![]() |
Đất dọc quốc lộ 1A đoạn qua Lăng Cô hằng ngày vẫn được âm thầm mua bán theo hình thức trao tay |
Đất bạc, đất vàng
Không riêng gì đất ở những nơi ăn nên làm ra như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng..., đất ở thị trấn Lăng Cô nằm ngay dưới chân đèo Hải Vân Bắc cũng được chia theo từng khu vực gọi là đất bạc, đất vàng với giá cả khác nhau.
Hùng - một tay cò đất có tiếng ở Lăng Cô - cho biết tùy theo vị trí thuận lợi mà đất ở từng khu vực có khoảng cách rất xa. Những lô đất mặt tiền hướng ra quốc lộ 1A, phía sau là biển Lăng Cô giá đất được tính theo đơn vị “mét ngang”, một mét ngang đất (chiều ngang 1m, chiều dài từ 50-70m) xê dịch từ 30-40 triệu đồng. Chỉ một lô đất có chiều ngang 18m, dài 65m, Hùng hét giá 600 triệu đồng, rồi nói với giọng kênh kiệu: “Mấy ông xem mà lấy đi, chứ cách đây một tháng lô này đã có người ở Sài Gòn trả đến 550 triệu đồng rồi mà chưa được “tiếp” đấy”.
Đi dọc khu vực này, hỏi mười nhà thì đến chín nhà có ý rao bán đất. Đất càng xa UBND thị trấn với diện tích càng nhỏ thì giá càng giảm. “Nhưng có giảm gì cũng không có đất giá dưới 30 triệu đồng/mét ngang” - một chủ nhà nghỉ lâu năm ở đây khẳng định chắc nịch.
Còn ở khu vực đất kẹp giữa quốc lộ 1A và đầm Lập An dẫn đến cửa hầm phía Bắc thì đúng là “tấc đất tấc vàng”. “Cách đây vài tháng, giá một mét ngang chỉ 60 triệu đồng, nhưng đến thời điểm này đã 80 triệu mà cũng không còn nhiều đất để mua đâu!” - Hùng tự tin hô giá. Toàn bộ gần 5km quốc lộ 1A chạy qua trung tâm thị trấn Lăng Cô hiện đã chen cứng các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng... mới xây.
Một số ngôi nhà tuy đất còn trống nhưng đều đã có chủ đặt cọc. Mặt sau của khu vực này nằm trên đường du lịch ven đầm Lập An cũng xuất hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Hùng chỉ lô đất 25m ngang, sâu 70m rồi rao giá 2,5 tỉ đồng, tính ra gần 15 triệu đồng/m2. Còn những lô đất có diện tích nhỏ và không được vuông vức, chỉ một mặt tiền xoay ra phía đầm Lập An, giá cũng không dưới 65 triệu đồng/mét ngang.
Cấm cứ cấm, bán cứ bán
Điều không bình thường ở đây là những lô đất có giá trị hàng tỉ đồng nhưng chỉ được sang nhượng bằng giấy tay. Chủ đất không có lấy một giấy tờ gì, khi bán đất thì viết giấy bán và cam đoan với người mua, thế là xong. Cò Hùng trấn an chúng tôi: “Sợ gì, mấy năm rồi các khách sạn, nhà nghỉ tư nhân đầu tư cả chục tỉ đồng mọc lên như nấm, nhưng có ai mất đâu mà lo”.
Theo ông Lê Văn Tình - chủ tịch thị trấn Lăng Cô, cách đây tám năm việc mua bán, sang nhượng đất đai tại khu vực này đã bị cấm bởi lý do nằm trong qui hoạch tổng thể khu đô thị mới Chân Mây. Chính quyền hoàn toàn không xác nhận bất cứ trường hợp mua bán, sang nhượng đất nào cả. Thế nhưng trên thực tế thì những phi vụ mua bán, sang nhượng đất đai ở đây vẫn âm thầm diễn ra từng ngày.
Lăng Cô đang nằm trong vùng du lịch trọng điểm quốc gia khiến giới kinh doanh từ Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng đến Việt kiều nườm nượp đổ về... đẩy giá đất ở Lăng Cô lên và hiện chưa có điểm dừng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận