Nhạc sĩ Lam Phương thời trẻ - Ảnh tư liệu của gia đình
Với những người sống ở không gian sau này, những bài hát của Lam Phương là câu chuyện của một thời đã qua nhưng vẫn giữ nguyên không khí sống động, biến ảo.
Những ca khúc giúp họ hình dung một đời sống muôn vẻ những tâm tình, mà mỗi bài hát là một cuộc giãi bày những tâm tình ấy để đi vào lòng người, hay chính vì lòng người đã sẵn những não nuột để đợi một Lam Phương bập bùng tự sự trên những phím đàn.
Những bài hát được hát rất "mùi"
Nhiều người ấn tượng với những bài sáng tác theo điệu bolero, hay nói đúng hơn là "mẫu của nhạc bolero" đến độ nghĩ đến Lam Phương là nghĩ đến thời cực thịnh của dòng nhạc này.
Những lời ca thường rất ấn tượng khi chọn được câu chốt ngay từ mở đầu, với tiết tấu dễ nghe, bắt tai công chúng, tạo ra chủ đề âm nhạc dễ nhận diện, để rồi chúng trở thành những sản phẩm vô cùng ăn khách.
Có thể kể tới: "Thành phố nào nhớ không em? Nơi chúng mình tìm phút êm đềm. Thành phố nào vừa đi đã mỏi. Đường quanh co quyện gốc thông già…"; "Em ơi nếu mộng không thành thì sao…"; "Trời vào thu Việt Nam buồn lắm em ơi. Mây tím đang dâng cao vời. Mà tình yêu chưa lên ngôi"…
Những lời này tựa như những câu gợi chuyện, như ướm lời khơi mào cho cuộc đối thoại, mà ngay từ đầu đã là những hoài niệm, những dự cảm mất mát.
Sự phổ biến các bài hát Lam Phương vốn đa dạng hơn, từ những bài hát mang màu sắc nhạc tiền chiến giai đoạn những năm trước và sau 1954 như Khúc ca ngày mùa, Trăng thanh bình, đến những khúc tango rộn ràng như Kiếp nghèo, Bài tango cho em.
Chất liệu ngôn từ bộc lộ một kiểu nam tính trữ tình đặc trưng, thứ khắc họa một chân dung nghệ sĩ nhất quán, vừa dễ thương cảm vừa dễ thẩm thấu.
Sau này Lam Phương thành công với những ca khúc có màu sắc hiện đại hơn, những hình ảnh tân thời hơn, song cơ bản vẫn là những bài hát được hát rất "mùi", trung thành với thẩm mỹ quen thuộc như Cho em quên tuổi ngọc, Chờ người, Em đi rồi, Bài thơ không đoạn kết…
Người bắt được "hồn vía" một thời
Dường như Lam Phương tìm được công thức thành công bằng một lối diễn đạt rất tự nhiên, thoải mái. Bolero, rumba hay các điệu nhạc chậm tương tự thật sự có một sức hấp dẫn nhờ lối viết bài hát khoan nhặt, gần gũi thẩm mỹ đại chúng vốn ưa thích những câu chuyện huê tình lâm ly.
Dòng nhạc Lam Phương phản ánh một giai đoạn xã hội miền Nam nhiều biến động, những dòng người từ nông thôn trốn cảnh chiến tranh tìm một đời sống thích nghi ở các đô thị, những bài hát buồn là thứ giúp họ giải khuây, tái hiện không gian đồng quê đã chìm trong khói lửa hay tiếp tục là phương tiện giúp họ trao gửi tâm tình với nhau.
Có thể nói chữ "sầu" là từ khóa cho ca khúc Lam Phương, nhưng dưới bàn tay biến hóa sáng tạo, chữ sầu này như một nốt giáng đẹp.
Âm nhạc của Lam Phương được công chúng đón nhận rộng rãi, được thể hiện qua số lần tái bản hoặc tiền tác quyền kỷ lục.
Cho dù thường xoay quanh vài môtip chủ đề quen thuộc, đôi khi khiến người nghe cảm tưởng tác giả có một vùng an toàn được thâm canh kỹ càng, song Lam Phương đã xuất chúng trong khả năng tìm ra được cách biểu đạt tâm sự riêng tư, mà trong nhiều trường hợp là những chuyện tình yêu ông trải qua, thành những tâm tình của số đông.
Điều này nói lên một điều hết sức ý nghĩa về một thế hệ tác giả và người nghe sống trong không khí duy cảm, họ sống cũng nghĩa là rút lòng mình nhả tơ, giống như trong một bài hát của Lam Phương nói về đời người "mang kiếp cầm ca lạc loài" đã dãi dề: "Cười đùa vì nguồn sống, khi lòng chỉ tìm lặng lẽ" (Kiếp ve sầu).
Những bài hát này có thể rồi chỉ là dữ liệu văn hóa quá khứ, nhưng không khí mà chúng tạo ra thực sự mang hồn vía một thời, bởi lẽ chúng được viết bằng tâm thế nhập đời triệt để.
Đó là thế giới của những nghệ sĩ mà cuộc đời và âm nhạc hòa làm một, họ lấy cảm xúc đang có làm lẽ sống, khiến hậu thế ngạc nhiên vì sự phơi bày tất cả buồn vui sướng khổ ít dấu vết suy tính nhất.
Nhạc sĩ Lam Phương
Nhạc sĩ Lam Phương sinh năm 1937 tại Rạch Giá, Kiên Giang. Ông là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam với gần 170 tác phẩm phổ biến từ thập niên 1950 đến nay.
Năm 1975, Lam Phương cùng gia đình sang Mỹ định cư. Về sau, ông có thời gian sống ở Pháp trước khi trở lại Mỹ và sống đến cuối đời.
Ca sĩ Ánh Tuyết: Nhạc sĩ Lam Phương bình dị, hiền hòa với mọi người
Ca sĩ Ánh Tuyết
Nhạc sĩ Lam Phương là một người nhạc sĩ đức độ, sống rất ôn hòa, nhẹ nhàng, có nụ cười rất hiền. Cũng chính sự bình dị, hiền hòa với mọi người, hiền hòa với đời nên ông viết nên những giai điệu trôi chảy, ca từ nhẹ nhàng, dễ rót vào tâm tư của người nghe. Câu hát của nhạc sĩ dễ cảm nhưng thấm sâu, không dễ trôi qua sau khi nghe.
Ánh Tuyết biết đến nhạc của ông từ năm lớp 4 (năm 1972). Lúc đó, Ánh Tuyết hát bài Tình cố đô và đoạt giải nhất cuộc thi văn nghệ toàn tỉnh, lấy nước mắt rất nhiều khán giả. Trong album Duyên kiếp, Ánh Tuyết có thể hiện bài Duyên kiếp, Tình bơ vơ của ông bằng giọng Bắc và giọng Quảng Nam.
Ca sĩ Đức Tuấn: Nhạc sĩ Lam Phương đã sống trọn vẹn
Ca sĩ Đức Tuấn
Tuy biết sức khỏe nhạc sĩ Lam Phương gần đây rất yếu, tôi vẫn bàng hoàng khi nghe tin ông ra đi quá sớm như vậy, trong những ngày cuối năm này.
Năm 2019, khi tôi sang Mỹ thăm, ông vẫn còn rất lạc quan. Album Trọn một kiếp yêu với các bài hát của ông, tôi cũng tặng cho ông nghe trong chuyến thăm đó. Nhạc sĩ rất thích vì tôi đưa chất thính phòng vào các bài hát của ông, ngay cả những bài thường bị người ta gọi là "nhạc sến".
Tôi tin chắc nhạc sĩ Lam Phương đã cảm thấy trọn vẹn với cuộc sống này, với tình cảm của hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam dành cho ông. Dù chú qua đời ở đâu đi chăng nữa, mọi người đều thương tiếc và luôn nhớ đến ông vì sự dễ thương và âm nhạc tuyệt vời.
Ca sĩ Lệ Quyên: Giai điệu đi vào lòng người
Ca sĩ Lệ Quyên
Nhạc sĩ Lam Phương có nhiều tác phẩm hay và những ca khúc tôi yêu thích nhất đã được đưa vào album của mình. Đó là Biển tình, Bài tango cho em, Thành phố buồn, Một mình...
Ở mỗi đêm diễn dù là phòng trà hay liveshow, nhạc của nhạc sĩ Lam Phương luôn là một trong những bài hát ưu tiên của tôi vì ca từ hay, giai điệu đi vào lòng người. Mỗi bài hát của ông đều là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc và khó có thể nói bài nào hay hơn bài nào.
MC Minh Đức: Nhạc Lam Phương xóa ranh giới giữa sang và sến
MC Minh Đức
Từ góc nhìn của tôi, nhạc trữ tình Việt Nam nên chia làm hai giai đoạn: trước Lam Phương và sau Lam Phương. Trước khi nhạc sĩ xuất hiện và nổi tiếng vào thập niên 1960, nhạc trữ tình Việt Nam có sự phân biệt ngầm giữa sang và sến.
Những nhạc sĩ xuất thân từ thời âm nhạc tiền chiến, nhạc lãng mạn trước đấy, họ có sự tự cao nhất định vì thứ âm nhạc ấy đẹp, sang trọng, rất Tây. Lời ca trau chuốt và giai điệu cầu kỳ, ngay cả chọn giọng hát cũng cầu kỳ. Họ không đánh giá cao trào lưu bolero khi ấy.
Nhưng khi Lam Phương xuất hiện, ông xóa mờ ranh giới đó. Ông chứng minh người ta vẫn có thể viết những bài hát cầu kỳ như nhạc lãng mạn tiền chiến nhưng vẫn gần gũi với công chúng. Dù viết theo lối bolero thịnh hành, nhạc của ông vẫn đẹp về giai điệu và sang trọng trong ca từ.
Rất khó để xếp nhạc Lam Phương vào dòng nào vì ông viết rất phong phú về thể loại. Ông viết rất nhiều nhạc tình, nhạc bolero và sau này là nhạc trẻ. Ông đã viết dòng nhạc nào thì cũng có những tác phẩm đỉnh cao.
MI LY - HOÀI PHƯƠNG ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận