15/12/2006 22:32 GMT+7

Làm sao để "Dân ta phải biết sử ta"?

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Đó là câu hỏi được đặt ra tại hội thảo "Dân ta phải biết sử ta" do Trường ĐHKHXH và NV TP.HCM, báo Người lao động, Sở VHTT TP.HCM, Sở GD-ĐT TP.HCM và hội Khoa học lịch sử TP.HCM tổ chức sáng 15-12.

NF3AaobD.jpgPhóng to
1 tiết học sử theo phương pháp mới ở trường THCS Nguyễn Du, Q.1. Theo các đại biểu, đổi mới phương pháp giảng dạy là 1 cách hiệu quả giúp HS Ham thích học sử

Và không hẹn trước, các đại biểu cùng gặp nhau ở ý tưởng: cần phải có biện pháp cấp bách "vực dậy" công tác giáo dục lịch sử cho người dân - nhất là cho giới trẻ...

Giật mình

Mở đầu hội thảo, PGS.TS Ngô Văn Lệ, hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, khẳng định: "Lịch sử hun đúc cho chúng ta lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Học lịch sử VN thì chúng ta mới hiểu được đạo lý của con người VN, mới yêu quý và trân trọng những thành quả của cha ông ta trước kia, mới hiểu được thành tựu sáng tạo, những phẩm giá tinh thần truyền thống. Lịch sử dân tộc không chỉ trang bị vốn kiến thức cơ bản cần thiết cho thế hệ trẻ mà còn góp phần hoàn thiện nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam".

Rồi ông đặt câu hỏi: "Lịch sử có vai trò to lớn như vậy nhưng hiện nay trong xã hội và nhà trường, môn lịch sử bị xem là môn phụ. HS ít muốn học, nếu có học cũng qua loa, chiếu lệ. Kết quả chấm thi đại học trong 2 năm gần đây khiến nhiều người không khỏi giật mình vì "bội thực" điểm 0. Việc dạy sử của thầy cô giáo cũng chưa được chú trọng. Thầy cô lên lớp chỉ nói qua loa nội dung bài học rồi đọc cho HS chép. Trong khi đó, HS lại biết nhiều về lịch sử Trung Hoa qua các con đường đa dạng và dễ tiếp nhận (vì nó được trình bày một cách sinh động qua những bộ phim dã sử đầy kịch tính cùng dàn diễn viên tài năng và xinh đẹp). Thật ngạc nhiên khi dân tộc ta không thiếu những vị anh hùng, những tích Trạng Nguyên lý thú nhưng lại không được khai thác triệt để thành những bộ phim, tác phẩm văn học,..."

Ông Trần Như Thanh Tâm - chuyên viên môn sử, Sở GD-ĐT TP.HCM, nhìn nhận: Ngoài khó khăn về đời sống vật chất (chỉ sống chủ yếu bằng đồng lương, không thể dạy thêm), người giáo viên lịch sử còn gặp không ít những khó khăn khác như: nội dung chương trình quá dàn trải, cách viết sách giáo khoa còn mang tính hàn lâm, số tiết quá ít trong khi phải chuyển tải một khối lượng kiến thức khổng lồ. Điều kiện dạy học môn sử thì thiếu thốn,lạc hậu. Cách thi cử thì chủ yếu cho HS ghi nhớ, do đó khó lòng đi sâu vào việc dạy thế nào cho HS hiểu.

GS.TS Ngô Văn Lệđưa ra những nguyên nhân cơ bản: Xã hội chưa đặt đúng vị trí, chức năng của môn lịch sử trong hệ thống các môn học PT. Điều này thể hiện rõ ràng nhất khi Bộ GD công bố môn thi tốt nghiệp: năm nào không thi sử, các trường sẽ dạy qua loa để dành thời gian cho môn học khác. Sự kết hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn chưa tốt (những kênh truyền thông về lịch sử mang tính hấp dẫn đới với lớp trẻ còn ít quá, chưa có nhiều kịch bản, phim, truyện tranh, tiểu thuyết về lịch sử VN). Việc dạy và học môn sử ở nước ta chưa tận dụng được hệ thống bảo tàng - là những bộ sử bằng hiện vật rất phong phú và mang tính cảm thụ trực tiếp; còn nhiều vấn đề bất cập về chương trình, sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên và phương pháp giảng dạy môn lịch sử.

Đâu phải chỉ có một con đường

PGS.TS Võ Xuân Đàn, ĐH Sư phạm TP.HCM, đề nghị: "Cần tiến hành ngay một cuộc điều tra, xác minh thực chất về sự yếu kém trong học tập môn lịch sử của HS. Sau đó, có sự phối hợp các nguồn lực để khắc phục (HS - gia đình - xã hội - thầy cô giáo - nhà quản lý) . Rồi các phương tiện thông tin đại chúng không ngừng tăng cường tuyên truyền về lịch sử hào hùng của dân tộc VN dưới nhiều cấp độ khác nhau và nhiều hình thức khác nhau. Bên cạnh đó, Đưa trang thiết bị nghe nhìn và phương tiện hiện đại khác hỗ trợ cho giáo viên dạy sử. Đặc biệt, trong lãnh đạo, chỉ đạo không để tồn tại nhận thức môn chính - môn phụ".

"Để người ta nhớ lâu những sự kiện lịch sử không có con đường nào khác hơn là phải nâng cao về nhận thức lịch sử dân tộc. Muốn có nhận thức đúng, việc phản ánh lịch sử phải trung thực, khách quan. Đừng chỉ ca ngợi, đề cao những mặt thành công, ưu điểm mà đôi khi có cả sự áp đặt, khiên cưỡng. Rất cần phải có sự phê phán công bằng các vấn đề, hiện tượng trong lịch sử" - Ý kiến của Th.s Phạm Ngọc Trâm - Nghiên cứu sinh khoa Sử, ĐHKHXH&NV TP.HCM được nhiều đại biểu đồng tình.

Trong khi đó, TS Đặng Văn Thắng, Hội khoa học lịch sử TP.HCM lại đưa ra giải pháp: Cần đa dạng hóa các kênh thông tin về lịch sử: Trước tiên là ở gia đình. Đất nước VN đã qua 20 năm đổi mới, cuộc sống càng ngày càng tốt hơn, nhu cầu du lịch, hưởng thụ văn hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ. Nếu các gia đình cho con em mình đi du lịch, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh sẽ rất bổ ích. Việc có những trang thiết bị trong gia đình như truyền hình, vi tính, Internet..để có thể tiếp cận những vấn đề lịch sử cũng cấn thiết.

Theo TS Thắng, ngành di sản (di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) phải tạo sự thu hút với khách tham quan: VN hiện nay có 117 bảo tàng của nhà nước và 4 bảo tàng của tư nhân, trưng bày nhiều hiện vật giới thiệu lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội. Nếu nhà trường cho HS, SV đến đây tham quan, học tập thì hiệu quả vô cùng. Vì Bảo tàng là một trung tâm thông tin về những sự kiện, nhân vật lịch sử. Ông kết luận: "Hiểu biết lịch sử đâu phải chỉ một con đường".

Đồng cảm với TS Thắng, Giáo viên Huỳnh Việt Hùng - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TP.HCM nhấn mạnh: "Cần mạnh dạn và cương quyết đổi mới chương trình, sách giáo khoa với phương pháp, phương tiện dạy học, thi cử đánh giá ở các cấp học. Phải đổi mới đồng bộ chứ đừng đổi mới nửa vời, khó mong đạt kết quả như ý. Để "Dân ta biết sử ta", một mình ngành giáo dục đảm đương thì chưa đủ, cần phải có nhiều ngành tham gia như: các nhà xuất bản, phát hành sách, ngành văn hóa thông tin, Đoàn thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh (tổ chức các phong trào văn nghệ, thi hát các ca khúc truyền thống qua đó gián tiếp đưa lịch sử đến với HS, giáo dục lòng yêu nước),..."

Với tâm trạng của người đi học, SV Nguyễn Hoàng Anh - Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đưa ra yêu cầu: Tiết dạy sử cần sử dụng đồ dùng trực quan, các bài tập nhận thức, thảo luận trong giờ học; tổ chức bài học tại thực địa (nơi diễn ra sự kiện), ở nhà truyền thống,...; cũng có thể tiến hành các hoạt động ngoại khóa, giúp đỡ các gia đình thương binh liệt sĩ, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ...để giáo dục lịch sử.

Chúng tôi xin kết thúc bài viết bằng hẳng định của SV Nguyễn Hoàng Anh: "Hãy đặt người học vào bối cảnh lịch sử để họ có thể cảm nhận những éo le, khúc khuỷu của lịch sử dân tộc. Đấy chính là cái hồn của lịch sử - là cái mà người học hiện nay khó cảm nhận được. Hãy để không khí trong giờ học lịch sử sôi động hơn nhằm lôi kéo người học đến với lịch sử dân tộc. Không có lịch sử thì không có bản sắc văn hóa. Không có bản sắc văn hóa thì không thể nói đến độc lập tự do - nhất là trong thời đại toàn cầu hóa này".

Vì sao sách lịch sử chưa thu hút người trẻ?Để học sinh học tốt môn sửTại sao môn sử có điểm thấp?Môn Lịch sử: Kết quả thấp nhất trong các môn thi!

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên