21/11/2013 07:33 GMT+7

Làm rõ tham nhũng trong công tác cán bộ

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TT - Trong phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 20-11, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến tiêu cực trong bộ máy công quyền. Nhưng thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình lại lấy nghị quyết ra đọc...

Dẫn nghị quyết ra đọc tức là thừa nhận tiêu cực, tham nhũng“Tôi không tin con số 1-2% công chức không làm được việc”

XZS6Yg1Z.jpgPhóng to
Đại biểu Chu Sơn Hà: “Bộ trưởng cho biết có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không?- Ảnh: Việt Dũng

Ngày 20-11, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã có gần hết buổi sáng và nửa đầu buổi chiều để trả lời chất vấn trước Quốc hội, nhưng xem ra vẫn chưa làm hài lòng các đại biểu đã đặt câu hỏi với ông.

Rất nhiều văn bản, nghị quyết, quy chế, luật định đã được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình viện dẫn. Rất nhiều “quyết tâm, đẩy mạnh, tăng cường, đổi mới” được nhắc đến trong các giải pháp. Nhưng, như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Chúng ta cảm nhận được trong phiên chất vấn này, nhiều đại biểu, kể cả bộ trưởng, cũng chưa bằng lòng, đồng bào cử tri cả nước có lẽ cũng chưa hài lòng với các đánh giá về tình hình hiện nay đối với công tác tổ chức, công tác cán bộ, chất lượng bộ máy”.

“Bộ trưởng trích nghị quyết”

Sau khi hỏi lần thứ nhất mà không được trả lời thỏa đáng, đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) chất vấn lần thứ hai: “Bộ trưởng cho biết có tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ không? Nếu có thì ở mức độ nào? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới?”. Cả hai lần Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đều không trả lời thẳng câu hỏi mà dẫn rất nhiều văn bản pháp luật, nghị quyết: “Vấn đề có tham nhũng hay không, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị nên chúng tôi đọc rất kỹ các văn kiện của Đại hội XI, đặc biệt là nghị quyết trung ương 4 khóa XI. Tại điểm 6, mục d, phần I đánh giá về hạn chế, khuyết điểm trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI có nêu: Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, tình trạng chạy chức, chạy quyền chưa được khắc phục”.

Nghe Bộ trưởng Bình giải trình xong, nhiều đại biểu cười. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trong phần phát biểu kết luận đã phải giải thích thêm: “Có tiêu cực, có tham nhũng không? Bộ trưởng trích nghị quyết trung ương ra đọc cho đại biểu nghe. Đọc như vậy có nghĩa là có. Tôi xin khẳng định lại như vậy”. Chủ tịch Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận: “Tiêu cực nhũng nhiễu không ở bộ máy thì ở đâu? Tiêu cực nhũng nhiễu là có. Tiêu cực nhũng nhiễu là nói về bộ máy, nói về cơ quan công quyền, nói về đội ngũ cán bộ công chức viên chức. Tham nhũng ở đâu? Cũng ở bộ máy công quyền, bộ máy đơn vị sự nghiệp. Có tham nhũng, có tiêu cực là có nhũng nhiễu. Nhưng nó là bao nhiêu? Bộ trưởng phải tiếp tục đánh giá. Đảng nói là bộ phận không nhỏ. Cơ quan này, lực lượng kia có thể nhiều ít khác nhau nhưng đây là vấn đề rất nhức nhối”.

Từ phân tích trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị bộ trưởng Bộ Nội vụ phải đóng vai trò chủ đạo trong việc triển khai chống tiêu cực nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính, có nhiều biện pháp hơn nữa để đẩy lùi hiện tượng này. “Phải phối hợp với cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra... để thực hiện công việc này trong bộ máy của chúng ta. Phải tích cực chống tiêu cực, tạo chuyển biến rõ rệt trong năm 2014-2015” - ông Hùng kiên quyết.

CiOfojwR.jpgPhóng to
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình: “Vấn đề có tham nhũng hay không, đây là lĩnh vực nhạy cảm, tế nhị” - Ảnh: Việt Dũng

Chưa biết 30% cán bộ không làm được việc ở đâu

Có đến bốn đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình về con số 30% cán bộ công chức không làm được việc. Đại biểu Hà Minh Huệ (Bình Thuận) hỏi: “Bộ trưởng có thay đổi ý kiến về kết luận là chỉ có 1% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ? Bộ có tính chuyện điều tra dư luận về con số 30% mà Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nêu để dư luận xã hội yên tâm không? Vì cả hai ý kiến này đều không làm yên lòng cử tri, kể cả số nhiều, số ít”.

Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình “xin phép Chủ tịch Quốc hội vấn đề này không thể nói ngắn”. Sau đó, ông Bình không đi thẳng vào trả lời mà tiếp tục viện dẫn quyết định của Bộ Chính trị, nghị định của Chính phủ, Luật công chức viên chức. Ông Nguyễn Sinh Hùng sốt ruột: “Bộ trưởng ạ, thôi hướng dẫn rồi quy định đi! Người hỏi có một câu thôi, tức là về đánh giá bây giờ có 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ thì ý kiến bộ trưởng thế nào. Sau này khắc phục rồi ta sẽ làm tiếp”. Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình gút lại: “Số liệu vừa qua chúng tôi báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là số liệu tập hợp của các bộ, ngành trung ương. Còn quan điểm của Bộ Nội vụ thì phải có kế hoạch, có lộ trình để tạo sự thống nhất trong tỉ lệ phần trăm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp tục phải giải thích thêm: “Như vậy bộ trưởng cũng đồng ý với đại biểu Huệ là phải kiểm tra lại số 1% này, có nghĩa là số đó chưa chính xác. Còn con số 30% là theo dư luận và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nói là có dư luận như vậy, có ý kiến như vậy thì bây giờ cũng phải kiểm tra để đánh giá. Vậy thì bao nhiêu phần trăm? Bộ trưởng hứa sẽ kiểm tra và có báo cáo với các đại biểu Quốc hội, hôm nay trả lời ngay thì chưa có con số”.

“Hội chứng lực lượng mỏng”

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đặt vấn đề: “Bộ ngành nào đi giám sát cũng kêu ca thiếu biên chế. Ngay tại diễn đàn Quốc hội các tư lệnh ngành cũng đưa ra lý do thiếu nhân lực. Tôi xin gọi đó là “hội chứng lực lượng mỏng”. Phá rừng tràn lan là do kiểm lâm mỏng; buôn lậu, hàng gian hàng giả tràn lan cũng cho quản lý thị trường mỏng; khám chữa bệnh trái phép, không phép cũng là do thanh tra y tế mỏng; tai nạn giao thông, xây dựng trái phép nhiều... cũng do lực lượng chức năng mỏng. Có đúng là mỏng thật không thì không biết. Xin hỏi quan điểm của bộ trưởng về việc này?”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng bình luận: “Đúng là mỏng nhưng giải quyết mỏng thì rất là khó đấy”.

Thực tế mà đại biểu Cương đưa ra lại mâu thuẫn với thông tin mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình đề cập. Ông Bình cho biết một số lĩnh vực tăng biên chế khiến bộ máy phình to trong thời gian qua là lĩnh vực về môi trường, đất đai, quản lý thị trường, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra lao động, thuế, hải quan, kiểm lâm, quản lý thị trường, y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm, y tế dự phòng, quản lý khám chữa bệnh, quản lý dược, quản lý bảo hiểm y tế... Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu rà soát lại toàn bộ bộ máy hành chính. “Chỗ nào mỏng, chỗ nào dày, chỗ nào thừa, chỗ nào thiếu phải rõ ra. Rà lại tổng thể về biên chế. Phải có đánh giá về chất lượng đội ngũ cán bộ. Quan trọng là quy định công việc của mỗi chức danh. Chức danh phải đi kèm tiêu chuẩn. Tôi đề nghị làm khẩn trương, làm sao đến giữa năm 2014 xong chuyện này” - ông Hùng dứt khoát.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận:

Chưa phát hiện mua bán bằng cấp do nhà trường tổ chức

Tham gia trả lời trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết: “Đến giờ này chưa phát hiện vụ mua bán bằng cấp nào do nhà trường tổ chức. Việc mua bán này xảy ra ngoài xã hội, có thể có một số thầy cô vi phạm. Bộ Giáo dục - đào tạo đã chỉ đạo các trường, sở giáo dục - đào tạo công khai danh sách học sinh, sinh viên tốt nghiệp của mình kể cả cấp phổ thông, đại học và sau đại học để các cơ quan tuyển dụng đối chiếu”.

Tuy nhiên, ông Luận cũng cho hay vì mới làm mấy năm gần đây nên chỉ mới cập nhật danh sách những sinh viên mới tốt nghiệp gần đây. Không đủ kinh phí, không đủ lực lượng để cập nhật hết danh sách từ nhiều năm về trước. “Hiện chúng tôi cũng đang làm phần mềm để rà soát việc ăn cắp bản quyền, sao chép luận án để xử lý tình trạng học giả bằng thật”.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên