điều và... ximăng. Nhưng thương lái thích trộn trái điều hơn do không phải mua như ximăng, đảm bảo đúng mùi vị của điều, độ bám dính vào hạt điều cũng tốt hơn.

Điều khó hiểu là một số công ty chế biến điều lại làm ngơ để thương lái “luộc” điều. Trong khi tỉ lệ tạp chất trong điều ở Đồng Nai chỉ có 1% thì tại Bình Phước có khi lên đến 8-9%.

m8AHJkj5.jpgPhóng to
Đêm xuống cũng là lúc diễn ra hoạt động ngâm nước hạt điều - Ảnh: P.Hà
Chất lượng tuột dốc

Theo Hiệp hội Cây điều VN (Vinacas), cả nước có khoảng 380.000ha điều với sản lượng ước đạt 400.000 tấn điều thô. Trong đó, Bình Phước có 130.000ha và sản lượng năm 2006 đạt khoảng 170.000 tấn hạt điều thô.

Hạt điều Bình Phước cũng được đánh giá là có chất lượng cao nhất nước và chất lượng hạt điều VN luôn gắn với hạt điều Bình Phước.

Bà Mỹ Lệ, giám đốc Công ty TNHH Mỹ Lệ - đơn vị sản xuất và chế biến hạt điều lớn nhất tỉnh Bình Phước, bức xúc: tình trạng ngâm điều vào nước đã biến những vùng nguyên liệu điều nổi tiếng thơm ngon nhất cả nước như Phước Tín, Đak Ơ, Đức Hạnh, Bù Gia Mập (Phước Long)... trở thành nơi tiêu thụ những hạt điều lép, điều nổi.

Bà Lệ cho biết để bảo vệ thương hiệu của mình, hiện Công ty Mỹ Lệ không còn thu mua điều ở những khu vực vốn là vùng nguyên liệu chính vì không tin tưởng và không kiểm soát nổi tình trạng gian lận.

Điều bị ngâm không chỉ ảnh hưởng đến trọng lượng mà sẽ làm cho nhân vàng, nám. Giá nhân điều trắng và điều nám, vàng cách nhau 1 USD/kg. Nếu trước đây điều nhân trắng ở Bình Phước có tỉ lệ 70-80% thì mùa điều năm nay hiện chưa đạt 50%.

Tai hại hơn là chất lượng điều xuất khẩu đã giảm hẳn. Ba năm qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều đã “ngậm đắng”do nhiều lô hàng bị trả lại vì hạt điều vỡ (bể) được gắn lại bằng... keo!

Năm 2004 và 2005 rộ lên tình trạng trộn cát, trộn ximăng, tưới nước làm ảnh hưởng chất lượng hạt điều. Vụ điều năm nay, tình trạng ngâm nước còn nghiêm trọng hơn trong khi ngành điều vẫn chưa có biện pháp nào để khắc phục.

Nâng giá để cùng... chết

Lần thứ ba và là năm thứ hai liên tiếp ngành điều VN lâm nạn. Nguyên nhân do chính các doanh nghiệp chế biến điều tự gây ra. Biểu hiện của “tai họa” đều y hệt như nhau: giá thu mua nguyên liệu bị đẩy lên cao, vượt xa giá bán điều đã chế biến.

Thua lỗ của năm 2005 đã để lại gánh nặng cho vụ điều 2006, nhiều nhà máy chế biến lao đao vì nợ nần, bế tắc về vốn liếng, dù mùa thu hoạch đã vào được cả tháng.

Thế nhưng với một số doanh nghiệp chế biến điều, những khoản lỗ của năm 2005 vẫn chưa đủ! Vì vậy vào vụ thu mua, các doanh nghiệp này lại tiếp tục đẩy giá điều lên cao, có lúc đạt 10.000 đồng/kg điều xô tươi với chất lượng “giời ơi đất hỡi”.

Trong khi nếu căn cứ vào các yếu tố “đầu vào - đầu ra”, để có lời, giá mua điều thô chỉ có thể ở mức cao nhất là 8.000đ/kg xô tươi với chất lượng tốt.

Ai đã đẩy giá mua điều lên cao? Có hai loại “người hùng” đang quần thảo nhau trên thị trường nguyên liệu.

Một số doanh nghiệp sẵn tiền và nhờ vào hợp đồng bán ra đã ký trước với giá cao nên cần mua vào cho kịp chế biến, thực hiện hợp đồng. Nhưng số này ít thôi và họ cũng phải nghe ngóng khả năng thực hiện hợp đồng của đối tác.

Hăng máu nhất lại là một số doanh nghiệp nhà nước. Những doanh nghiệp này mua điều vì “nhiệm vụ chính trị” hơn là mục tiêu lợi nhuận. Vì thế họ cứ đẩy giá lên, bất kể lời hay lỗ. Đã có doanh nghiệp phải trả giá và Nhà nước bị mất tiền.

Thế nhưng sự liều lĩnh, bất chấp của một số doanh nghiệp nhà nước cũng đã khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân bị vạ lây. Theo các doanh nghiệp, nếu vụ này tiếp tục lỗ thì chẳng còn mấy doanh nghiệp tư nhân “sống sót”. Nguy cơ phá sản đã đến rất gần với các doanh nghiệp chế biến điều.

PHƯƠNG HÀ - MỄ THÀNH THUẬN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên