27/10/2013 07:20 GMT+7

Làm sao để được nhận tiền bồi thường?

Bà BÙI THỊ KHƯƠNGVŨ TOÀN ghi
Bà BÙI THỊ KHƯƠNGVŨ TOÀN ghi

TT - 6 năm, 9 lần đến Chi cục Thi hành án huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) nộp đơn yêu cầu thi hành án để nhận tiền bồi thường, nhưng bà Bùi Thị Khương (trú tại xã Thanh Lương, huyện Thanh Chương) vẫn phải đi về “tay không”. Sau đây là câu chuyện của bà Khương.

4zr4enGT.jpgPhóng to
Bà Khương viết đơn tiếp tục gửi tới các cơ quan chức năng - Ảnh: Vũ Toàn

Theo bản án của tòa phúc thẩm tỉnh Nghệ An ngày 15-3-2007, Văn Bá Thân cầm lái chiếc xe máy chở Văn Bá Ý gây tai nạn khiến chồng tôi chết. Tòa đã xử phạt Ý 2 năm tù, Thân 3 năm tù vì tội “vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ” cho hưởng án treo vì Thân cũng bị thương nặng, mù hai mắt. Cả hai bị cáo phải bồi thường cho gia đình tôi 33.543.000 đồng là tiền cấp cứu, mai táng chồng tôi, sửa chữa xe máy và tiền tổn thất tinh thần. Ngoài ra hai bị cáo còn chịu trách nhiệm liên đới trợ cấp nuôi dưỡng 250.000 đồng/tháng cho đứa con nhỏ 8 tuổi của tôi cho đến khi trưởng thành.

Sau khi có bản án, tôi đã chín lần đến Chi cục Thi hành án Nam Đàn gửi đơn. Năm 2007 ông Thái Văn Ngọc làm chi cục trưởng, tôi đến gửi đơn bốn lần nhưng lần nào ông Ngọc cũng trả lời: “Nhân viên đã đi nhiều lần rồi nhưng việc xác minh này rất khó khăn vì Văn Bá Ý đã 18 tuổi rồi nên tự làm tự trả, cha mẹ không phải trả thay cho con. Mà ra tù rồi Ý đi đâu xã cũng không biết được nên rất khó”. Năm 2009, ông Nguyễn Lĩnh Nhượng thay thế ông Ngọc (nghỉ hưu), tôi đến năm lần nữa.

Lần đầu ông Nhượng nhận đơn nhưng mãi không thấy trả lời nên tôi đến lần hai nộp đơn tiếp. Lần này ông Nhượng trả đơn, nói: “Đơn làm thế này chưa được. Giờ có luật mới rồi, cơ quan thi hành án không đến gia đình người phải thi hành án xác minh như trước cho chị nữa mà chị phải tự đến đó xem họ có những tài sản gì rồi về làm bản xác minh mới thụ lý được”. Lần ba tôi đến nộp bản xác minh, ông Nhượng xem qua rồi lắc đầu, nói: “Bản xác minh này chưa đúng thủ tục. Phải có ba chữ ký của gia đình người phải thi hành án, xóm trưởng và chủ tịch UBND xã sở tại mới có đủ cơ sở để thụ lý”.

Lần thứ tư, bí quá, tôi liều đến nộp đơn lần nữa, hi vọng Chi cục Thi hành án sẽ giải quyết nhưng lần này ông Nhượng bảo tôi sang phòng bên nộp đơn cho nhân viên. Người này cũng đòi phải có biên bản xác minh. Do không am hiểu nên tôi hỏi anh cho tôi xem Luật thi hành án dân sự mới có nội dung như thế nào. Anh nhân viên nói: “Ở đâu cũng có bán, chị đi mua về mà xem. Hay là cứ chờ một vài tháng tới họ sửa luật may chị làm được”.

Nghe vậy tôi ngao ngán ra về. Sau những buổi chạy chợ sáng, có đêm tôi nằm không ngủ được. Phần vì con tôi thi thoảng lại hỏi: “Họ đi xe đâm thẳng vào bố làm bố chết, nay đi tù về đã năm năm, vì sao họ vẫn không chịu bồi thường cho mình?”, phần nghĩ thấy tức cách làm việc khó hiểu của Chi cục Thi hành án huyện. Họ yêu cầu tôi phải đi xác minh tài sản rồi xin chữ ký của gia đình người gây tai nạn thì làm sao người ta chịu ký. Xóm trưởng là anh em của người gây tai nạn cũng không chịu ký. UBND xã thì bảo “giờ Văn Bá Ý đi làm ăn xa ở đâu xã không biết được” nên cũng không ký. Vậy là tôi nghĩ phải quyết làm cho đúng lẽ công bằng. Vất vả mấy cũng đi.

Sau yêu cầu của ông Nhượng hai lần tôi đến nhà mẹ Văn Bá Ý thấy gia đình có nhà cửa, xe máy, tivi, tủ lạnh, trâu... Mới đây tôi đến lần nữa, gia đình cho biết Ý ra tù đã cưới vợ. Nếu theo đúng khoản đ, điều 31 của Luật thi hành án dân sự quy định: trong đơn yêu cầu thi hành án thì người yêu cầu thi hành án chỉ cần có “thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án”, tôi đã có thông tin rồi nhưng ông ấy cứ bắt bẻ những điều mà một người dân bình thường như tôi không thể làm được.

Lần thứ năm tôi đến gặp lại ông Nhượng và nói: “Nếu Chi cục Thi hành án không thụ lý thì ghi cho tôi mấy chữ để tôi gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác”. Ông Nhượng can: “Gửi đi đâu làm gì. Chỉ có ở đây giải quyết thôi”. Nói giải quyết nhưng chi cục có giải quyết đâu nên tôi gửi đơn đến chủ tịch huyện, để rồi huyện lại chuyển đơn sang Chi cục Thi hành án. Giờ thì tôi gửi tới các báo, mong được báo chí quan tâm. Nếu không, bị hại nào cũng như mẹ con tôi, biết kêu vào ai được nữa.

Chi cục Thi hành án: “Đã làm theo luật”

Ông Nguyễn Lĩnh Nhượng, chi cục trưởng Chi cục Thi hành án huyện Nam Đàn, nói: “Chúng tôi làm theo luật. Khi nào bà Khương xác minh được tài sản của Văn Bá Ý thì chúng tôi mới có điều kiện thi hành án”. Chúng tôi hỏi: “Thủ tục để được thi hành án chỉ yêu cầu bị hại có thông tin về tài sản hoặc điều kiện của người phải thi hành án, không yêu cầu phải có bản xác minh với ba loại chữ ký như ông đã yêu cầu bà Khương?”. Ông Nhượng vẫn nói: “Luật yêu cầu sao chúng tôi làm như vậy”.

Luật sư: Chi cục Thi hành án đã làm sai luật

“Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành” chỉ là một trong những nội dung chính của đơn yêu cầu thi hành án. Nếu người yêu cầu thi hành án không có văn bản xác minh về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành hoặc có nhưng lại không có chữ ký của xóm trưởng và chủ tịch UBND xã thì cũng không thuộc trường hợp cơ quan thi hành án từ chối nhận đơn hoặc trả lại đơn. Do đó, việc chi cục trưởng thi hành án dân sự huyện Nam Đàn từ chối nhận hoặc trả lại đơn cho bà Khương vì những lý do trên là không đúng điểm đ, khoản 1, điều 31, điều 34, điều 51 Luật thi hành án dân sự năm 2008, có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, khoản 1, điều 6 nghị định 58/2009/NĐ-CP ngày 13-7-2009, có hiệu lực từ ngày 24-8-2009.

Theo các điều luật đã viện dẫn thì việc xác minh điều kiện thi hành án là quyền của người được thi hành án. Trường hợp người được thi hành án đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể tự xác minh được thì có thể yêu cầu chấp hành viên xác minh nhưng phải bằng văn bản và phải ghi rõ các biện pháp đã được áp dụng nhưng không có kết quả. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu xác minh của người được thi hành án, chấp hành viên phải tiến hành việc xác minh. Như vậy, nếu chi cục trưởng thi hành án dân sự huyện Nam Đàn xem việc xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án chỉ là nghĩa vụ của bà Khương mà không phải của chấp hành viên khi bà Khương yêu cầu theo các quy định nêu trên là không đúng pháp luật. Điều đáng nói nữa là việc phải làm biên bản xác minh là nghĩa vụ của chấp hành viên, chứ không phải của bà Khương.

Bà BÙI THỊ KHƯƠNGVŨ TOÀN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên