18/04/2012 07:02 GMT+7

Làng cá bè điêu đứng

T.MẠNH
T.MẠNH

TT - Hàng trăm hộ nuôi cá điêu hồng trên sông Tiền đang điêu đứng vì giá cá giảm mạnh, không tiêu thụ được. Khó khăn còn chồng chất khi đại lý không cho nợ tiền thức ăn nuôi cá nữa.

Nhiều người nuôi cá đã phải “treo” bè.

RX8x7pah.jpgPhóng to
Người nuôi cá trộn rau vào thức ăn cho cá để cầm cự - Ảnh: Thành Bắc

Cá quá lứa nhưng không bán được

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ bè nuôi cá điêu hồng ở P.Tân Long (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), cho biết giá cá hiện chỉ còn 26.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với trước tết. Giá cá đang ở mức đáy nhưng người nuôi vẫn không sao bán được vì thương lái “lặn” mất tăm.

Sáu bè cá của ông Thành đã đến thời điểm thu hoạch nhưng cả tuần nay không tìm được thương lái. “Mấy ngày nay vợ chồng tôi gọi điện cho thương lái liên tục mà họ cứ hẹn tới hẹn lui rồi cũng không thấy mặt” - ông Thành than thở.

Trifluralin là chất gì?

Trifluralin là một hóa chất dùng trong bảo vệ thực vật (thuốc diệt cỏ). Trước tháng 11-2010, chất này có trong thành phần của nhiều sản phẩm nhập khẩu (chủ yếu từ Thái Lan) và sản xuất trong nước sử dụng trong nuôi trồng thủy sản VN để diệt nấm, tảo, rong rêu. Trifluralin rất độc hại đối với sức khỏe của người và động vật.

Giá cá giảm mạnh nhưng thức ăn cho cá thì vẫn giữ giá cao. Theo một số hộ nuôi cá bè, thức ăn mua tại công ty có giá dao động từ 12.000-13.000 đồng/kg. Trung bình để nuôi cá được 1kg thì phải tốn 2kg thức ăn. Với giá thành hiện nay khoảng 30.000 đồng/kg thì xem như người nuôi bị lỗ tiền công, tiền thuốc thú y, tiền con giống hết 4.000 đồng/kg.

Dù bị lỗ nhưng không phải ai cũng bán được cá, phần lớn hộ nuôi cá bè ở Tiền Giang hiện cho biết không có người mua dù cá đã quá lứa. Trong khi chờ thương lái quay trở lại, phần lớn người nuôi cá buộc phải sử dụng lục bình, rau cỏ trộn với thức ăn cho cá ăn cầm cự để giảm chi phí.

Nhiều người bỏ bè

Theo nhiều hộ nuôi cá, trước đây các đại lý thức ăn sẵn sàng cho nợ tiền thức ăn nuôi cá theo hình thức gối đầu, mua chuyến sau thì trả tiền chuyến trước. Tuy nhiên hiện nay các đại lý áp dụng kiểu “tiền trao cháo múc”, trả tiền mặt rồi mới lấy thức ăn. Điều này khiến người nuôi cá rơi vào khó khăn vì vốn đầu tư nuôi cá bè rất lớn, ít ai có khả năng chi tiền mặt mua thức ăn cho cá.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (P.Tân Long, TP Mỹ Tho) nuôi 10 bè cá điêu hồng. Trung bình đàn cá ăn hết 6 triệu đồng thức ăn/ngày. Từ khi đại lý nói không với việc bán thiếu, bà Lệ phải vay mượn 200 triệu đồng mua thức ăn cho cá. Tuy vậy số tiền này chẳng mấy chốc đã sạch trơn, nên bà phải bán rẻ một số bè cá non để nuôi các bè còn lại.

Còn ông Mai Phước Thọ ở xã Thới Sơn (TP Mỹ Tho) phải đem giấy tờ đất đai cầm cố vay mượn để nuôi bốn bè cá, nhiều người phải chấp nhận đi vay “nóng” lãi suất cao. Thậm chí có người còn chủ động hạ giá bán cá với hi vọng sớm bán được để... bớt thua lỗ.

Chủ đại lý thức ăn thủy sản Tám Lành (Tân Long, TP Mỹ Tho) cho biết khó thu hồi vốn nếu bán thiếu, trong khi các công ty bán thức ăn cho đại lý thì cũng lấy tiền liền chứ không cho thiếu.

Giá cá rẻ, đại lý không bán thiếu thức ăn cho cá, nhiều chủ bè sau khi bán được cá đã “treo” bè không nuôi nữa. Ông Huỳnh Văn Sơn (Thới Sơn), người đã gắn bó với nghề nuôi cá bè bảy năm qua và từng là phó chủ nhiệm Hội Nghề cá Thới Sơn, nhưng bây giờ cũng đành “lên bờ” sống bằng nghề làm vườn.

Ông Đinh Ngọc Tùng, trưởng phòng kinh tế TP Mỹ Tho (Tiền Giang), cho biết toàn thành phố có 192 hộ nuôi 1.075 bè cá trên sông Tiền. Trong đó có 80% hộ nuôi cá điêu hồng, số còn lại nuôi cá tra, cá trê. Thời gian qua giá cá điêu hồng giảm mạnh nên rất nhiều chủ nuôi phải “treo” bè, bán bè hoặc chuyển sang nuôi loại cá khác.

Ngày 17-4, ông Nguyễn Hoàng Vũ, chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Tháp, cho biết những thông tin cá điêu hồng ở Đồng Tháp và Tiền Giang bị nhiễm chất cấm trifluralin trên một số tờ báo chỉ là thông tin một chiều từ Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM.

Vụ việc này đã xảy ra từ trước tết chứ không phải đang xảy ra. Việc công bố thông tin này vào thời điểm hiện nay là thiếu cân nhắc, gây ảnh hưởng đến người nuôi cá ở Đồng Tháp và Tiền Giang. Giá cá giảm mạnh và không tiêu thụ được.

Trước đó, theo ông Vũ, ngay sau khi có thông tin này, Chi cục Thủy sản Đồng Tháp đã tiến hành lấy mẫu ngẫu nhiên ở các bè cá điêu hồng trong tỉnh để xét nghiệm. Kết quả là không hề phát hiện chất cấm trong thịt cá. Hơn nữa, do đây là chất bị cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản nên các cơ quan chức năng địa phương đã thực hiện kiểm soát gắt gao, không có chuyện còn sử dụng chất này trong nuôi thủy sản.

Cũng trong ngày 17-4, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM đã họp với Ban quản lý chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (Q.8) về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các nguồn thủy sản nhập về chợ. Theo đó, hai đơn vị trên sẽ phối hợp để kiểm tra thường xuyên các tiểu thương kinh doanh thủy sản tại chợ.

Theo ông Trần Đình Vĩnh - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, thời gian tới chi cục sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại chợ đầu mối Bình Điền bằng việc tổ chức trạm kiểm soát ngay tại chợ, lấy mẫu test nhanh tại chỗ để kịp thời xử lý. “Đây là chất cấm trong nuôi trồng thủy sản nên nếu kiểm tra phát hiện hàng thủy sản có chứa chất trifluralin thì sẽ giữ lại, lập biên bản và tiêu hủy. Nhưng một mình TP.HCM làm không xuể nên chúng tôi đã mời cơ quan chức năng các tỉnh họp bàn và ký kết cung cấp thực phẩm an toàn cho TP” - ông Vĩnh nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Vĩnh thừa nhận thông tin về hiện tượng cá điêu hồng có chứa chất cấm như dư luận là kết quả của các đợt lấy mẫu kiểm tra tăng cường kiểm soát chất lượng thủy sản trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2012 tại chợ đầu mối thủy sản Bình Điền.

T.MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên