Chuyên đề: Loạn họp trong các cơ quan nhà nước
Phải cải cách cơ chế
Các lãnh đạo địa phương thường than phiền rằng dẫu có tăng đến bao nhiêu đi nữa số phó chủ tịch cũng không phân đủ người đi dự các cuộc họp của bộ ngành triệu tập, mà xem ra cuộc họp nào cũng không thể thiếu được. Nhiều tỉnh thành hiện nay có đến 4-5 phó chủ tịch nhưng nhiều khi không đủ người đi họp.
Rõ ràng cách phân công, phân cấp, phân nhiệm không rõ ràng thì lãnh đạo các cấp dù có tăng thêm bao nhiêu người cũng không đáp ứng được. Có ý kiến cho rằng sở dĩ cần nhiều lãnh đạo để đáp ứng nhu cầu đi họp vì theo thống kê, một quan chức đầu tỉnh mỗi năm được mời gần 700 cuộc họp ở trung ương, địa phương.
Có thể thấy tình trạng loạn họp bấy lâu nay “tàn phá” các cơ quan nhà nước là do các nguyên nhân sau:
1. Do phân công, phân cấp, phân nhiệm không rõ ràng, không giao quyền tự chủ cho các sở, phân cấp cho quận huyện, nâng cao trách nhiệm và sự chịu trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này.
2. Phân định chức năng giữa các cơ quan còn chồng chéo, một việc không có người chịu trách nhiệm chính, có quá nhiều cơ quan tổ chức tham gia cùng một việc, cho nên phải họp bàn để thống nhất từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, đòi hỏi có mặt đủ thành phần.
3. Cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ chưa được làm rõ, chưa được thể chế hóa. Vì vậy, chỉ có một việc, một vấn đề, một nội dung nhưng phải tiến hành 5-6 cuộc họp, như: họp thường vụ, họp ban cán sự, họp thường trực UBND, họp UBND, HĐND, họp triển khai ra sở, ngành, quận, huyện...
4. Chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách chưa được làm rõ.
5. Phân cấp trung ương - địa phương chưa rõ, chưa được thể chế hóa, chế độ hóa và ngay giữa ba cấp ở địa phương cũng tương tự như vậy.
6. Chưa xóa bỏ được tư duy bao cấp trong quản lý, cái gì Nhà nước cũng ôm, cái gì cũng đòi xin - cho, báo bẩm... Muốn giảm họp phải nhận diện cho rõ cái gì Nhà nước cần quản lý, cái gì giao cho các thành phần khác, các tổ chức xã hội... Tóm lại, muốn giảm họp phải mạnh dạn giảm nội dung quản lý.
7. Có vấn đề về năng lực, thiếu tính quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm... nên kéo tập thể vào sinh ra họp hành.
Có ý kiến cho rằng nên sử dụng triệt để giải pháp công nghệ thông tin để giảm họp. Chúng tôi thiết nghĩ công nghệ thông tin là rất cần thiết, nhưng nó chỉ là phương tiện, công cụ nên chỉ giải quyết được cái ngọn, không thể giải quyết được cái gốc là cơ chế. Phải tích cực cải cách cơ chế.
(*) Nguồn: Đề cương biên soạn lịch sử Chính phủ.
Hiện đại hóa hành chính
Tình trạng loạn họp cùng những biến tướng trong tổ chức họp hành, ở các cơ quan nhà nước như hiện nay, đúng là đã đến mức đáng báo động. Để hạn chế những cuộc họp vô bổ, gây lãng phí tiền bạc, thời gian của Nhà nước và nhân dân, rất cần sớm có những qui định cụ thể bằng các văn bản pháp luật về việc tổ chức họp hành ở các cơ quan nhà nước, về nghĩa vụ của cơ quan, công chức trong việc giải quyết các công việc thuộc trách nhiệm của mình...
Bên cạnh đó, cũng cần phải nâng cao năng lực, tinh thần trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
Tuy nhiên, để giải quyết được triệt để tình trạng loạn họp cũng như những bất cập, yếu kém, lãng phí khác trong các cơ quan nhà nước, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng hiện đại hóa nền hành chính nước nhà.
Trong đó, cần phải xây dựng ngay mô hình chính phủ điện tử, nền hành chính điện tử, lấy việc phục vụ dân, phục vụ đất nước theo các phương châm nhanh nhất, gọn nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất... Khi ấy, nhiều cuộc họp có thể được thực hiện qua mạng Internet một cách dễ dàng, tiện lợi, vừa tiết kiệm thời gian, vừa giảm chi phí tổ chức hội họp và những phát sinh tiêu cực như phong bì, nâng khống giá thuê phòng hay các dịch vụ phục vụ hội họp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận