28/03/2011 16:37 GMT+7

Làm giàu là vinh quang - kỳ 4

MICHAEL SCHUMAN
MICHAEL SCHUMAN

TTO - Các cuộc cải cách ở vùng nông thôn về bản chất là ngoạn mục nhưng chỉ đưa Trung Quốc tiến xa được tới đó. Để thực sự hiện đại hóa đất nước nhanh chóng, Đặng Tiểu Bình cần có 2 yếu tố quyết định là tiền và công nghệ. Trung Quốc chẳng có thứ nào trong cả 2 nhân tố trên.

7dtXa5Kh.jpgPhóng to
TTO - Các cuộc cải cách ở vùng nông thôn về bản chất là ngoạn mục nhưng chỉ đưa Trung Quốc tiến xa được tới đó. Để thực sự hiện đại hóa đất nước nhanh chóng, Đặng Tiểu Bình cần có 2 yếu tố quyết định là tiền và công nghệ. Trung Quốc chẳng có thứ nào trong cả 2 nhân tố trên.

Vì vậy, kỳ lạ thay, Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình với 1 tỉ dân cũng đối mặt với một vấn đề khó khăn tương tự như Singapore chỉ có 2 triệu dân của Lý Quang Diệu. Cách giải quyết của Đặng Tiểu Bình cũng giống như của Lý Quang Diệu. Ông quay sang nền kinh tế toàn cầu, hút về cho mình kiến thức và sự giàu có của phương Tây. “Trung Quốc đã đóng góp cho thế giới giảm dần qua các thời kỳ,” năm 1978 Đặng Tiểu Bình cho biết. “Giờ là lúc để chúng ta phải học hỏi từ các nước phát triển”.

Đặng Tiểu Bình chủ trương mở cửa ra thế giới bên ngoài rộng hơn so với những gì một đất nước Trung Quốc ẩn dật đã cho phép thực hiện trong nhiều thế kỷ trước. Ông trách chính sự bài ngoại của Mao Trạch Đông đã kìm giữ Trung Quốc sa lầy trong vũng bùn của đói nghèo. “Trong một khoảng thời gian nhất định, chuyện học hỏi khoa học và công nghệ hiện đại của các nước phát triển bị chỉ trích là ‘sùng bái mù quáng những thứ ngoại lai’,” Đặng Tiểu Bình nói. “Chúng ta cần phải hiểu rằng lập luận này ngu xuẩn như thế nào… Trung Quốc không thể phát triển bằng cách đóng cửa.”

Đặng Tiểu Bình cho rằng nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục cô lập mình thì đất nước này sẽ không bao giờ bắt kịp các nước công nghiệp. “Thế giới đang tiến về phía trước. Nếu chúng ta không phát triển công nghệ của mình thì chúng ta sẽ không bắt kịp các nước phát triển chứ đừng nói đến chuyện vượt qua được họ. Chúng ta sẽ bò lê ở phía sau với một tốc độ chậm như rùa,” Đặng Tiểu Bình giáo huấn cho các cán bộ Đảng viên Trung Quốc vào tháng 9/1978.

Giống như Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình cũng quá nôn nóng đến nỗi không thể chờ các doanh nghiệp của riêng Trung Quốc tự tái sinh. Ông cũng đi theo con đường tương tự như Lý Quang Diệu: chào đón đầu tư nước ngoài. Cách nghĩ này là cấp tiến, gần như dị thường, ở Trung Quốc vào thập niên 1970. Đi cùng với đầu tư nước ngoài là những tư tưởng tư sản nguy hiểm và những nhà tư bản bóc lột. Đặng Tiểu Bình cho rằng rủi ro này đáng chấp nhận. Nguồn vốn toàn cầu có thể tài trợ cho phát triển của Trung Quốc, mang lại những công nghệ và bí quyết quản lý mới mà qua đó Trung Quốc có thể xây dựng thêm nhiều ngành công nghiệp cạnh tranh hơn, hiện đại hơn.

Xét khía cạnh đầu tư nước ngoài, Đặng Tiểu Bình bị ảnh hưởng bởi Những con hổ châu Á. Sau chuyến thăm Singapore năm 1979, Đặng Tiểu Bình đã trình bày trước một hội nghị Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc đầu tư nước ngoài đã đem lại lương cao cho công nhân và thu nhập lớn hơn cho chính phủ Singapore như thế nào, kích thích tổng thể nền kinh tế của đảo quốc sư tử phát triển ra sao. “Theo tôi, khi nghiên cứu tìm hiểu về các vấn đề kinh tế và tài chính, chúng ta nên tập trung vào và tận dụng ý kiến của giới chuyên môn trong việc sử dụng vốn nước ngoài,” Đặng Tiểu Bình nói với các cán bộ Đảng viên.

“Nếu chúng ta không làm điều đó thì quả thật là một điều đáng tiếc lớn.” Thêm một lần nữa xé một trang trong kế hoạch của Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình muốn Trung Quốc nhảy vào thế giới cạnh tranh thu hút vốn ngoại tệ ngày càng gay gắt giữa các quốc gia châu Á bằng cách làm cho bản thân mình càng hấp dẫn các nhà đầu tư càng tốt. Ông nói: “Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào đây để kiếm lợi nhuận. Vì vậy, chúng ta cần phải đảm bảo rằng họ có thể kiếm được lợi nhuận tại Trung Quốc nhiều hơn khi họ đầu tư tại các quốc gia khác.”

Để chính sách của mình thành công, Đặng Tiểu Bình cần tranh thủ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là nguồn công nghệ tiên tiến chủ chốt. Trung Quốc không thể phát triển lớn mạnh nếu không tiếp cận thị trường Mỹ và tiền vốn của các công ty Mỹ. Quan hệ giữa hai nước đã cải thiện kể từ sau chuyến viếng thăm bất ngờ của Tổng thống Mỹ Richad Nixon đến Bắc Kinh vào năm 1972.

Đặng Tiểu Bình đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ vào tháng 1-1979. Sau đó, cũng trong cùng tháng này, ông công du sang Mỹ như một phần trong cuộc tấn công quyết định nhằm tái tạo hình ảnh quyến rũ về Trung Quốc trong con mắt thận trọng của Mỹ vốn vẫn đang dồn hết sức cho Chiến tranh lạnh. Tại Texas, ông dùng bữa chính với sườn nướng, tham dự một cuộc đua tài của những người chăn bò và nhận được một tràng hò reo hoan hô của đám đông khi Đặng Tiểu Bình nhỏ bé đội một chiếc mũ cao bồi rộng ngoại cỡ.

Tạp chí Newsweek của Mỹ bình luận: “Đôi khi, Đặng Tiểu Bình hành động như thể ông đang chạy đua tranh cử giành một ghế trong nội các.” Chính quyền Carter cũng nhiệt tình tỏ lòng cảm kích không kém. Tổng thống Mỹ đã nghênh tiếp Đặng Tiểu Bình tại một lễ hội ở Trung tâm Kennedy tại Washington mà qua đó có các tiết mục biểu diễn của John Denver, của Dàn hợp xướng Thiếu nhi Quốc gia (hát bằng tiếng Trung Quốc), và đặc biệt là của nhóm biểu diễn bóng rổ tạp kĩ Harlem Globetrotters, tiết mục làm Đặng Tiểu Bình vô cùng thích thú.

Tuy nhiên, điểm nổi bật thật sự trong chuyến đi của Đặng Tiểu Bình là cuộc gặp gỡ với Carter tại Nhà Trắng. Vừa bập bập điếu thuốc lá hiệu Gấu trúc ưa thích của mình, ông vừa khéo léo bàn về những vấn đề nhạy cảm để tháo ngòi nổ căng thẳng có thể xảy ra. Khi Carter dồn ép Đặng Tiểu Bình đến những quan ngại về nhân quyền liên quan đến việc Trung Quốc hạn chế không cho người dân di cư ra nước ngoài, Đặng Tiểu Bình đã nói đùa rằng đất nước Trung Quốc hùng mạnh với 1 tỉ dân có thể “gửi cho Ngài 10 triệu dân nhập cư ngay lập tức”. (Carter lịch sự từ chối lời đề nghị này). Sau cuộc gặp, khi đi bộ cùng Đặng Tiểu Bình ra chiếc limousine của mình, Carter sôi nổi khẳng định cuộc gặp cấp cao này là “một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử của đất nước chúng tôi”.

Đặng Tiểu Bình đã bắt trúng Carter vào đúng thời điểm. Một số nhà hoạch định chính sách tại Washington hi vọng quan hệ mọi mặt giữa Trung Quốc và Mỹ có thể làm trầm trọng sự rạn nứt giữa Liên Xô và Trung Quốc, có lợi cho Mỹ trong cuộc chiến toàn cầu chống lại Moscow. Đầu năm 1980, Mỹ tặng cho Trung Quốc quy chế tối huệ quốc. Bước đi này là một khúc ngoặt trọng đại.

Nếu không có được sự ưu tiên tiếp cận vào thị trường tiêu thụ khổng lồ của Mỹ thì ắt hẳn bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và phát triển khu vực xuất khẩu hiện đại cũng sẽ trở nên bất khả thi. Quan hệ mới của Đặng Tiểu Bình với Mỹ đã cho phép Trung Quốc áp dụng mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu vốn trước đó đã rất thành công tại Nhật Bản và những Con hổ châu Á.

Phần khó khăn tiếp theo: Làm sao đất nước Trung Quốc theo chế độ Cộng sản, thù địch quá lâu với thế giới tư bản có thể thuyết phục được các công ty nước ngoài đầu tư vào mình? Một lần nữa, giải pháp xuất hiện không phải từ giới chức quan liêu ở Bắc Kinh mà từ các tỉnh. Mùa thu năm 1978, Diệp Phi, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đã gặp gỡ các cán bộ của Công ty Hải hành tàu hơi nước của thương nhân Trung Hoa (China Merchant’s Steam Navigation - CMSN) tại Hồng Kông.

Đây là công ty do chính phủ Trung Quốc sở hữu nhưng đặt tại Hồng Kông. Diệp Phi vừa mới trở về từ một chuyến đi công tác nước ngoài trước đó và đã nghe nói về khái niệm “khu chế xuất” (EPZ) giống như những cái mà Lý Quốc Đỉnh đã mở ở Đài Loan. Ông háo hức trước viễn cảnh giới thiệu chúng vào Trung Quốc và đề nghị CMSN đảm nhận một dự án như vậy. CMSN nghĩ ra một kế hoạch xây dựng một cơ sở phá dỡ tàu cũ tại một khu công nghiệp ở tỉnh Quảng Đông.

Lực lượng lao động Trung Quốc giá rẻ sẽ tháo dỡ những con tàu cũ và kim loại phế liệu sẽ được bán sang Hồng Kông để thu về ngoại tệ. Lãnh đạo CMSN, một anh hùng Cộng sản kháng chiến có mối quan hệ với giới thượng lưu, Viên Canh, đã trình đề xuất lên các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tháng 1/1979, Bắc Kinh cho phép CMSN phát triển một khu công nghiệp của riêng mình tại Xà Khẩu nằm dọc theo ranh giới với Hồng Kông. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc dành ra một vùng địa lý làm nơi thu hút đầu tư nước ngoài.

Quyết định bất thường về chính sách này là bước đi đầu tiên trong tiến trình làm thay đổi không chỉ một mình Trung Quốc mà còn cả toàn bộ nền kinh tế thế giới. Nó dẫn đến sự ra đời của đặc khu kinh tế (special economic zone - SEZ) tại Trung Quốc. Không lâu sau khi khu công nghiệp của CMSN hình thành, đích thân Đặng Tiểu Bình tham gia vào vấn đề này. Tháng 4-1979, ông gặp gỡ 2 bí thư Đảng ủy cấp cao ở tỉnh Quảng Đông, những người đã đề xuất ý tưởng thành lập SEZ.

Đặng Tiểu Bình đồng ý ngay lập tức. Ông bảo với họ: “Chúng ta có thể cắt ra một khoảng đất và gọi nó là đặc khu.” Đặng Tiểu Bình đặt trách nhiệm chính lên vai những người này. Ông chỉ đạo: “Trung ương không có tiền. Vì vậy, Trung ương muốn các anh là những người tự mình thực hiện việc này.” Không lâu sau cuộc họp đó, một nhóm công tác đặc biệt do Cốc Mục, một phó thủ tướng trong Hội đồng Nhà nước, dẫn đầu được Bắc Kinh phái đi khảo sát khả năng xây dựng các SEZ dọc theo vùng duyên hải Trung Quốc. Dựa trên kết quả nghiên cứu khảo sát này, tháng 7-1979, Hội đồng Nhà nước đã cấp phép thành lập 4 đặc khu kinh tế: 3 đặc khu ở tỉnh Quảng Đông là Thâm Quyến, Chu Hải và Sán Đầu; 1 đặc khu ở tỉnh Phúc Kiến là Hạ Môn.

Các đặc khu kinh tế mô phỏng theo khu chế xuất của Đài Loan. Chúng được thiết kế nhằm mục đích khuyến khích thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài bằng những quy định nới lỏng hơn và chính sách ưu đãi thuế, những phương tiện mà Singapore và Đài Loan đã sử dụng để thu hút các tập đoàn phương Tây. Mô hình của Singapore đặc biệt có ảnh hưởng mạnh. Ngô Khánh Thụy, chuyên gia kinh tế chính của Lý Quang Diệu, là cố vấn xây dựng các đặc khu kinh tế của Trung Quốc. Những SEZ này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc theo chế độ Cộng sản đã bước chân vào nền kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, vào thời kỳ đầu, sự thử nghiệm SEZ diễn ra ở phạm vi rất hạn chế. Bên trong đặc khu kinh tế, các công ty nước ngoài có thể xây dựng và điều hành hoạt động sản xuất khá dễ dàng, thoải mái. Bên ngoài các đặc khu, Trung Quốc vẫn là một nền kinh tế đóng, do nhà nước chi phối. Nhờ đó, Trung Quốc vừa thử nghiệm với ngoại thương và những doanh nghiệp nước ngoài, thu hút vốn đầu tư và công nghệ lại vừa bảo vệ phần lớn nền kinh tế khỏi bất kỳ một sự gây mất ổn định nào có thể xảy ra do người ngoài gây nên. Cứ như thể có hai Trung Quốc hoàn toàn khác nhau được gắn lại với nhau.

Tuy vậy, tình trạng đó không kéo dài. Dù bức tường chắn giữa hai Trung Quốc trong thời kỳ đầu của tiến trình cải cách là không thể xuyên thủng được nhưng khi các cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình phát triển thì toàn thể nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu ứng dụng nhiều chính sách đã được giới thiệu ở các SEZ.

Lấy ví dụ, Thâm Quyến là một trong những địa phương đầu tiên ở Trung Quốc thử nghiệm chế độ kích thích lao động bằng hình thức tiền lương, sử dụng đất tự do hơn, giảm bớt sự can thiệp quan liêu của chính phủ vào việc quản lý doanh nghiệp. Những chính sách này sau đó nhanh chóng trở nên phổ biến khắp Trung Quốc. Các SEZ, vì vậy, trở thành ánh sáng dẫn đường cho cải cách thị trường ở Trung Quốc và là động cơ chính của Phép màu tại Trung Quốc.

Địa điểm xây dựng 4 đặc khu kinh tế đầu tiên được chọn lựa một cách thông minh. Ba trong số đó được đặt tại vị trí chạy thẳng sang một Con hổ châu Á. Thâm Quyến có chung ranh giới với Hồng Kông sầm uất. Hạ Môn và Sán Đầu chạy qua eo biển chia tách Trung Quốc đại lục với Đài Loan. (Chu Hải thì nằm giáp với Macau, thuộc địa của Bồ Đào Nha, một nguồn tiềm năng khác cung cấp tài chính nước ngoài).

Thời điểm thành lập các đặc khu kinh tế cũng hứa hẹn tốt đẹp. Trung Quốc mở các SEZ của mình đúng vào lúc Hồng Kông, Đài Loan và những Con hổ khác đang chịu sức ép nghiêm trọng. Khi các nền kinh tế này phát triển, lương nhân công và nhiều chi phí kinh doanh khác cũng tăng theo. Chi phí đội lên làm giảm tính cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp thâm dụng lao động vốn đã tạo nên Phép màu cho những Con hổ này, chẳng hạn như các ngành may mặc, đồ chơi và lắp ráp điện tử.

Các công ty tại những quốc gia và vùng lãnh thổ này đang tìm nhiều cách cắt giảm chi phí để duy trì lợi nhuận. Trung Quốc hi vọng những công ty này có thể tìm thấy câu trả lời tại các SEZ. Lao động tại Trung Quốc lục địa rẻ hơn đáng kể so với tại những Con hổ. Vào giữa thập niên 1980, lương nhân công bình quân hằng tháng ở Thâm Quyến chỉ bằng 1/6 so với tại Hồng Kông còn lương nhân công tính trung bình của toàn Trung Quốc thì chưa bằng 1/10. Các công ty có thể chuyển cơ sở sản xuất của mình tới các SEZ hoặc mở thêm các nhà máy tại đây, tận dụng lực lượng lao động giá rẻ dồi dào của Trung Quốc và lấy lại sức mạnh cạnh tranh của mình. Sức hấp dẫn của các SEZ gần như là không thể cưỡng lại được.

Gia đình họ Đinh, chủ Doanh nghiệp Kader Industrial sản xuất đồ chơi tại Hồng Kông, cũng nghĩ như vậy. Đinh Thọ Ngọ, con trai của H.C. Đinh bắt đầu thử sản xuất tại Trung Quốc đại lục ngay từ rất sớm, vào năm 1980. Ông hợp đồng một nhà máy ở Quảng Đông sản xuất xe máy nhựa cho Kader. Nhà máy được gắn liền với một trường học và các giáo viên làm việc trong các dây chuyền sản xuất để kiếm thêm thu nhập sau giờ lên lớp. Năm 1982, Đinh Ngọ Thọ xây dựng một nhà máy của riêng mình tại Xà Khẩu (sau này trở thành một phần của đặc khu kinh tế Thâm Quyến).

Việc kinh doanh tại Trung Quốc vào thời đó còn khó khăn, thô sơ và thiếu thốn. Là nhà máy đầu tiên mở ra trong khu vực nên xung quanh Kader chỉ toàn cánh đồng lúa. Đinh Ngọ Thọ phải mắc dây vào lưới điện của Hồng Kông để lấy điện cho nhà máy và sử dụng một điện thoại sóng cực ngắn để liên lạc với trụ sở chính của mình tại Hồng Kông.

Vì không có đường giao thông đi lại dễ dàng nên Đinh Ngọ Thọ phải mất 2 giờ đi thuyền từ Hồng Kông tới nhà máy. Tuy có rất ít sự chọn lựa điều kiện kinh doanh nhưng Đinh Ngọ Thọ vẫn phải nắm giữ những cơ hội tại đặc khu kinh tế này. Chi phí sản xuất tại quê hương của Đinh Ngọ Thọ tăng cao nên ông ít có quyền chọn lựa nào khác.

Giống như nhiều người khác, Đinh Ngọ Thọ bền gan bền chí. Bắt đầu vào đầu những năm 80, hàng nghìn nhà máy mọc lên giữa khắp các cánh đồng lúa của những SEZ. Các SEZ đã dẫn dắt tới cái mà sau này sẽ trở thành sự bùng nổ xuất khẩu lớn của Trung Quốc. Các nhà sản xuất từ Hồng Kông và Đài Loan chuyển sang Trung Quốc nhanh hơn rất nhiều so với những công ty ít dám chấp nhận rủi ro hơn của Mỹ hay châu Âu. Bằng cách rút tỉa nguồn lực của những nền kinh tế châu Á công nghiệp mới hình thành, Trung Quốc xây dựng Phép màu của mình dựa trên thành công của Phép màu ở những nơi khác. Châu Á bắt đầu tự thân phát triển.

Sự nổi lên của các SEZ cũng góp phần tạo nên một sự đổi thay cơ bản khác trong nền kinh tế toàn cầu: khái niệm “sản xuất không biên giới”. Theo quy trình sản xuất này, những linh kiện khác nhau được thu mua từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, tập hợp về một nơi và lắp ráp. Trong số những người đi tiên phong trong quy trình phức tạp này có gia đình họ Phùng của công ty Li & Fung tại Hồng Kông.

Hai người con trai của Phùng Hán Chu là Phùng Quốc Kinh và Phùng Quốc Luân phải đương đầu với một vấn đề khi các nhà máy bắt đầu rút khỏi Hồng Kông để chuyển sang Trung Quốc vào đầu thập niên 80. Trình độ tay nghề và công nghệ tại Trung Quốc quá thấp đến nỗi một số phần trong quy trình sản xuất không thể hoàn thành được theo những tiêu chuẩn mà các khách hàng của họ Phùng ở phương Tây yêu cầu. Họ đưa ra giải pháp là chia nhỏ sản xuất thành nhiều giai đoạn.

Gia đình họ Phùng vận chuyển các mẫu áo sơ mi và đồ chơi bằng đường biển đến các nhà máy ở Thâm Quyến để công nhân ở đây lắp ráp thành hàng hóa rồi sau đó chở ngược về Hồng Kông để kiểm tra và đóng gói trước khi xuất hàng sang Mỹ. Qua nhiều năm, quy trình này mở rộng tới nhiều nước khác trong khu vực. Linh kiện được sản xuất hay mua tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản hay nhiều nơi khác rồi được vận chuyển bằng đường biển đến Trung Quốc để lắp ráp cuối cùng.

Gia đình họ Phùng đã phát hiện ra một “ý tưởng rằng bạn có thể tách nhỏ sản phẩm ra và phân nó cho nhiều nơi khác trên thế giới,” Phùng Quốc Kinh nói. Kiểu sắp xếp, phối hợp sản xuất này đã làm thay đổi phương pháp sản xuất hàng tiêu dùng: gia tăng hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tăng thêm tính khả thi trong sản xuất nhiều loại sản phẩm.

Các SEZ trở nên là một trong những thành tựu lớn của Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi nhanh chóng về mặt xã hội trong các đặc khu kinh tế và tầm nhìn xa cũng khiến chúng trở thành mục tiêu tấn công chính của những nhà lãnh đạo trong nội bộ Đảng phản đối chương trình của Đặng Tiểu Bình. Những thành viên bảo thủ hơn trong liên minh của Đặng Tiểu Bình vẫn còn cảnh giác các nhà đầu tư nước ngoài và ngờ vực về tác động của họ lên đất nước Trung Quốc.

Trần Vân, một trong những nhân vật bảo thủ nhất trong Đảng, năm 1980 khẳng định: “Tư bản nước ngoài vẫn là tư bản”. Lực lượng phản đối còn so sánh các SEZ với “những lời đề nghị nhượng bộ” đáng căm thù mà các thế lực châu Âu đã đưa ra vào thế kỷ 19. Họ lập luận qua việc chạy theo các nhà đầu tư nước ngoài, những SEZ tượng trưng cho sự mất chủ quyền đáng xấu hổ tương tự như vậy. Một cán bộ Đảng viên than phiền rằng “chẳng có thứ gì trong Thâm Quyến là đặc trưng của xã hội chủ nghĩa ngoại trừ lá cờ có 5 ngôi sao”.

Đặng Tiểu Bình cũng lo lắng về những tác dụng phụ của các SEZ. Mặc dù sẵn sàng thúc đẩy cải cách kinh tế vượt xa các giới hạn nhưng ông cũng thận trọng hơn về các vấn đề xã hội và chính trị. Trong bài diễn văn phát biểu trước Ủy ban Trung ương Đảng năm 1983, Đặng Tiểu Bình nhấn mạnh “thật đúng đắn khi chúng ta thực hiện chính sách kinh tế mở cửa ra thế giới bên ngoài” nhưng ông cũng nói thêm rằng Đảng cần phải “kiên quyết đấu tranh chống lại mọi ảnh hưởng tư sản thối nát”.

Những phê phán của Đặng Tiểu Bình đã cho phép những người mang tư tưởng bảo thủ phát động một cuộc vận động vào cuối năm 1983 chống lại “sự đầu độc tư tưởng” từ từ len lỏi từ nước ngoài vào trong nước. Phong trào này nhắm đến tất cả mọi thứ, từ váy ngắn mà phụ nữ trẻ ưa thích cho đến việc quảng cáo bán hàng rầm rộ của các cửa hàng bán lẻ. Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương vô cùng lo ngại. Họ nhận thấy lực lượng đối lập Đặng Tiểu Bình đang cố gắng phá hoại toàn bộ chương trình cải cách kinh tế bằng cách tấn công các SEZ.

Đầu năm 1984, Đặng Tiểu Bình cũng nhận thấy mình đã đi quá xa. Có một câu chuyện kể lại con trai của Đặng Tiểu Bình là Đặng Bác Phương (Pufang) đã cảnh báo cha mình rằng cuộc vận động chống đầu độc tư tưởng có thể sẽ làm phá sản nỗ lực cải cách và làm suy yếu vị thế của ông. Đặng Tiểu Bình nhanh chóng đảo ngược chiều hướng và đè bẹp cuộc vận động.

Ông cũng cho hồi phục lại cuộc tấn công của phong trào cải cách. Tháng 1 và 2/1984, Đặng Tiểu Bình thăm tất cả các đặc khu kinh tế. Khi quay trở về Bắc Kinh, ông đã lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ việc thử nghiệm SEZ. Ông nói với Ủy ban Trung ương Đảng về việc ông đã bị ấn tượng mạnh đến thế nào trước năng suất mà ông đã chứng kiến ở Thâm Quyến. “Chẳng mất nhiều thời gian để xây dựng nên một tòa cao ốc.

Các công nhân hoàn thành xong một tầng chỉ trong vòng vài ba ngày,” Đặng Tiểu Bình nói. “Tính hiệu quả cao của họ” có được là nhờ vào “một chế độ khen thưởng và kỷ luật công bằng”. Ông vẫn tin tưởng chắc chắn rằng các SEZ là nhân tố then chốt quyết định sự nghiệp hiện đại hóa của Trung Quốc. Đặng Tiểu Bình nói: “Với tư cách là nền tảng cơ sở của chính sách mở cửa, những đặc khu kinh tế này sẽ không những có lợi cho nền kinh tế của chúng ta và đào tạo con người của chúng ta mà còn nâng cao tầm ảnh hưởng của chúng ta ra thế giới.”

Ông đề nghị nhân rộng các chính sách của SEZ ra nhiều khu vực khác của Trung Quốc. “Chúng ta sẽ cho phép một số khu vực trở nên giàu có trước. Chủ nghĩa bình quân sẽ không còn hiệu lực. Đây là chính sách chính,” Đặng Tiểu Bình nói. Sang tháng 7, 14 thành phố duyên hải, trong đó có các tỉnh lỵ của một vùng như Thượng Hải và Quảng Châu, đã mở cửa chào đón đầu tư nước ngoài. Những ngày tháng Trung Quốc tự cô lập mình đã chấm dứt.

MICHAEL SCHUMAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên