30/07/2011 05:05 GMT+7

Làn sóng đầu tư từ Nhật

LÊ NGUYÊN MINH
LÊ NGUYÊN MINH

TT - Chỉ trong thời gian ngắn đã có năm nhà đầu tư mới của Nhật được cấp phép tại Đồng Nai. Đây là những nhà đầu tư nhỏ nhưng hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ cao, mở đầu một khuynh hướng mới từ Nhật Bản vào Việt Nam.

s4Nnrymm.jpgPhóng to
Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Onishi, chuyên sản xuất các loại máy khoan - Ảnh: Hà Mi

Một dòng vốn và khuynh hướng đầu tư mới từ Nhật vào Việt Nam đang trở thành câu chuyện thực tế được các chuyên gia nhận định tại Hội nghị xúc tiến đầu tư từ Nhật Bản vào Đồng Nai, do Bộ Kế hoạch - đầu tư và tỉnh này tổ chức hôm 29-7.

Dòng đầu tư mới

Trong danh sách những nhà đầu tư mới được cấp phép ở Đồng Nai có tên những nhà đầu tư lớn như Brother, Tiger, Daitoh Industry... Nếu như Onishi chuyên sản xuất các loại máy khoan thì Daitoh Industry sản xuất các loại máy sản xuất chất bán dẫn, tấm hiển thị tinh thể lỏng và tấm pin năng lượng mặt trời... - những ngành công nghệ Việt Nam đang cần để kích hoạt ngành công nghiệp phụ trợ vốn im lìm nhiều năm qua.

Công ty nhỏ nhưng công nghệ cao

Tôi nhận được rất nhiều lời hỏi thăm từ các công ty Nhật về tình hình đầu tư ở VN. Nhiều công ty nhỏ của Nhật đang gặp khó khăn và VN sẽ là một lựa chọn cho họ. Xin lưu ý rằng đó là những công ty nhỏ nhưng công nghệ rất cao.

Tôi biết có những công ty chỉ vài công nhân nhưng họ giữ 50-70% thị phần toàn cầu. Họ sở hữu những công nghệ thuộc loại độc đáo. Nếu VN có những chính sách hấp dẫn sẽ thu hút được những công ty này giúp ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp phụ trợ, phát triển. Được như vậy tôi tin VN sẽ viết tiếp một câu chuyện thành công.

Đại diện Công ty Toshiba Industrial Product Asia cho biết công ty này vừa tăng công suất nhà máy tại Khu công nghiệp Amata từ 3.000 sản phẩm lên 10.000 sản phẩm động cơ điện. Cuối năm nay, công ty này cũng sẽ tăng vốn đầu tư từ 24 triệu USD lên 40 triệu USD để đáp ứng các đơn hàng từ Mỹ. Ông Toshio Kazama, tổng giám đốc Công ty phát triển khu công nghiệp Long Bình - đơn vị liên doanh với Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản), hồ hởi cho biết công ty đã quyết định mở thêm một khu công nghiệp mới tại Đồng Nai với diện tích 270ha, gấp ba lần khu công nghiệp cũ.

Một trong những lý do khiến nhà đầu tư này lập khu công nghiệp mới là để đón dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản và từ các nhà đầu tư Nhật ở Trung Quốc chuyển nhà máy sang Việt Nam. Ông Toshio Kazama cho biết mọi việc đang được xúc tiến nhanh để có thể đón những nhà đầu tư mới từ cuối năm nay.

Không chỉ ở Đồng Nai, Sở Kế hoạch - đầu tư Hải Phòng cũng cho biết từ đầu năm đến nay rất nhiều nhà đầu tư Nhật đã đến tìm cơ hội đầu tư. Điển hình là Công ty Kyocera Mita (Nhật Bản) vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đầu tư đăng ký là 187 triệu USD. Theo ban quản lý Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore, từ đầu năm đến nay các nhà đầu tư Nhật được cấp phép trong các khu công nghiệp của mình chiếm 50% trong tổng số nhà đầu tư nước ngoài mới.

Đừng để cơ hội trôi qua

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Yoshifumi Tsujio, cố vấn cấp cao của Cục Đầu tư nước ngoài, cho rằng Việt Nam đang có một cơ hội rất lớn trong thu hút đầu tư từ Nhật không khác gì làn sóng đầu tư đầu tiên trong thập niên 1990. Tuy có nhiều lợi thế nhưng những điểm yếu của Việt Nam không phải là ít khi so sánh với một số nước trong khu vực. Ông Nasu Yasutaka, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP.HCM, chỉ rõ: “Thiếu điện, cơ sở hạ tầng kém là những yếu tố khiến các nhà đầu tư Nhật quan ngại”.

Không chỉ có những tồn tại được xem là “điểm yếu chết người” trên, một nhà đầu tư đến từ Osaka (Nhật) còn cho rằng rất nhiều nhà đầu tư ở Nhật không có đủ thông tin về Việt Nam do công tác xúc tiến đầu tư của Việt Nam chưa được đẩy mạnh. “Nếu được cung cấp thông tin đầy đủ, tôi nghĩ sẽ còn có nhiều hơn nhà đầu tư Nhật hiện diện ở đây” - ông nói. Với các nhà đầu tư mới mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Nasu Yasutaka lưu ý cần chuẩn bị để có sự hỗ trợ về ngôn ngữ và văn hóa ứng xử cho đội ngũ nhân lực bởi những nhà đầu tư mới này không giỏi tiếng Anh và cũng thiếu kinh nghiệm ứng xử trong môi trường mới.

Thừa nhận công tác xúc tiến đầu tư còn nhiều hạn chế dù đã rất nỗ lực như lập cơ quan đại diện về đầu tư ở Tokyo và Osaka, ông Đỗ Nhất Hoàng - cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - cho biết sắp tới sẽ đẩy mạnh công tác cung cấp thông tin nhiều hơn cho các nhà đầu tư Nhật. Ông Hoàng cũng cho rằng trước khuynh hướng đầu tư mới của Nhật Bản vào ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, Bộ Kế hoạch - đầu tư và nhiều địa phương đang có những kế hoạch cụ thể để không bỏ lỡ cơ hội mới này.

“Nhà đầu tư Nhật Bản rất thận trọng nhưng nghiêm túc. Đôi khi cũng có thể xem họ là nhà đầu tư khó tính. Vì thế chúng ta cần có những giải pháp thích hợp để đáp ứng, chẳng hạn như chuẩn bị sẵn sàng về mặt bằng, nhà xưởng, hạ tầng điện, nước, viễn thông... chứ không chỉ đơn thuần là ưu đãi thuế...” - ông Hoàng nói.

Ông Hoàng nhận định trước sự hào hứng của nhà đầu tư Nhật, nếu các địa phương có sự chuẩn bị tốt thì đầu tư từ Nhật vào Việt Nam trong năm nay chắc chắn sẽ sáng sủa.

Tập trung vào công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong sáu tháng đầu năm 2011 Nhật Bản đã đầu tư vào VN 85 dự án với tổng vốn đăng ký gần 500 triệu USD, đứng thứ tư trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào VN.

Tính đến nay lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm lớn nhất trong số các dự án đầu tư từ Nhật Bản vào VN với 971 dự án, tổng vốn đăng ký 18,45 tỉ USD.

LÊ NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên