![]() |
Khói nhà máy bốc lên ngùn ngụt - Ảnh: Treehugger |
Không hổ danh là thành phố ô nhiễm nhất mà Ngân hàng Thế giới công bố, Lâm Phần chìm trong màn sương khói mờ ảo của bụi công nghiệp thải ra từ hàng trăm mỏ than, nhà máy sản xuất than cốc, nhà máy luyện sắt thép và cả xưởng chế biến thức ăn. Ở đây, mặt trời “đi ngủ sớm” vì ánh nắng chiều khó xuyên qua lớp sương giăng kia. Các nhà khoa học ước tính hít khói bụi ở đây một ngày thì độc hại như hút ba bao thuốc lá.
![]() |
Thành phố Lâm Phần trong bụi bặm |
Người ta cho rằng mảnh đất này từng là kinh đô của nước Nghiêu 4.000 năm trước. Không ai có thể tưởng tượng được những năm 1980, Lâm Phần được mệnh danh là “thành phố hoa thơm trái ngọt”. Sự phát triển công nghiệp ồ ạt đã hủy hoại tất cả.
Đối với khách du lịch, bầu không khí này là không thể chịu đựng nổi. Còn đối với người dân, ai không chịu được thì bỏ đi, người ở lại là những người không có khả năng để đi.
![]() |
Hàng đoàn xe tải chạy trên đường không có bạt che |
Hằng ngày, người dân nghèo vẫn chạy theo xe tải chở than để lượm lặt những cục than văng ra từ thùng xe không nắp đậy. Trẻ em ngồi chơi giữa đường, thỉnh thoảng bị xe đi qua phụt khói vào mặt. Người lớn vừa nói vừa ho khan.
Xue Chunlong, một người chăn cừu bên cái bóng của những ống khói, cho hay sau khi ăn cỏ ở bên cạnh nhà máy, cừu của ông sinh toàn cừu non dị dạng. Không chỉ đầu độc đất, không khí, chất thải công nghiệp còn làm ô nhiễm nặng nề con sông Phần chảy qua đây.
Chính phủ Trung Quốc đã hứa hẹn nhiều để trả lại bầu không khí tốt đẹp hơn cho Lâm Phần nhưng đến giờ vẫn chỉ là những màn khói bụi dày đặc. Trong danh sách 20 thành phố bẩn nhất thế giới thì Trung Quốc đã sở hữu đến 16.
Ông Wang Hong Ying, quan chức ngành than ở nước này, thừa nhận họ đã hiểu sai về công nghiệp hóa, hiện đại hóa - chỉ là hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế nhanh chóng mà không quan tâm đến chất lượng sống của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận