15/01/2005 15:38 GMT+7

Lần đầu tiên đại tu máy bay tại VN

NGUYỄN BAY
NGUYỄN BAY

TTCN - Lần đầu tiên Hàng không VN thực hiện việc sửa chữa định kỳ máy bay hiện đại ATR 72, số hiệu VN-B204, loại 8C - 12 năm (8C-12Y). Dự án trị giá trên 600.000 USD do các kỹ sư VN đảm trách.

3fVfZRQf.jpgPhóng to
Chiếc ATR 72, số hiệu VN-B204 trong hang ga
TTCN - Lần đầu tiên Hàng không VN thực hiện việc sửa chữa định kỳ máy bay hiện đại ATR 72, số hiệu VN-B204, loại 8C - 12 năm (8C-12Y). Dự án trị giá trên 600.000 USD do các kỹ sư VN đảm trách.

Máy bay đã được kiểm định đúng tiêu chuẩn châu Âu, qui định của nhà sản xuất. Ngày 4-1-2005 chiếc VN-B204 được bay thử 1 giờ 10 phút an toàn tuyệt đối và chính thức đưa vào khai thác lúc 12g10 ngày 5-1-2005 tuyến TP.HCM - Phnom Penh. Đây là bước tiến dài của ngành kỹ thuật sửa chữa máy bay VN. Dịp này chúng tôi phỏng vấn ông Trần Văn Mai (giám đốc Xưởng sửa chữa máy bay A75).

* Được biết, ATR 72 số hiệu VN-B204 xuất xưởng tại Pháp tháng 11-1992, đưa về VN khai thác từ tháng 12-1992, là một trong những chiếc máy bay đầu tiên do phương Tây sản xuất mà VN sở hữu, sau 12 năm khai thác nay đến hạn phải thực hiện bảo dưỡng định kỳ 8C-12 năm. Ông cho biết những cơ sở để Hàng không VN quyết định tự sửa chữa thay vì phải mang đi nước ngoài bảo dưỡng?

- Hiện nay, máy bay thế hệ mới qui định phải kiểm tra định kỳ theo niên hạn hoặc số giờ bay và số lần cất - hạ cánh. Dạng 8C-12Y tương đương mức đại tu máy bay. Từ năm 1993, A75 đã thực hiện thành công chương trình chuyển giao công nghệ bảo dưỡng quốc tế dạng C với máy bay ATR 72, dạng C máy bay Airbus 320, dạng A đối với Boeing 767, Boeing 777.

zBeYNbBS.jpgPhóng to
Khoang máy bay được bóc tách toàn bộ để kiểm tra và sửa chữa các thiết bị điện, điện tử
Năm 1999, Xưởng A75 được phê chuẩn theo qui chế bảo dưỡng của hàng không châu Âu - JAR.145. Đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật viên chuyên ngành được đào tạo và đạt chứng chỉ phê chuẩn bảo dưỡng (CRS) từ loại A-C, đạt CRS toàn phần, được phép ký hoàn thành sau bảo dưỡng với tất cả hệ thống của máy bay, cho phép máy bay đưa vào khai thác định kỳ, ký xác định cho phép hoàn thiện một qui trình sửa chữa.

Dự án bảo dưỡng 8C-12Y là dạng định kỳ lớn nhất đối với ATR 72 được thực hiện tại VN. Từ năm 2003, tất cả đội ngũ đã sẵn sàng, đầu tư trên 500.000 USD cho các loại máy móc, máy kiểm tra không phá hủy, kiểm tra vết nứt, siêu âm các loại... Yêu cầu chung là xử lý hỏng hóc thuộc về kết cấu máy bay, tẩy rửa, soi chiếu từng chi tiết, tìm và phát hiện những khuyết tật, oxy hóa hoặc hư hỏng trong quá trình khai thác, nếu vượt quá qui định thì phải thay.

Loại ATR 72 này là sản phẩm của các hãng sản xuất lớn thuộc liên minh Pháp - Ý - Tây Ban Nha: động cơ máy bay của Canada, cánh quạt của Mỹ, thân máy bay của Ý... và được lắp ráp tại Pháp, có chuyên gia bảo hành chín tháng. Một chiếc loại này của Hàng không VN đã từng đưa đi bảo dưỡng tại chính hãng sản xuất (Pháp) với giá 1 triệu USD, chúng tôi phải bay nhiều chặng, qua nhiều nước, xuyên biển... mất năm ngày (vì là máy bay chặng ngắn).

pakOeGrH.jpgPhóng to
Các kỹ sư VN đang xử lý phần cánh của máy bay dưới sự kiểm soát của chuyên gia (thuộc nhà sản xuất)
Dịp đó, chúng tôi đã gửi 38 kỹ sư chuyên ngành đi thực tập ba đợt. Hầu hết các công đoạn kỹ sư VN đều có thể tham gia với sự hướng dẫn của chuyên gia Pháp, đồng thời được phép ký xác nhận các qui trình bảo dưỡng, chiếc máy bay ấy hiện đang khai thác tốt. Từ những kết quả trên, chúng tôi quyết tâm chủ động bảo dưỡng chiếc đầu tiên tại VN.

* Vướng mắc lớn nhất trong quá trình kiểm tra bảo dưỡng và thay thế trang thiết bị?

- Cái khó nhất là kiểm tra toàn bộ khung sườn máy bay, đặc biệt là các thùng dầu. Đòi hỏi kỹ thuật nâng kích, giảm tải máy bay, chữa gỉ sét từ bên trong, kiểm tra tất cả từ động cơ, thiết bị điện tử, hệ thống điều khiển, trục dây cáp... đến cái nhỏ nhất là thiết bị nội thất. 300 nội dung công việc khác nhau được thực hiện một cách đồng bộ, toàn bộ hệ thống được bóc tách nâng cấp và kiểm tra một cách chi tiết nhất, phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và cả mỹ thuật. Tất cả theo đúng qui trình của nhà sản xuất, khi phát hiện hỏng hóc phải đánh dấu và lập hồ sơ nếu sự cố không nằm trong giới hạn được phép sửa chữa theo tài liệu hướng dẫn.

Hàng ngàn chi tiết, hàng trăm công đoạn phức tạp nhưng lực lượng sửa chữa đều đã trải qua thực tế. Có 26 công đoạn lần đầu tiên chúng tôi tiếp cận: tháo ráp thùng dầu, kiểm tra các vùng phía buồng lái, kiểm tra chỗ nối giữa càng và thân... còn có những chi tiết phát sinh ngoài sách vở tài liệu và qui phạm của nhà sản xuất. Chúng tôi phải báo cáo, xin phương án và thuyết phục nhà sản xuất chấp nhận qui trình thực hiện.

Rủi ro lớn nhất là máy bay có thể biến dạng khi nâng kích. Trong quá trình bảo dưỡng, toàn bộ máy bay phải đảm bảo ở trạng thái tĩnh, một xê dịch nhỏ cũng khó ráp thiết bị... Mọi người rất hồi hộp và vui mừng khi khui thùng dầu còn tốt, thùng dầu bị hỏng thì không có khả năng sửa chữa, chỉ có vài chỗ bị đọng nước, một vết sét và phải thay một số con ốc. Khi hoàn thiện, việc đóng nắp thùng dầu cũng là công đoạn vô cùng khó khăn, nếu không đạt chuẩn thùng dầu sẽ không khớp.

OnEf6gY0.jpgPhóng to
Buồng điều khiển, một trong các bộ phận quan trọng được dùng thiết bị kiểm tra không phá hủy, đảm bảo qui chuẩn của hàng không châu Âu
Hai chuyên gia nước ngoài đại diện nhà sản xuất ATR 72 theo dõi quá trình bão dưỡng đã rất hài lòng về trình độ tay nghề cao của kỹ sư, thợ máy VN. Đặc biệt là sự khéo léo và sáng tạo vì các vị trí tiếp cận máy bay loại này rất nhỏ, công việc phải hoán đổi liên tục trong vòng nửa giờ/lần. Riêng hệ thống kích chuyên dụng do chính A75 thiết kế có giá trị hàng trăm ngàn USD là một tiến bộ cao về kỹ thuật.

* Sau thành công này, chúng ta có thể nghĩ đến một tương lai xa của ngành sửa chữa bảo dưỡng máy bay tại VN? Có thể mơ đến một trung tâm bảo dưỡng máy bay cho khu vực?

- Trước tiên, chúng tôi tự hào khẳng định đây là một sự kiện lớn, đánh dấu bước tiến mới của ngành kỹ thuật hàng không VN. So với việc mang đi bảo dưỡng ở nước ngoài, thời gian thực hiện giảm được một tháng, đưa nhanh máy bay vào khai thác, tổng chi phí thực hiện chưa đến 250.000 USD, tiết kiệm hàng trăm ngàn USD.

Từ nay, Hàng không VN hoàn toàn chủ động bảo dưỡng dòng máy bay ATR 72 với dạng bảo dưỡng lớn và phức tạp (hiện có chín chiếc ATR 72 đang hoạt động). A75 đã bảo dưỡng định kỳ bốn lần dạng C-ATR 72 cho Hàng không Lào. Đầu tư đón đầu công nghệ mới, Tổng công ty Hàng không VN đã phê chuẩn dự án xây dựng một hang ga thân rộng tại A75, trị giá trên 200 tỉ đồng, có khả năng chứa một máy bay hiện đại nhất (loại hai tầng của Pháp chuẩn bị xuất xưởng năm 2005). Khả năng A75 không chỉ đảm nhận việc bảo dưỡng các loại ATR 72, B767, B777 của Hàng không VN mà cả các hãng khác bay tới Tân Sơn Nhất.

NGUYỄN BAY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên